Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 10:46 (GMT +7)
Tổng thống Nga cảnh báo Anh không cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine
Thứ 4, 22/03/2023 | 09:24:20 [GMT +7] A A
Tổng thống Putin cho biết Moskva sẽ coi đây là những vũ khí có “thành phần hạt nhân” và Nga sẽ có phản ứng tương xứng.
Theo đài RT ngày 21/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo London về kế hoạch cung cấp đạn xe tăng xuyên giáp uranium nghèo (DU) cho Ukraine, nói rằng những vũ khí này sẽ được Moskva coi là có chứa “các thành phần hạt nhân”.
Putin đã bình luận về các kế hoạch của Anh bao gồm đạn DU trong đợt chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 sắp tới khi ông có cuộc trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc hội đàm chính thức ở Moskva ngày 21/3.
“Tôi muốn lưu ý rằng nếu điều này xảy ra, thì Nga sẽ buộc phải phản ứng tương ứng, lưu ý rằng phương Tây đã bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân", ông Putin nói.
Một cảnh báo tương tự đã được đưa ra bởi Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Serge Shoigu bên lề các cuộc đàm phán Nga-Trung. Ông Shoigu nói rằng động thái trên sẽ đưa thế giới tiến thêm một bước nữa đến thảm họa hạt nhân.
“Một bước nữa đã được thực hiện, và số lượng các bước còn lại ngày càng ít đi", Bộ trưởng Shoigu nói với các phóng viên.
Ngày 20/3, Ngoại trưởng Anh Annabel Goldie đã công bố việc chuyển giao hàng sắp diễn ra, khi bà hồi đáp một yêu cầu điều tra bằng văn bản về vấn đề này. Bà Goldie xác nhận kế hoạch cung cấp đạn DU cho Kiev, ca ngợi chúng là vũ khí hiệu quả cao.
“Cùng với việc cung cấp một đội xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 cho Ukraine, chúng tôi sẽ cung cấp đạn dược bao gồm đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo. Những loại đạn như vậy có hiệu quả cao trong việc đánh bại xe tăng và xe bọc thép hiện đại”, Ngoại trưởng Goldie nói.
Đạn DU từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi quốc tế, với những lời chỉ trích cho rằng việc sử dụng chúng nêu bật tính độc hại và tính phóng xạ của vật liệu. Uranium nghèo được sử dụng để chế tạo lõi cứng của đạn xuyên giáp, và chúng thể hiện vai trò này rất xuất sắc do mật độ cao của vật liệu. Lõi của đạn bốc hơi khi va chạm, biến thành một kiểu bình xịt và làm ô nhiễm môi trường bằng uranium.
Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo về kế hoạch của Anh. Farhan Haq, phát ngôn viên của Tổng thư ký Antonio Guterres, nói trong một cuộc họp báo rằng cơ quan quốc tế này từ lâu đã bày tỏ lo ngại về hậu quả của việc sử dụng đạn DU, cũng như về những người cung cấp loại vũ khí này.
Những loại đạn có thành phần uranium nghèo đã được NATO sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, cũng như trong cuộc xung đột ở Nam Tư cũ, cả dưới dạng đạn pháo xe tăng và máy bay. Việc sử dụng các loại vũ khí này đã được NATO thừa nhận trong một báo cáo năm 2000, với việc khối này tiết lộ rằng họ đã sử dụng khoảng 10 tấn vật liệu ở Nam Tư và 300 tấn ở Iraq.
Báo cáo thừa nhận rằng vật liệu chứa uranium nghèo gây ra mối đe dọa do độc tính của nó ở dạng “sol khí”, nhưng nhấn mạnh rằng DU không “có tính phóng xạ đặc biệt cao”.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()