Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:24 (GMT +7)
Tiếp tục phát triển TKV trở thành tập đoàn kinh tế Nhà nước mạnh
Thứ 4, 27/12/2023 | 13:47:21 [GMT +7] A A
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong triển khai Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020, hiện nay, TKV tiếp tục yêu cầu các đơn vị thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025. Việc tiếp tục triển khai Đề án sẽ giúp TKV nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng TKV trở thành tập đoàn kinh tế Nhà nước mạnh, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế...
Tính riêng giai đoạn 2010-2020, TKV đã tiến hành hai lần tái cơ cấu sắp xếp lại bộ máy, tổ chức hoạt động. Trong đó, giai đoạn 2012-2015, TKV đã thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp theo Quyết định số 314 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/2/2013, tập trung xóa bỏ các công ty 2 cấp. Song song với đó, Tập đoàn còn rà soát lại số lượng lao động và định biên các phòng ban để sắp xếp tinh gọn lại theo cơ cấu từ 28 phòng ban/đơn vị giảm xuống còn 14 đến 15 phòng, ban.
Giai đoạn 2017-2020, TKV tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam theo hướng mô hình tổ chức gọn nhẹ, hợp lý, hoạt động hiệu quả, bền vững. Tính đến nay, theo lộ trình tái cơ cấu, TKV đã hợp nhất 2 công ty xây dựng mỏ (Hầm lò 1 và Hầm lò 2) thành Công ty Xây lắp mỏ; sáp nhập Công ty Than Hồng Thái vào Công ty Than Uông Bí; sáp nhập Công ty Kho vận Hòn Gai vào Công ty Tuyển than Hòn Gai và hợp nhất Công ty CP Than Cao Sơn và Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài thành Công ty CP Than Cao Sơn.
Công ty CP Cơ điện Uông Bí là đơn vị trực thuộc TKV chuyên sản xuất thiết bị cơ khí phục vụ cho ngành Than, đáp ứng nhu cầu thị trường. Giai đoạn 2017-2020, thực hiện Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn, Công ty đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức từ 5 phòng, 4 phân xưởng giảm xuống còn 3 phòng, 2 phân xưởng. Sau lần tái cơ cấu này bộ máy tổ chức lao động của đơn vị được tinh giản gọn nhẹ hơn. Lực lượng lao động đã được cắt giảm hơn 100 người. Mặc dù lao động giảm, đầu mối giảm nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty tăng; đời sống, việc làm của người lao động được cải thiện. Điều này cho thấy, tái cơ cấu của TKV là quyết sách đúng đắn, kịp thời quyết định đến sự phát triển bền vững của Công ty trong giai đoạn tiếp theo. Theo lộ trình triển khai sắp xếp doanh nghiệp Đề án tái cơ cấu lại Tập đoàn sẽ thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP Cơ điện Uông Bí. Dự kiến đến trước ngày 30/6/2024, TKV sẽ hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp; trước ngày 30/9/2024 sẽ hoàn thành chào bán cổ phần. Được biết hiện nay, Tập đoàn đang chiếm trên 35% vốn điều lệ tại Công ty CP Cơ điện Uông Bí. Hiện, TKV đang triển khai các bước thoái vốn theo đúng chủ trương, tiến độ, kế hoạch đề ra.
Ngày 27/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1263/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đến năm 2025. Mục tiêu của Đề án là tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động để TKV trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, từng bước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển bền vững, hài hòa với môi trường và người lao động; phát triển phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng mới; góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong giai đoạn đến năm 2025, TKV tiếp tục tập trung trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mà TKV có lợi thế về công nghệ sản xuất, kết cấu hạ tầng, bí quyết công nghệ, nhân lực và thị trường. Định hướng chung về phát triển kinh doanh của TKV là gắn mô hình kinh doanh với sản xuất tạo ra chuỗi giá trị khai thác các khoáng sản, sản phẩm và dịch vụ đi kèm; tăng cường phát triển theo chiều sâu bằng cách áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại.
TKV sẽ từng bước tiến tới liên thông 3 phân ngành kinh doanh chính của TKV là Than - Điện - Luyện kim. Trong đó, tập trung phát triển các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao, liên thông các mỏ lộ thiên, hầm lò thành các mỏ có công suất lớn. Đề án cũng nhấn mạnh vào việc TKV sẽ đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp; tập trung hoàn thiện thể chế quản lý, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên, quản trị đầu tư, quản trị chi phí. Trong giai đoạn đến năm 2025, TKV tiếp tục thực hiện sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc, thoái vốn tại các công ty không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, cơ cấu lại vốn góp của TKV tại một số công ty con.
Theo đó, lộ trình đến giữa năm 2024, TKV sẽ tiến hành hợp nhất giữa Công ty CP Than Cọc Sáu và Công ty CP Than Đèo Nai; trước ngày 30/9/2025 sẽ hợp nhất Công ty CP Than Núi Béo và Công ty CP Than Hà Lầm. Bên cạnh đó, TKV sẽ sắp xếp lại 7 công ty TNHH MTV và tổ chức các chi nhánh trực thuộc công ty mẹ. Ngoài ra, TKV sẽ tiến hành thoái vốn, bán tiếp phần vốn còn lại tại 19 công ty con và vốn tại công ty liên kết.
Tại hội nghị quán triệt Đề án cơ cấu lại TKV đến năm 2025 diễn ra giữa tháng 11/2023, đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV TKV nhấn mạnh: Để triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại TKV, thời gian tới toàn bộ hệ thống chính trị của TKV cùng vào cuộc để quán triệt, tuyên truyền Đề án tới toàn thể người lao động. Đồng thời tích cực, quyết liệt, sâu sát trong việc triển khai thực hiện Đề án nhằm đạt được các mục tiêu đã được phê duyệt. TKV cũng yêu cầu các đơn vị phải chấp hành nghiêm chỉ đạo của Tập đoàn trong triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là tại các đơn vị có thay đổi về mô hình tổ chức. Tập đoàn sẽ chủ động hướng dẫn, giám sát, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện cơ cấu lại theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()