Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:22 (GMT +7)
TP.HCM ghi nhận 4 ca đậu mùa khỉ trong một ngày, tổng cộng 13 ca
Chủ nhật, 08/10/2023 | 23:21:43 [GMT +7] A A
Trong ngày 6/10, TP.HCM đã ghi nhận 4 ca mắc mới đậu mùa khỉ, nâng tổng số ca mắc đậu mùa khỉ từ đầu năm đến nay tại TP là 13 ca. Ngành y tế vẫn đang tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và điều trị bệnh này.
Ngày 8-10, Sở Y tế TP.HCM cho hay đã có báo cáo nhanh tình hình và các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn đến UBND TP.HCM, trong đó đáng quan tâm nhất là bệnh đậu mùa khỉ.
Theo đó, trong ngày 6-10, TP.HCM ghi nhận 4 ca mắc mới đậu mùa khỉ. Hiện các ca bệnh đang được cách ly điều trị theo quy định, sức khỏe ổn định.
Như vậy từ đầu năm 2023 đến nay, TP đã ghi nhận 13 trường hợp mắc đậu mùa khỉ (trong đó có 1 ca phát hiện tại Đài Loan vào tháng 7 vừa qua và 2 ca xâm nhập).
Đối với bệnh tay chân miệng, từ đầu năm 2023 đến nay TP.HCM có 28.248 ca mắc. Hiện có 318 ca đang điều trị tại bệnh viện, trong đó TP.HCM có 317 ca mắc có độ tuổi dưới 6 tuổi (chiếm 99,6%). Số ca bệnh tay chân miệng nặng là 41 ca.
Về bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 13.680 ca mắc. Số ca sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện là 174 ca (trong đó có 124 ca có địa chỉ tại TP.HCM). Số ca nặng là 13 ca, số ca đang thở máy xâm lấn là 3 ca.
Về bệnh đau mắt đỏ, trong ngày 6-10, TP ghi nhận có 904 ca, tăng 14 ca so với ngày 5-10 (gồm có 805 ca có địa chỉ tại TP, chiếm 89,1%). Trong đó có 268 ca trẻ em dưới 16 tuổi, giảm 53 ca so với ngày 5-10.
Sở Y tế TP.HCM cho biết ngành y tế tiếp tục thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP và khu vực, kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ…
Song song đó đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin cho người dân biết về phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ.
Đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng
Theo bác sĩ CKII Huỳnh Thị Thúy Hoa (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TP.HCM), bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng, mặc dù chúng có nhiều đường lây như: tiếp xúc gần, thân mật kéo dài (hôn, quan hệ tình dục, hít phải giọt bắn, dịch tiết...) hoặc từ nguồn động vật hoang dã. Bệnh này chỉ dễ lây lan trên một số nhóm người có nguy cơ và đặc biệt là người có nhiều bạn tình mà quan hệ tình dục không an toàn, không bảo vệ bằng bao cao su... "Người dân không nên lo lắng quá mức và hãy cảnh giác, chủ động phòng ngừa tích cực nếu thuộc nhóm nguy cơ và tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ thì đến các cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán xác định và chủ động cách ly, tránh lây cho người khác", bác sĩ Hoa khuyến cáo. |
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()