Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 21:11 (GMT +7)
Tọa đàm chuyên đề về xây dựng đặc khu kinh tế
Thứ 6, 21/03/2014 | 15:23:35 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển ĐKKT - Kinh nghiệm và cơ hội, sáng 21- 3 các đại biểu tiến hành tọa đàm chuyên đề về xây dựng ĐKKT.
Các đại biểu đã tọa đàm theo 4 nhóm chuyên đề: Thể chế và hạ tầng kinh tế, cơ chế tài chính và tiền tệ, ngành nghề - lựa chọn và phát triển, thể chế hành chính và nguồn nhân lực.
PGS.TS Phạm Minh Chính, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Tại phòng tọa đàm chuyên đề về thể chế và hạ tầng kinh tế, dưới dự chủ trì của GS. TS Phạm Minh Chính, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, các đại biểu trong và ngoài nước đã sôi nổi thảo luận về các vấn đề của hội thảo.
Phát biểu tại đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu xây dựng ĐKKT Vân Đồn mà tỉnh Quảng Ninh xác định là làm cho kinh tế phát triển nhanh và bền vững để tạo cực tăng trưởng và phát triển cho cả vùng. Muốn vậy phải phát triển trình độ sản xuất ở mức độ cao, phát triển các dịch vụ cao cấp, bộ máy quản lý phải tinh gọn và hiệu quả, an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo tốt hơn.
Để thực hiện được mục tiêu chung và 4 nhiệm vụ trên, cần phải thu hút được đầu tư từ nước ngoài. Vân Đồn có nhiều tiềm năng, lợi thế khác biệt và cơ hội nổi trội như: vị trí địa chiến lược quan trọng, cảnh quan đẹp và môi trường tốt, nằm cạnh di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.
Vì thế, cơ cấu ngành nghề của ĐKKT Vân Đồn là: Dịch vụ du lịch biển cao cấp với casino quy mô lớn; công nghệ thông tin và truyền thông tự do ở mức độ cao nhất; dịch vụ tài chính ngân hàng phát triển. Để phát triển được với các cơ cấu ngành nghề như trên, các thể chế (thuế, đất đai…) phải cạnh tranh nhất ở quy mô toàn cầu. Thể chế hành chính phải tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với đặc thù Việt Nam. Mô hình chính quyền đô thị 2 cấp với việc không tổ chức HĐND và bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban hành chính có lẽ là phù hợp với ĐKKT Vân Đồn.
Về phát triển hạ tầng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng nếu Quảng Ninh và Vân Đồn chỉ có đường bộ, đường sắt và đường thủy thì chưa đáp ứng được yêu cầu mà cần có cảng hàng không quốc tế. Thay vì bỏ 12 ngàn tỷ đồng đầu tư cao tốc để kết nối Quảng Ninh với các vùng trong nước thì nên chăng đầu tư 7 ngàn tỷ đồng để đầu tư sân bay quốc tế kết nối Vân Đồn – Quảng Ninh với cả thế giới. Xây dựng hạ tầng cho ĐKKT Vân Đồn thì cần ưu tiên số một cho việc xây dựng sân bay.
Về nguồn lực và tổ chức, đồng chí Phạm Minh Chính cho rằng mô hình đầu tư công, quản trị tư là phù hợp và sẽ phát huy hiệu quả. Cùng với đó, cần có sự trao quyền để xây dựng, vận hành ĐKKT cho linh động và hiệu quả.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đánh giá cao cách làm, sự sáng tạo và công phu của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong chuẩn bị, tổ chức và thể hiện các vấn đề khoa học và thực tiễn tại hội thảo này. Đồng chí nhấn mạnh: Việc xây dựng ĐKKT ở Việt Nam giờ đã là muộn nhưng nếu không có các mô hình đột phá, không tiếp tục đổi mới thì chúng ta sẽ ngày càng tụt hậu. Nguyên Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta muốn phát triển thì phải biết “nâng niu” tư tưởng đổi mới, đột phá như của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
Cả GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, GS.TS Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu ĐKKT thuộc ĐH Thâm Quyến (Trung Quốc) và các đại biểu khác đều đồng tình rất cao với ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và PGS.TS Phạm Minh Chính.
Quang cảnh nhóm tọa đàm về thể chế tài chính và nguồn lực. |
Tại các nhóm tọa đàm chuyên đề khác, không khí thảo luận cũng diễn ra rất sôi nổi. GS Vương Tô Sinh, Trường Đại học Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) chia sẻ tại nhóm về cơ chế tài chính – tiền tệ rằng với các khu mới như Vân Đồn thì khó khăn thường là các doanh nghiệp chưa muốn đầu tư vào do chưa có hạ tầng đồng bộ. Trong khi đó, các khu mới rất cần nguồn lực đầu tư mà ngân sách từ tiền thuế thường là không nhiều.
Từ kinh nghiệm xây dựng ĐKKT Thâm Quyến của Trung Quốc, GS Vương Tô Sinh chia sẻ kinh nghiệm là phải kiên trì trong thu hút đầu tư, khai thác tối đa nguồn lực từ đất đai. Hơn 30 năm trước, Trung ương chỉ cho Trung Quốc 200 triệu tệ. Nhưng do biết khai thác nguồn lực từ đất đai (chiếm ½ tổng đầu tư) nên Thâm Quyến đã đầu tư được hạ tầng khá đồng bộ và thu hút đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất khá phong phú. Cùng với đó, công tác quy hoạch cũng rất quan trọng bởi nếu quy hoạch tốt thì vừa tiết kiệm được tài nguyên đất, vừa đầu tư có hiệu quả và thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Chiều nay, trong phiên tọa đàm doanh nghiệp, các đại biểu thảo luận về mô hình, chương trình hành động để xây dựng ĐKKT và vai trò của doanh nghiệp giữa lãnh đạo 4 tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng với cộng đồng doanh nghiệp. Cuối buổi chiều, Hội thảo sẽ bế mạc.
Ngọc Hà- Khánh Giang
Liên kết website
Ý kiến ()