Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:36 (GMT +7)
TP Hạ Long: Siết chặt quản lý hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển
Thứ 4, 22/03/2023 | 11:38:33 [GMT +7] A A
Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý và phát triển thủy sản trên biển, thời gian qua, TP Hạ Long đã xử lý nghiêm đối với các cơ sở, cá nhân nuôi trồng trái phép vi phạm quy hoạch gây ảnh hưởng đến môi trường biển và các hoạt động trên Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác này cũng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần sớm được các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố tháo gỡ.
Hiện nay, trên Vịnh Hạ Long có tổng số 51 hộ dân và 4 doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản tập trung tại các điểm đã được quy hoạch nuôi trồng thủy sản theo Quyết định số 1360/QĐ-UBND ngày 14/10/2009 của UBND thành phố về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên Vịnh Hạ Long giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến 2020. Trong đó, 4 doanh nghiệp bao gồm: Công ty CP Ngọc trai Hạ Long đang thực hiện nuôi trai lấy ngọc tại khu vụng Tùng Sâu, Vung Viêng, hòn Mặt Quỷ trên Vịnh Hạ Long với tổng diện tích khoảng 27,5ha; Công ty CP XNK Quảng Ninh tại khu vực Vụng Oản với diện tích thuê là 45ha; Công ty TNHH Ngọc trai Hạ Long Việt Nam tại khu vực hòn Vụng Gianh với diện tích 1.720m2; Công ty CP Bạch Đằng tại khu vực Cửa Vạn với diện tích 2ha. Toàn bộ 100% các tổ chức, hộ dân khi được giao mặt nước đều đã sử dụng các loại vật liệu nổi đảm bảo an toàn đối với môi trường (phao phi) và đã có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được Sở TN&MT phê duyệt theo quy định.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, rà soát, ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của thành phố thì hiện vẫn còn 83 trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép. Trong đó, khu vực trên Vịnh Hạ Long là 76 trường hợp, khu vực sông Hốt (phường Đại Yên) là 5 trường hợp, trên sông Trới (xã Lê Lợi) 2 trường hợp. Trong 76 trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép trên Vịnh Hạ Long thì có 29 hộ nuôi tập trung tại khu vực Trung tâm bảo tồn 3 và 47 trường hợp nằm giáp ranh giữa phường Tuần Châu và phường Hùng Thắng.
Xác định rõ đặc thù trong công tác quản lý nhà nước về khai thác và nuôi trồng thủy sản, tháng 10/2021, UBND TP Hạ Long đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, xử lý, di dời các cơ sở nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trái phép trên địa bàn. Tổ công tác này thường xuyên phối hợp cùng các đơn vị như: BQL Vịnh Hạ Long, Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Hồng Gai và UBND các xã, phường ra quân, tiến hành tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân, ngư dân hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản... Tính đến hết tháng 2/2023, đã có 5 trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép tại khu vực hòn Thành Lãnh chấp hành nộp phạt với số tiền 125 triệu đồng, 1 trường hợp tự tháo dỡ di dời; 2 trường hợp trên sông Hốt thì 1 trường hợp đã tự tháo dỡ di dời, trường hợp còn lại cũng đã chấp hành nộp phạt 25 triệu đồng và thực hiện tự tháo dỡ di dời.
Ông Phan Như Quỳnh, Phó Phòng Kinh tế TP Hạ Long, cho biết: Để tiếp tục có cơ sở xử lý các trường hợp vi phạm còn lại, đầu tháng 3/2023 đến nay, Tổ công tác kiểm tra, xử lý, di dời các cơ sở nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trái phép trên địa bàn đã tổ chức xác định tọa độ khu vực nuôi trồng thủy sản trái phép của các hộ đang nuôi nhuyễn thể tại khu vực giáp ranh giữa phường Hùng Thắng và phường Tuần Châu. Dự kiến trong tháng 4/2023, sẽ xử lý dứt điểm 43 trường hợp này. Đồng thời, các phòng ban chức năng của thành phố đang tiếp tục rà soát, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển theo quy định; xây dựng Kế hoạch cưỡng chế, kiên quyết di dời đối với các cơ sở nuôi trái phép, không chấp hành các yêu cầu của UBND thành phố; rà soát, đánh giá tổng thể về hiện trạng, xác định rõ diện tích, vị trí, toạ độ các cơ sở nuôi trồng thủy sản thuộc địa bàn quản lý.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác quản lý nuôi trồng thủy sản trên biển, tuy nhiên ghi nhận thực tế cho thấy, công tác này cũng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần sớm được các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố tháo gỡ. Trong đó, đáng chú ý là thời hạn giao, thuê mặt nước của các hộ gia đình và các doanh nghiệp đến nay đã hết và sắp hết nhưng chưa được gia hạn hoặc cấp giấy phép mới nên việc sản xuất của các hộ dân và công ty gặp nhiều bất cập; việc kiểm tra các cơ sở nuôi trồng thủy sản trái phép trên Vịnh Hạ Long gặp nhiều khó khăn do các chủ nuôi trồng thường không có mặt tại địa điểm nuôi, không có địa chỉ thường trú trên địa bàn thành phố, không hợp tác khi đoàn kiểm tra liên hệ để làm việc; nhu cầu sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản của người dân, doanh nghiệp là rất lớn nhưng việc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản giữa các địa phương vẫn chưa đồng bộ, thống nhất...
Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Tặng, tổ 9, khu 2, phường Tuần Châu, cho biết: Chúng tôi rất mong TP Hạ Long sớm hoàn thiện quy hoạch khu vực nuôi trồng thủy sản ngoài vùng lõi Vịnh Hạ Long để các hộ dân, cơ sở nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định. Từ đó, đảm bảo sinh kế cho các hộ dân cũng như khai thác hiệu quả lợi thế nuôi trồng thủy sản của địa phương.
Hoàng Nga
- Chủ nhiệm Ủy Ban kiểm tra Tỉnh ủy khảo sát tình hình xử lý lồng bè nuôi trồng thủy sản không đúng quy định tại TX Quảng Yên
- Bắt đối tượng vận chuyển 30kg thuốc nổ bán cho ngư dân khai thác thủy sản
- Những cái khó của việc thay thế vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản
- Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc”
Liên kết website
Ý kiến ()