Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 13:17 (GMT +7)
Trái cây Việt chinh phục thị trường Mỹ
Thứ 6, 30/06/2023 | 14:21:17 [GMT +7] A A
Lô vải tươi của Việt Nam trong mùa vụ 2023 vừa được xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ, mở ra cơ hội lớn cho trái vải nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung tại thị trường này.
“Tiếp sức” cho trái cây Việt tại Mỹ
Mới đây, Công ty LNS International Corporation (nhà nhập khẩu) và Công ty L&V Food Supply (nhà phân phối) có trụ sở tại Houston, Texas (Mỹ) đã cùng phối hợp để đưa lô hàng vải thiều tươi đầu vụ 2023 của tỉnh Bắc Giang vào bán đồng loạt tại nhiều siêu thị và chợ châu Á lớn nhất tại thành phố Houston, Texas (Mỹ).
Sự kiện này được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chất lượng trái cây của Việt Nam khi tiếp cận được một trong các thị trường khó tính hàng đầu thế giới.
Bà Chinh Nguyễn, CEO Tập đoàn L&V Food Supply cho biết, L&V Food Supply và LNS International Corporation là các công ty Mỹ gốc Việt tại Houston đang chung sức và cùng đầu tư để xây dựng, triển khai kế hoạch nhập khẩu các lô hàng lớn ngành thực phẩm và trái cây từ Việt Nam sang Mỹ ngay trong năm nay.
“Sau 3 đợt nhập trái vải tươi (khoảng 9 tấn) vào những ngày tháng 6/2023 sang đất Mỹ, chúng tôi đã có kế hoạch tiếp để nhập các lô vải đông lạnh (ước tính 2 container/tháng, tương đương khoảng 30 tấn/tháng). Nếu tại Việt Nam, các nhà cung cấp đủ nguồn hàng đạt tiêu chuẩn thì chúng tôi sẽ có kế hoạch nhập thêm khoảng 3 lần (80-90 tấn) trong năm 2023”, bà Chinh Nguyễn chia sẻ.
Đây là tin rất vui cho không chỉ trái vải Việt Nam, mà còn của trái cây Việt Nam nói chung, bởi Mỹ vốn là thị trường rất khó tính và đòi hỏi cao về tiêu chuẩn sản phẩm.
“Quả ngọt” này cũng cho thấy cho những nỗ lực của các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nhằm đưa nông sản Việt xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ lớn, khó tính như Mỹ và EU đã phát huy tác dụng.
Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài nước từng bước tháo gỡ khó khăn nhằm mở rộng thị phần quả vải tại thị trường Mỹ như, tham mưu và đề xuất cơ chế nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến việc tham gia của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội vào chương trình tiền chứng nhận của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS); Đàm phán với APHIS và được phép bổ sung thêm 1 đầu mối chiếu xạ xuất khẩu vải sang Mỹ; Giới thiệu và tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp nhập khẩu của Mỹ tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với các đối tác tại Bắc Giang.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong số các nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản, Mỹ mua nhiều nhất hạt điều, thủy sản, gỗ, trái cây của Việt Nam.
Mỹ được xác định là thị trường tiêu thụ nhiều loại nông sản, trái cây nhiệt đới chất lượng cao của ta, như: trái vải tươi, thanh long, xoài, bưởi. Tính đến thời điểm hiện tại, có 7 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ (thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài và bưởi).
Báo cáo thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, nhập khẩu nông sản của Mỹ năm 2023 có thể đạt 199 tỷ USD, cao hơn 5 tỷ USD so với năm 2022. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, trong đó có trái cây.
Thị trường Mỹ hiện có trên 331 triệu dân với sức tiêu thụ lớn là một thị trường trọng điểm cho các loại nông sản, thực phẩm trong đó có trái cây và rau tươi.
Mỹ là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ với nhu cầu đa dạng, ngày càng chú trọng các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe. Nhóm khách hàng chính hiện nay là cộng đồng dân cư gốc Á và đặc biệt là cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, tập trung tại các đô thị, thành phố lớn.
