Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 08:10 (GMT +7)
TP Hạ Long: Phát triển bền vững kinh tế biển
Thứ 4, 06/12/2023 | 06:55:50 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 36-NQ/TW (ngày 22/10/2018) Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển. Nghị quyết xác định nhiệm vụ đưa nước ta trở thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển”. Hiện thực hóa mục tiêu này, 5 năm qua, TP Hạ Long đã tận dụng tối đa những tiềm năng, thế mạnh sẵn có và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tính đổi mới, sáng tạo.
Tập trung cho thế mạnh du lịch
Ngày 17/12/1994, trong Kỳ họp thứ 18 tại Phuket, Thái Lan, Ủy ban Di sản thế giới đã công nhận Vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản thiên nhiên thế giới, với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mỹ theo tiêu chuẩn của Công ước Quốc tế về bảo vệ Di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới. Không chỉ thế, Vịnh Hạ Long còn là một trong những cái nôi cư trú của người Việt cổ với ba nền văn hóa nối tiếp nhau Soi Nhụ - Cái Bèo - Hạ Long. Đặc biệt, cộng đồng ngư dân các làng chài trên Vịnh vẫn còn bảo lưu những nét văn hóa truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc của người vùng biển Hạ Long. Vịnh Hạ Long đã ngày càng trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết, khách quốc tế đến Việt Nam, phần lớn đều đưa Hạ Long vào trong hành trình du lịch của mình.
Ông Han Odoo (nhà báo người Thụy Điển) đã từng chia sẻ: Tôi đã có khoảng 60 lần đến châu Á kể từ năm 1974 đến nay. Một trong những chuyến thăm châu Á mà tôi ấn tượng hơn cả là tham quan Vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long của các bạn rất tuyệt vời, xứng đáng là một trong những nơi mọi người nên đặt chân đến ít nhất là một lần trong đời. Quả thực, đá và nước đã có một sự kết hợp tuyệt diệu để tạo nên những hình thù rất lạ mắt và kỳ thú. Ngay sau chuyến đi, tôi đã có những bài viết nói về cảnh đẹp của Vịnh Hạ Long để chia sẻ những vẻ đẹp kỳ vĩ của kỳ quan này đến với nhiều người hơn nữa.
Xác định Vịnh Hạ Long là tài nguyên vô giá, những năm qua, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây, TP Hạ Long đã không ngừng thu hút các “ông lớn” trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ để cải thiện hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, thu hút lượng du khách lớn đến với Hạ Long. Hiện không gian du lịch của thành phố đã được mở rộng từ phía Đông sang phía Tây với sự có mặt của hàng loạt các nhà đầu tư chiến lược (Vingroup, Sun Group, FLC...) tạo ra chuỗi các công trình, khu dịch vụ du lịch độc đáo, như: Sun World Hạ Long Park, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC, Khu du lịch quốc tế Tuần Châu, cụm công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Vinpearl Hạ Long Resort, Trung tâm thương mại Vincom, Công viên hoa Hạ Long...
Nhiều tuyến đường trong đô thị được mở rộng, nâng cấp từ 4 làn lên 10 làn xe, nổi bật: Tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long... Những đổi thay đã góp phần quan trọng mang đến diện mạo mới cho thành phố bên bờ di sản, giúp Hạ Long vươn mình thành thành phố du lịch, trung tâm tổ chức các sự kiện quốc tế, đưa hành trình của du khách đến Hạ Long thuận tiện, dễ dàng.
Thành phố cũng tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng các tuyến, điểm du lịch, đảm bảo tính kết nối vùng, liên kết với các sản phẩm du lịch của các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý các cơ sở lưu trú, tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long theo đúng chỉ đạo của tỉnh.
Nhờ những giải pháp toàn diện trong phát triển du lịch nhanh, bền vững, lượng khách đến với Hạ Long ngày một đông. Giai đoạn từ 2018-2023, thành phố đón khoảng 42 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt gần 11 triệu lượt, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt trên 85.000 tỷ đồng. Kết quả nổi bật này đã đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm. Năm 2022, cơ cấu ngành dịch vụ của thành phố chiếm 52,8% trong tổng cơ cấu kinh tế.
Thúc đẩy kinh tế biển phát triển bền vững
Theo Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến năm 2030 phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Xác định Nghị quyết số 36-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với một địa phương ven biển, TP Hạ Long đã bám sát chỉ đạo của tỉnh để đưa Hạ Long trở thành trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả tỉnh. Cùng với du lịch, thành phố xác định kinh tế hàng hải (cảng hàng hóa, cảng biển, logistics) cùng với nuôi trồng và khai thác hải sản sẽ là những lĩnh vực biển trọng tâm.
Trên quan điểm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng các bến cảng, đảm bảo môi trường sống cho người dân và du khách, thành phố không phát triển mở rộng bến cảng xăng dầu B12. Đối với bến cảng của các nhà máy xi măng, nhiệt điện sẽ giữ nguyên quy mô hiện trạng, nghiên cứu di dời hoặc chuyển đổi công năng cùng với lộ trình di dời các nhà máy xi măng, nhiệt điện tại khu vực. Đối với các bến cảng tại khu bến Cái Lân thực hiện cải tạo, nâng cấp xây mới đồng bộ hạ tầng trong nội bộ cảng Cái Lân, duy trì năng lực khai thác hiện có. Đồng thời phối hợp với sở, ngành của tỉnh trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu đầu tư xây dựng bến số 8, 9 tại khu vực này.
Dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố cũng đang dần được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ các dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu và đón khách du lịch thông qua hệ thống cảng nước sâu Cái Lân. Hiện lưu lượng hàng xuất nhập khẩu qua cảng hàng năm đạt trên 11 triệu tấn hàng rời và trên 50.000 container. Còn tại các cảng chuyên dùng (xuất than, xi măng...) cũng đạt trên 20 triệu tấn/năm. Cùng với sự phát triển của hệ thống cảng biển, dịch vụ cho thuê kho bãi, xếp dỡ hàng hóa trên địa bàn thành phố đang dần hình thành và đầu tư.
Đối với nuôi trồng và khai thác hải sản, nhằm phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên cho phát triển kinh tế thủy sản, thành phố đã triển khai lập quy hoạch chi tiết các điểm nuôi trồng thủy sản ngoài vùng lõi (vùng bảo vệ tuyệt đối di sản) Vịnh Hạ Long. Hiện chi tiết các điểm nuôi này đã được cập nhật vào quy hoạch chung của tỉnh và thành phố với diện tích 260ha. Đồng thời, nghiên cứu địa điểm thuộc khu vực phía Đông luồng Cái Xà Cong (phường Hà Phong) với diện tích khoảng 4,3ha để bố trí di dời nhà máy, cơ sở chế biến thủy sản của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Quảng Ninh và xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá của thành phố. Trong thời gian tới, đây sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố phát triển thủy sản theo quy mô công nghiệp và thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này.
Không để phát triển thủy sản ảnh hưởng đến Di sản thiên nhiên thế giới, từ năm 2019 đến nay thành phố đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức trên 380 lượt tuần tra giám sát; phát hiện, phối hợp xử lý đối với 106 trường hợp vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Riêng đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trái phép đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với gần 100 trường hợp. Mạnh tay trong quản lý nuôi trồng thủy sản, TP Hạ Long là đơn vị đầu tiên trong tỉnh triển khai việc thay thế phao xốp bằng phao nhựa, phao composite, vật liệu bền vững khác. Tính đến thời điểm này, 55 cơ sở nuôi trồng thủy sản của thành phố đã thay thế được gần 15.000 quả phao xốp (đạt tỷ lệ trên 98%). Số phao xốp chưa được thay thế tập trung chủ yếu tại các nhà bè có Quyết định di dời của UBND tỉnh và một số nhà bè được giữ lại để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Vịnh Hạ Long của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.
Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp kinh tế biển, tập trung mạnh mẽ vào các ngành dịch vụ logistics, dịch vụ hàng hải. Để đạt được các mục tiêu này, quyết tâm của thành phố là chuyển từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu, quá trình tăng trưởng dựa trên những ngành tham gia mạng sản xuất toàn cầu, tiêu hao ít hơn tài nguyên, năng lượng, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Tăng trưởng kinh tế dựa trên sự phát triển của khu kinh tế ven biển hiện đại, khu công nghiệp chuyên sâu.
Từng bước hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu, nước biển dâng; xây dựng văn hóa biển; hợp tác quốc tế về biển; phát triển nguồn nhân lực... cũng là những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong quá trình triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW. Từ đó đưa hoạt động kinh tế biển trên địa bàn thành phố dần hình thành và phát triển thành một loại hình kinh tế đem lại giá trị gia tăng.
Để khai thác tốt hơn lợi thế
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên thực tế cho thấy, hiệu quả tiềm năng kinh tế biển của thành phố vẫn còn nhiều điều đáng suy nghĩ, như: Nhu cầu cho đầu tư phát triển kinh tế biển là rất lớn nhưng nguồn lực ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp; hệ thống cảng biển và dịch vụ cảng biển của thành phố đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế nhất là các hạng mục hạ tầng dịch vụ phụ trợ; còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như cảng biển, dịch vụ logistics... Vẫn còn một số vấn đề tồn tại về môi trường kinh doanh du lịch, tình trạng các đối tượng vi phạm nuôi trồng, khai thác thủy sản trái phép trên Vịnh Hạ Long chưa được xử lý dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông thuỷ, cảnh quan, môi trường, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh du lịch.
Ngoài một số lao động trong các lĩnh vực công nghiệp biển, hàng hải... được đào tạo kỹ thuật bài bản do tính chất công việc, hiện vẫn còn một bộ phận người lao động trong các lĩnh vực thủy sản, du lịch... đều là lao động phổ thông chưa qua đào tạo về chuyên môn. Cán bộ, công chức quản lý nhà nước về lĩnh vực biển và hải đảo, kinh tế biển các cấp chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, đều làm công tác kiêm nhiệm. Sự phát triển “nóng” về du lịch cũng đang gây áp lực công tác bảo vệ môi trường. Hiện mới chỉ có gần 50% lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý trước khi xả trực tiếp ra biển.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, chia sẻ: Thành phố đã rà soát lại toàn bộ những nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW để có những hướng đi mới trong thời gian tới. Cụ thể, thành phố đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng cảng biển, dịch vụ và ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu đầu tư tuyến đường nối từ cầu Bắc Cửa Lục 1 đến Bắc Cửa Lục 3; cầu Bắc Cửa Lục 2 nối với tuyến đường 279; phối hợp rà soát, sắp xếp, bố trí quỹ đất phù hợp cho các dự án trong KCN Cái Lân để chuyển đổi thành Khu công nghệ sạch, công nghệ cao, đồng thời, sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả (khu phức hợp đô thị - dịch vụ - cảng); chủ động thu hút nhà đầu tư triển khai dự án Khu công viên Công nghệ thông tin tập trung Quảng Ninh tại phường Tuần Châu; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng khu hậu cần nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Cái Xà Cong (phường Hà Phong). Thành phố tiếp tục kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án dịch vụ đẳng cấp quốc tế cũng như tăng cường thực hiện các dự án bảo vệ môi trường thành phố và Vịnh Hạ Long.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()