Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 05:35 (GMT +7)
Toàn cảnh căng thẳng giữa Nga và Moldova
Thứ 6, 24/02/2023 | 09:35:20 [GMT +7] A A
Khi cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev tròn một năm, sự chú ý đang chuyển sang Moldova, một quốc gia châu Âu nhỏ, nằm giáp biên giới phía Tây Ukraine.
Moldova, đất nước không giáp biển, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, đã trải qua nhiều tháng biến động chính trị và kinh tế trong bối cảnh xung đột với vùng ly khai Transnistria ủng hộ Nga cũng như cuộc xung đột ở nước láng giềng Ukraine.
Nằm giáp với biên giới phía Tây Ukraine, Moldova đang ngày càng lo ngại bị cuốn vào tầm ngắm của Nga sau sự sụp đổ của chính phủ nước này vào tuần trước.
Cáo buộc của Moldova
Tổng thống Maia Sandu hôm 13/2 cáo buộc Nga âm mưu đảo chính lật đổ chính phủ thân Liên minh châu Âu (EU) của bà bằng cách sử dụng “những kẻ phá hoại nước ngoài”. Cáo buộc này bị Điện Kremlin bác bỏ.
Bà Sandu cho biết các nhà chức trách đã xác nhận những cáo buộc được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên tiếng đầu tiên vào tuần trước khi ông cảnh báo rằng các cơ quan tình báo Ukraine đã phát hiện ra “một kế hoạch chi tiết của Nga nhằm phá hoại tình hình chính trị ở Moldova".
Tuy nhiên Nga đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc như vậy. Đáp lại cáo buộc từ Moldova, hôm 14/2 Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Những tuyên bố như vậy là hoàn toàn vô căn cứ". Nga cũng cáo buộc Ukraine gây căng thẳng giữa nước này và Moldova, cho rằng Kiev đang cố lôi kéo Moldova "vào một cuộc đối đầu khó khăn với Nga".
EU đã cấp quy chế ứng cử viên gia nhập liên minh này cho cả Moldova và Ukraine vào năm ngoái, như một cử chỉ mang tính biểu tượng chống lại Moskva. Phương Tây nghi ngờ Nga đang sử dụng Moldova - và các nhóm ly khai ở vùng Transnistria - để gieo rắc bất hòa và tước nguồn cấp vũ khí cho Ukraine đến một mặt trận mới.
“Người Nga đã tạo ra một sự đảo ngược so với những gì họ đã làm năm ngoái ở Belarus, quay sang Moldova và Transnistria từ phía Nam”, Clinton Watts, cựu thành viên Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), nói với CNBC, đề cập đến việc Nga tập hợp xe tăng dọc theo biên giới phía Bắc của Ukraine trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự hồi tháng 2 năm ngoái.
Cho đến nay, lực lượng vũ trang Ukraine và các đồng minh phương Tây đều dự đoán rằng cuộc tấn công mới của Nga sẽ tập trung ở phía Đông của đất nước.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi đầu tháng này cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang cố gắng biến Moldova thành một pháo đài chống Nga khác cùng với Ukraine". Ông cho rằng bà Sandu lên nắm quyền “thông qua một số phương pháp rất đặc biệt”.
Nga thu hồi sắc lệnh liên quan tới chủ quyền của Moldova
Hôm 21/2, Tổng thống Putin đã thu hồi sắc lệnh năm 2012, trong đó cam kết giải quyết vấn đề vùng ly khai Transnistria dựa trên "tôn trọng chủ quyền Moldova".
Theo quyết định được công bố trên website của Điện Kremlin hôm 21/2, sắc lệnh này được Tổng thống Putin thu hồi nhằm "đảm bảo lợi ích quốc gia của Nga liên quan những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trong quan hệ quốc tế".
Sắc lệnh được ban hành 11 năm trước, vạch ra chính sách đối ngoại của Nga trong việc giải quyết tương lai vùng ly khai Transnistria ở Moldova, giáp biên giới với Ukraine. Đây là thời kỳ Nga đang tìm cách củng cố quan hệ với EU và Mỹ.
Trong sắc lệnh, Nga cam kết tìm cách giải quyết vấn đề vùng ly khai Transnistria "dựa trên tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tình trạng trung lập của Cộng hòa Moldova".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Moldova cho biết sẽ "nghiên cứu kỹ lưỡng" sắc lệnh này để có biện pháp phản ứng phù hợp.
Transnistria là vùng đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới Moldova - Ukraine, có dân số hơn 500.000 người. Những người nói tiếng Nga ở Transnistria đã rời Moldova năm 1990, một năm trước khi Liên Xô tan rã, trong bối cảnh lo ngại rằng Moldova sẽ hợp nhất với Romania, quốc gia có chung ngôn ngữ và văn hóa.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Transnistria tuyên bố ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992. Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình với quân số không quá 1.500 người tại Transnistria từ năm 1993.
