Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 12:06 (GMT +7)
Toyota Việt Nam triệu hồi 3 mẫu xe để siết lại đai ốc giảm chấn trước
Thứ 7, 20/01/2024 | 14:05:44 [GMT +7] A A
Các mẫu xe Veloz, Avanza, Yaris Cross trong diện bị ảnh hưởng sẽ được kiểm tra và siết lại đai ốc giảm chấn trước.
Cục Đăng kiểm Việt Nam mới đây thông tin về chương trình triệu hồi đối với 3 dòng xe Toyota, liên quan đến gần 26.000 phương tiện, cả lắp ráp trong nước và nhập khẩu. Toyota Việt Nam (TMV) cũng ra thông báo về chương trình làm hài lòng khách hàng thay thế chụp bụi chốt trượt càng phanh trước trên 3 dòng xe, đều là nhập khẩu. Cụ thể như sau.
Triệu hồi xe Veloz, Avanza, Yaris Cross để siết lại đai ốc
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Toyota Việt Nam đã chủ động thông báo về việc giảm chấn trước của các xe trong dải ảnh hưởng sử dụng đai ốc để lắp lên xe.
Do vấn đề thiết kế, lực siết đai ốc giảm chấn có thể không đủ. Trong quá trình sử dụng xe, đai ốc giảm chấn có thể bị lỏng, gây ra tiếng kêu bất thường. Trường hợp xấu nhất, đai ốc giảm chấn có thể bị rơi ra, khiến cho xe thiếu ổn định khi sử dụng.
Chương trình này liên quan đến khoảng 15.386 xe Veloz Cross nhập khẩu được sản xuất trong giai đoạn 1/2022-10/2022 và 4.292 xe lắp ráp trong nước từ 12/2022 đến 8/2023; 3.514 xe Avanza Premio nhập khẩu được sản xuất trong giai đoạn 1/2022-10/2022 và 2.349 xe lắp ráp trong nước từ 11/2022 đến 8/2023.
Ngoài ra, dòng xe nhập khẩu khác là Yaris Cross với 199 xe máy xăng và 249 xe hybrid HEV, được sản xuất trong giai đoạn 6/2023-8/2023, cũng trong diện ảnh hưởng.
Theo Toyota Việt Nam, các xe ảnh hưởng sẽ được kiểm tra và thay thế trong thời gian dự kiến 0,5-2,5 giờ, miễn phí hoàn toàn.
Thay thế chụp bụi chốt trượt càng phanh trước trên Veloz, Avanza và Raize nhập khẩu
Chương trình này được đưa ra theo chính sách làm hài lòng khách hàng của Toyota Việt Nam, không liên quan đến việc triệu hồi. Có thể hiểu rằng vấn đề này không liên quan đến an toàn và không bắt buộc phải thực hiện bởi cơ quan chức năng, tuy nhiên nhà sản xuất thực hiện để đảm bảo khách hàng có trải nghiệm tốt với xe.
Trong đó bao gồm 3.710 xe Veloz Cross và 710 xe Avanza Premio được sản xuất trong giai đoạn 9/2022-10/2022, 1.948 xe Raize được sản xuất từ 9/2022 đến 12/2022.
Theo đó, chốt trượt càng phanh trước được trang bị chụp bụi để tránh bụi, nước lọt vào. Trong quá trình lắp ráp cụm càng phanh trước, dụng cụ lắp ráp có thể cọ vào chụp bụi chốt trượt này gây nên hư hại trên chụp bụi. Nếu nước lọt vào chụp bụi và gây rỉ, má phanh có thể bị mòn sớm hơn.
Thời gian kiểm tra và xử lý dự kiến khoảng 1,3-2,4 giờ cho 1 xe. Toàn bộ công và vật tư được miễn phí.
2 chương trình trên có liên quan tới vấn đề Daihatsu thời gian gần đây?
Cuối tháng 12/2023, Toyota Nhật Bản công bố 64 mẫu xe bị ảnh hưởng bởi vấn đề bất thường về thủ tục của hãng con Daihatsu. Tại nước ta, Toyota Việt Nam ngay sau đó đã thông báo dừng giao xe Avanza MT do có liên quan.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này, đại diện Toyota Việt Nam cho biết không có mối liên quan nào giữa câu chuyện của Daihatsu từ cuối năm 2023 với chương trình triệu hồi và chương trình làm hài lòng khách hàng vừa được công bố hôm nay.
Cụ thể, trong câu chuyện bê bối của Daihatsu thì tại Việt Nam hiện chỉ có 1 mẫu xe bị ảnh hưởng là Avanza phiên bản số sàn MT, không liên quan tới bản AT cũng như các dòng xe khác. Ngoài ra, vấn đề của Avanza MT không phải là gian lận thử nghiệm an toàn, mà là "sửa đổi không phù hợp" về thử nghiệm khí thải và tiêu thụ nhiên liệu.
Ông Phạm Thành Lê, quản trị viên diễn đàn Otofun, cũng cho rằng hai sự việc trên không liên quan tới nhau nhưng thông tin được đưa ra gần nhau nên một số người dùng có thể bị nhầm lẫn.
"Thứ nhất, mẫu xe duy nhất mà Toyota Việt Nam thông báo dừng giao đến đại lý là Avanza Premio MT, do liên quan tới việc nhập nhằng khi tiến hành thử nghiệm về mức khí thải/tiêu thụ nhiên liệu ở nước ngoài. Còn Avanza đợt này được triệu hồi với hai lý do, siết lại đai ốc giảm chấn trước và thay thế chụp bụi chốt trượt càng phanh trước, không liên quan gì vụ việc nêu trên", ông Lê nói.
Hàng loạt vụ triệu hồi tại Việt Nam, người đi ô tô cần làm gì?
Thống kê cho thấy, năm 2023 tại Việt Nam có 46 đợt triệu hồi, liên quan đến khoảng 53.000 xe. Đây được xem là một "kỷ lục" tại nước ta và dẫn đầu trong số đó là Mercedes-Benz với 11 chương trình được đưa ra trong năm qua.
Trong khi đó, riêng mẫu Hyundai Santa Fe có 3 đợt triệu hồi trong năm 2023, ảnh hưởng tới 23.396 xe, vì các vấn đề liên quan đến bộ căng dây đai an toàn ghế trước, cầu chì của hệ thống phanh ABS.
Các thương hiệu xe khác cũng có chương trình triệu hồi trong năm trước còn có Toyota, VinFast, Porsche, Isuzu, Bentley, Audi, Jeep, Ford, Suzuki…
Theo Consumer Reports, người dùng không nên lo lắng khi chiếc xe của mình xuất hiện trong danh sách triệu hồi. Việc tung ra chương trình kiểm tra và khắc phục kịp thời các sự cố có thể phát sinh là bằng chứng cho thấy các nhà sản xuất ô tô, các cơ quan quản lý đang rất coi trọng đến vấn đề an toàn, thể hiện trách nhiệm, văn minh, sự tôn trọng khách hàng của nhà sản xuất.
"Việc triệu hồi xe có thể gây ra bất tiện nhất định nhưng đây thực sự là điều tốt", Jennifer Stockburger, giám đốc điều hành tại Trung tâm kiểm tra ô tô của Consumer Reports, cho biết. "Chúng ta có thể nhìn nhận khác nhau về mức độ nghiêm trọng, nhưng việc triệu hồi có nghĩa là nhà sản xuất sẽ khắc phục để giải quyết vấn đề an toàn".
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()