Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:39 (GMT +7)
"Trận Bạch Đằng" trên Vịnh Hạ Long
Thứ 2, 29/07/2013 | 05:42:44 [GMT +7] A A
Cách đây 49 năm (ngày 5-8-1964), quân và dân TX Hồng Gai (nay là TP Hạ Long) đã lập chiến công hiển hách trên bầu trời Hạ Long, bắn rơi 3 máy bay phản lực, bắt sống giặc lái Mỹ, góp vào chiến thắng của quân dân miền Bắc bắn hạ 8 máy bay, làm nức lòng bầu bạn yêu chuộng hoà bình khắp năm châu và cũng là chiến công chào mừng tỉnh mới thành lập.
Ngày ấy, tôi là chiến sĩ hải quân, trực tiếp phục vụ chiến đấu. Khi ấy miền Bắc đang phải ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng CNXH, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đánh Mỹ. Việc đầu tư cho quân sự quốc phòng ở miền Bắc và tỉnh Quảng Ninh về lực lượng và vũ khí, khí tài còn ít ỏi. Vùng Đông Bắc Quảng Ninh có biên giới biển đảo, biên chế lực lượng quân sự mới đến cấp tiểu đoàn. Các đơn vị chủ lực khu vực Hòn Gai có Tiểu đoàn Phòng không cao xạ 217 và khu tuần phòng 1 Hải quân (tương đương cấp tiểu đoàn). Lực lượng hải quân có hơn chục chiếc tàu chiến cũ do Liên Xô, Trung Quốc viện trợ; Tiểu đoàn 217 có 3 đại đội, mỗi đại đội trang bị 4-5 khẩu trung cao và 1 trung đội pháo 14,5 ly 3 khẩu; dân quân tự vệ nhà máy, xí nghiệp mỗi đại đội, trung đội trang bị chưa đến 10 khẩu súng trường cũ kỹ.
Khẩu đội pháo cao xạ đóng trên đồi cao ở thị xã Hồng Gai đã bắn rơi máy bay Mỹ trong trận đầu 5-8-1964. (Ảnh Tư liệu tại Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam). |
Khi được cấp trên quán triệt, thông báo ta chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu với hải quân và không quân Mỹ, tư tưởng của bộ đội đã sẵn sàng và quyết tâm cao, song về tâm lý của đa số chiến sĩ còn băn khoăn, lo lắng. Trước khi vào trận, chúng tôi được học tập ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, tổ tiên ta đã từng lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, dùng mưu lược đánh giặc, lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn, đã làm nên chiến thắng lịch sử Chi Lăng, Đống Đa, Bạch Đằng Giang... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, quân dân ta đã đánh bại thực dân Pháp với Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.
Đúng như nhận định của cấp trên, hồi 14h30’ ngày 5-8, hàng chục máy bay chia làm nhiều tốp từ biển bay vào, diễn biến quá nhanh. Một số trận địa kịp thời nổ súng, loạt đạn đầu còn rời rạc chưa bám sát mục tiêu và lúc này tàu hải quân chưa kịp phản ứng. Máy bay lao xuống bắn phá quân Cảng. Địch đánh phá xong đợt thứ nhất, các tàu chiến của ta mới kịp triển khai đội hình chiến đấu. Địch tiếp tục vào đợt 2, các trận địa pháo trung cao của Tiểu đoàn 217 đồng loạt nổ súng, hàng trăm quả pháo nổ trên không, bung ra những đụn khói trắng bao quanh máy bay địch. Máy bay địch vẫn lao xuống bắn phá quân Cảng và tàu của ta. Để che mắt địch, các tàu đồng loạt phóng hoả mù ngụy trang, các con tàu luồn lách trong làn khói, các khẩu pháo 37 và 14,5 ly từ tàu nhả đạn xé không khí đan thành lưới lửa hướng mục tiêu. Trên sông Cửa Lục lúc này mù mịt khói ngụy trang của tàu, của pháo, những tiếng nổ chát chúa từ nòng pháo tàu ta và rốc két của địch, tiếng gầm rú của máy bay phản lực, cả không gian náo loạn các loại âm thanh. Trong lúc trận chiến đấu diễn ra ác liệt, một chiếc phản lực xịt khói từ thân và loé lửa, đốm lửa mỗi lúc to dần rồi bùng lên như bó đuốc khổng lồ, nó bay lao ra biển và cắm đầu xuống nước. Tên phi công nhảy dù, chiếc dù trắng treo lơ lửng trên không và rơi xuống biển. Lúc này các trận địa pháo, các tàu hải quân và nhân dân hai bên bờ sông Bãi Cháy vang lên tiếng hò reo “Máy bay Mỹ cháy rồi, rơi rồi. Hoan hô, hoan hô!”.