Nguy cơ gì với Moldova?
Quan hệ giữa Nga và Moldova bắt đầu xấu đi từ năm 2021, khi Moldova thúc đẩy nỗ lực gia nhập EU. Mối quan hệ song phương càng căng thẳng hơn từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2/2022. Mới đây Điện Kremlin cũng nói rằng mối quan hệ của Nga với Moldova hiện rất căng thẳng, cáo buộc Moldova theo đuổi chương trình nghị sự chống Nga.
Năm ngoái, các nhà phân tích phương Tây từng đưa ra cảnh báo rằng Moskva có thể chuyển sang công nhận vùng Transnistria ly khai của Moldova là một quốc gia độc lập – giống như vùng Donetsk và Luhansk của Ukraine.
Trong khi đó, ngày 23/2, hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine đã lên kế hoạch dàn dựng một cuộc tấn công khiến người khác nghĩ là do lực lượng Nga ở Transnistria thực hiện, để lấy cớ tiến hành xâm chiếm khu vực ly khai này. Nga đã duy trì lực lượng ở đây từ những năm 1990.
Hãng tin TASS cùng ngày dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin nói rằng phương Tây đã chỉ thị cho chính phủ Moldova ở Chisinau ngừng mọi tương tác với chính quyền Transnistria được Moskva hậu thuẫn.
Tại sao Moldova lo ngại trở thành "mục tiêu"?
Moldova, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, đã tăng cường quan hệ với phương Tây trong những năm gần đây và tiếp nhận tư cách ứng cử viên EU vào tháng 6 năm ngoái, cùng ngày với Ukraine.
Giới phân tích phương Tây cho rằng điều này khiến Nga thất vọng, vì họ vốn “coi Moldova trong phạm vi ảnh hưởng của mình, giống như Ukraine và tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác".
Theo Jason Bush, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group, cho rằng Moldova, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, là đất nước “dễ bị tổn thương về kinh tế và chính trị”.
Moldova đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, vì nước này đã chuyển sang loại bỏ sự phụ thuộc 100% vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Trong khi đó, dòng người tị nạn đến Moldova qua biên giới chung dài hơn 1.200km với Ukraine đã gây áp lực lên 2,6 triệu dân của đất nước, vốn đang phải vật lộn với tỷ lệ lạm phát vượt quá 30%.
Một số nhà phân tích lập luận rằng việc thay đổi chính phủ có thể tạo cơ hội cho Moldova “thiết lập lại” và khẳng định lại quyền lực của mình sau nhiều tháng biến động.
Điều gì tiếp theo cho Moldova?
Vài giờ sau khi Thủ tướng Gavrilita từ chức, Tổng thống Sandu đã đề cử cố vấn quốc phòng Dorin Recean, người cũng có quan điểm thân EU, làm thủ tướng mới. Quốc hội Moldova sau đó đã xác nhận đề cử ông Recean.
Vẫn chưa rõ tân Thủ tướng Recean sẽ khác với người tiền nhiệm như thế nào, nhưng chuyên gia Orr cho biết nhiều khả năng ông sẽ hướng tới mục tiêu tăng cường quan hệ với các đồng minh phương Tây và giảm ảnh hưởng của Nga ở Moldova.
Tháng trước, Moldova đã đề xuất khoản tài trợ trị giá 145 triệu euro (155 triệu USD) từ Brussels để duy trì nền kinh tế, mặc dù số tiền này vẫn chưa được các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu thông qua.
Tân Thủ tướng Moldova cũng dự kiến sẽ tăng cường các cuộc đàm phán với NATO về cách tổ chức này nên phản ứng trước nguy cơ tên lửa Nga xâm nhập không phận sau sự cố tên lửa Nga rơi xuống lãnh thổ Moldova đầu tháng này, mà Tổng thống Ukraine Zelensky gọi đó là “thách thức đối với NATO và an ninh tập thể”.
Nguy cơ Nga tấn công bị thổi phồng?
Việc tăng cường quan hệ của phương Tây với Moldova có khả năng kích động thêm sự can thiệp từ Nga, nhưng các nhà phân tích cho rằng những lo ngại về một tấn công toàn diện vào nước này đã bị thổi phồng.
Chuyên gia Orr cho biết ông nghi ngờ rằng các nhóm ly khai ở Transnistria, hoặc 1.500 binh sĩ Nga đóng quân ở đó, sẽ có đủ sức mạnh quân sự để gây bất ổn cho Moldova hoặc được sử dụng như một đòn bẩy chống lại Ukraine. Tương tự như vậy, ông nói, không có khả năng Moskva sẽ chủ động cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Moldova, vì sợ rằng điều này sẽ gây nguy hiểm cho những người ủng hộ họ ở Transnistria.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các Nga có thể sử dụng Transnistria như một tiền đồn để thu thập thông tin tình báo về Ukraine.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()