Trong bối cảnh ca nhiễm gia tăng, chiến thuật điều trị Covid-19 của ngành y tế TP HCM là "đánh chặn từ xa", với mục tiêu giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết tại họp báo chiều 25/11. Để đạt mục tiêu ngăn ca nặng, ngành y tế xác định chăm sóc sớm F0 ngay từ khi mới phát hiện là việc quan trọng nhất.
Chiến thuật đánh chặn của thành phố là y tế địa phương quản lý chặt F0, tiếp cận trong vòng 24 giờ, đánh giá tình hình, có biện pháp hỗ trợ kịp thời như phát các túi thuốc. Sau đó, F0 được chăm sóc đầy đủ, phù hợp với tình trạng riêng. Nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà, người bệnh được đưa vào khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Ngành y tế tăng cường sử dụng túi thuốc C (kháng virus) giúp người bệnh sớm âm tính, giảm nguy cơ trở nặng và tử vong.
TP HCM còn 7.000 liều thuốc kháng virus molnupiravir; gồm 2.000 liều chưa dùng đến, còn lại là Bộ Y tế vừa cấp thêm. Hôm nay Bộ Y tế gửi văn bản thông báo sẽ cung cấp cho thành phố 120.000 viên thuốc kháng virusfavipiravir(cùng loại với molnupiravir). Khi trạm y tế đã cấp phát hết thuốc molnupiravir sẽ đưa thuốc này vào phác đồ điều trị.
Về việc một số F0 phản ánh không kết nối được với y tế địa phương khi họ tự phát hiện dương tính bằng test nhanh, ông Phạm Đức Hải (Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM) cho rằng có thể do điện thoại liên lạc bị trục trặc, hoặc một số phường xã, lực lượng y tế còn mỏng. Như một phường 170.000 dân nhưng chỉ có 10 nhân viên y tế - tức một nhân viên y tế phải quản lý 17.000 dân.
Sắp tới, ngoài tăng cường nhân sự cho trạm y tế cố định và lưu động từ Sở Y tế, thành phố dự định có cơ chế, chính sách để lực lượng này thêm điều kiện hoạt động. Bộ Tư lệnh thành phố sẽ cử thêm lực lượng quân y, dân quân cùng trực với nhân viên y tế.
Tính đến ngày 24/11, TP HCM ghi nhận hơn 461.000 ca Covid-19. Trong 14.342 bệnh nhân đang được điều trị có 578 trẻ em dưới 16 tuổi và 357 bệnh nhân nặng đang thở máy, 10 ca can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể). Khoảng 57.000 F0 khác đang cách ly, điều trị tại nhà. Từ ngày 19 đến 24/11, số ca tử vong tại TP HCM lần lượt là 42, 50, 59, 62, 77 và 59.
Về tình hìnhsố ca mắc mới có gia tăng, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết điều này đã nằm trong dự đoán, khi thành phố mở cửa, các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại. "Thành phố đã có đánh giá và khẳng định an toàn tới đâu mở cửa tới đó. Tuy nhiên, dù ngành y tế đã cố gắng với rất nhiều biện pháp, số F0 vẫn có chiều hướng tăng nhẹ trong thời gian tới, dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong, chủ yếu là bệnh nhân trên 65 tuổi và chưa tiêm chủng vaccine phòngCovid-19", bà Mai nói.
Sở Y tế đã xây dựng và trình UBND thành phố các chiến lược trong giai đoạn này, cũng như quy chế phối hợp hoạt động quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, tại các cơ sở thu dung điều trị. Ngày 23/11, Sở đã cập nhật hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 phiên bản mới nhất (1.6), gồm có hướng dẫn sử dụng các gói thuốc A (thuốc hạ sốt và nâng cao thể trạng), B (kháng viêm, kháng đông máu), C (thuốc kháng virus molnupiravir).
Trong tuần qua, Sở Y tế phối hợp các đơn vị liên quan giám sát hoạt động đội y tế lưu động tại xã, phường. Sở đã lập 8 nhóm liên lạc trên mạng xã hội, thành viên là Ban giám đốc Sở, phòng nghiệp vụ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC), giám đốc trung tâm y tế quận, huyện và trưởng các trạm y tế... Nhóm có nhiệm vụ trao đổi thường xuyên các vấn đề chuyên môn tại địa phương để đưa ra giải pháp chăm sóc tốt nhất cho người dân, nhất là F0.
10 tổ kiểm tra hoạt động 22 quận, huyện và TP Thủ Đức được Sở Y tế thành lập, nhằm nắm tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời nhu cầu hỗ trợ của người dân. Sở cũng tăng cường các kíp trực đường dây nóng, tổng đài 1022, tái lập Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành sẵn sàng tư vấn từ xa cho F0 tại nhà, các khu thu dung cấp quận, huyện. Hội đông y thành phố cũng triển khai cấp phát thuốc y học cổ truyền cho F0 tại nhà.
Những đơn vị y tế không đáp ứng được cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ của người dân hay bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân, bị Sở Y tế chấn chỉnh. Yêu cầu của thành phố là không được để xảy ra lây nhiễm trong bệnh viện nhưng vẫn phải đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhiều nhân viên y tế được điều động đến các bệnh viện dã chiến đa tầng, bổ sung cho trạm y tế tại các địa phương có dấu hiệu gia tăng ca nhiễm như Hóc Môn, Bình Chánh.
Ý kiến ()