Năm 2022, Mỹ nhập khẩu rau quả đạt mức kỷ lục trên 31 tỷ USD, trong đó có 19,3 tỷ USD trái cây tươi và đông lạnh (tương đương 23,5 triệu tấn) tăng 10% so với năm 2021, chủ yếu từ Canada, Mexico và một số nước Trung, Nam Mỹ.
Đối với trái vải, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Mỹ nhập khẩu trái vải từ Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, trong đó vải Lục Ngạn, Bắc Giang luôn được người tiêu dùng Mỹ đón nhận và đánh giá cao về chất lượng.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, thị trường Mỹ hiện còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển.
Mỹ là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ với nhu cầu đa dạng, ngày càng chú trọng các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe. Nhóm khách hàng chính hiện nay là cộng đồng dân cư gốc Á và đặc biệt là cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, tập trung tại các đô thị, thành phố lớn.
Giải bài toán chiếu xạ cho trái cây
Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường Mỹ đối với nông sản thực phẩm Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng còn gặp một số trở ngại.
Cụ thể, khoảng cách địa lý quá xa dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài, trong khi đó các loại trái cây dễ hỏng, hao hụt trong quá trình vận chuyển. Đặc biệt, trái vải là loại trái cây khó bảo quản và hiện công nghệ bảo quản của Việt Nam vẫn chưa thể đảm bảo giữ chất lượng trong thời gian dài.
Chưa kể, hiện chưa có cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Mỹ đặt tại miền Bắc. Để xuất khẩu đi Mỹ, quả vải phải được vận chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh chiếu xạ, làm tăng chi phí vận chuyển và hao hụt về số lượng, chất lượng của vải xuất khẩu.
Bà Chinh Nguyễn chia sẻ thêm, khi Trung tâm chiếu xạ Hà Nội sớm đi vào hoạt động để góp phần giảm thời gian, chi phí vận chuyển các loại trái cây khi xuất khẩu sang các thị trường lớn, chắc chắn sức cạnh tranh của trái vải nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung sẽ lớn hơn.
“Khi chi phí vận chuyển, chiếu xạ trái cây của Việt Nam giảm bớt thì trái cây Việt sẽ được thị trường Mỹ đón nhận nồng nhiệt với số lượng và qui mô lớn hơn rất nhiều (gấp khoảng từ 3-5 lần so với hiện nay). Việc này cũng đồng thời giúp được bà con nông dân và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sản xuất chế biến nông sản được lợi nhiều hơn”, bà Chinh Nguyễn khẳng định.
Vận chuyển bằng hàng không thì giá cước quá cao, gấp nhiều lần giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, trái cây của ta xuất khẩu sang Mỹ hiện mới hướng đến đối tượng tiêu dùng là người châu Á, trong đó, cộng đồng người Việt ở Mỹ là chính. Đây là một nguyên nhân khiến trái cây Việt Nam vào Mỹ chưa nhiều.
Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston cũng khuyến cáo các Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trái cây lớn của Việt Nam và Mỹ cần trao đổi thông tin, có liên kết chặt chẽ và xác định vai trò của mình khi tham gia trực tiếp hoặc hỗ trợ xuất khẩu các loại hoa quả theo vụ mùa như trái vải.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nên có và thực hiện các cam kết dài hạn đảm bảo sự phối hợp tốt giữa các nhà xuất khẩu - nhập khẩu - phân phối cho các lô hàng lớn; cùng góp sức đầu tư, hợp tác nghiên cứu và chia sẻ thông tin thị trường, chia sẻ trách nhiệm-rủi ro với các đối tác, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh… Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp các lô hàng xuất khẩu thành công sang các thị trường lớn như Mỹ.
Ngoài ra, trái cây của ta xuất khẩu sang Mỹ hiện mới hướng đến đối tượng tiêu dùng là người châu Á, trong đó, cộng đồng người Việt ở Mỹ là chính. Đây là một nguyên nhân khiến trái cây Việt Nam vào Mỹ chưa nhiều. Cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các cộng đồng khác vì Mỹ là quốc gia hợp chúng quốc.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()