Thấy đồng bọn bị bắn rơi, các máy bay khác điên cuồng lao vào đánh phá. Ta kiên cường bắn trả. Trên bầu trời lại 1 chiếc, rồi chiếc thứ 2 trúng đạn, bốc cháy lao ra biển và cắm đầu xuống nước. Thấy 3 chiếc rơi trong vòng 10 phút, các máy bay khác vội vàng tháo chạy.
Cuộc chiến đấu không cân sức, song với ý chí kiên cường, dũng cảm, quân và dân ta đã hạ 3 máy bay phản lực, bắt sống phi công E.Alvarez, một chiến thắng vang dội, có thể ví như trận Bạch Đằng trên trời biển Hạ Long. Qua trận chiến đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, mưu trí kiên cường. Đó là khẩu đội trưởng Trương Thanh Luyện, pháo thủ Đào Ngọc Sao (Tiểu đoàn 217), chỉ một loạt đạn 14,5 ly, các anh đã hạ chiếc phản lực A4 rơi tại chỗ. Tiểu đội trưởng quân giới Trương Văn Trọng (Tiểu đoàn 217), dũng cảm bơi qua sông Cửa Lục sang trận địa Bãi Cháy để sửa chữa pháo cho đồng đội chiến đấu kịp thời. Khẩu đội trưởng tàu hải quân Lê Sĩ Hằng, bị thương gẫy chân, dùng dây buộc chân gẫy vào tháp pháo, tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Binh nhất hải quân Đổng Quốc Bình, hai lần bị thương vẫn tiếp đạn, lần thứ ba bị thương vào bụng, lấy một tay bịt, tay còn lại tiếp tục chuyển đạn cho đồng đội chiến đấu. Nguyễn Thị Mến, trực tổng đài bưu điện Bãi Cháy, đạn rốc két địch bắn sập mái nhà, chị không rời vị trí vẫn bám trụ điều khiển tổng đài phục vụ chiến đấu... Trong chiến thắng trận đầu 5-8 có chiến công ít ai nhắc đến, đó là những người trực tiếp bắt sống tên giặc lái Mỹ: Chuẩn uý Nguyễn Kim Bảo, hạ sĩ Lê Văn Lộc, binh nhất Phạm Đình Giang, là CBCS thuyền vận tải của C7 đảo Cô Tô, nếu họ không mưu trí dũng cảm, thì chỉ ít phút sau trực thăng bay vào cứu thoát tên E.Alvarez. Sau trận đánh, các anh được Quân khu khen thưởng... Dịp kỷ niệm 35 năm Chiến thắng 5-8, Hội CCB tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh uỷ mời các anh về dự, tỉnh ghi nhận và tặng quà.
Mới ngày nào mà nay đã gần nửa thế kỷ, những đồng đội của tôi bây giờ người còn, người đã mất. Vừa qua tôi đến phường Cẩm Phú, Cẩm Thạch (TP Cẩm Phả) thăm ông Bảo, ông Giang; đến thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên) thăm ông Lộc, đều đã ở tuổi thất thập. Các ông không còn khoẻ, nhưng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, nụ cười vẫn tươi rói như xưa. Ngồi bên nhau ôn lại chuyện cũ, các ông còn nhớ chi tiết ngày bắt phi công: Ngày 5-8, ông Lộc, ông Giang vào Quân khu nhận quân trang. Ông Bảo sĩ quan cơ yếu đi báo cáo tình hình, xong việc, trên đường về đảo cách Hòn Gai gần 10 cây số thì chiến sự diễn ra. Máy bay địch trúng đạn bốc cháy và rơi cách thuyền của họ 3 cây số và tên phi công rơi cách thuyền 500m. Là người quân hàm cao nhất, ông Bảo phát lệnh, bằng mọi giá phải bắt sống phi công. Ông Lộc cầm lái, ông Giang chèo thuyền, ông Bảo cầm vũ khí uy hiếp địch. Sau khi gỡ dù, tên phi công mặc áo phao nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Một tay cầm máy bộ đàm, một tay cầm súng ngắn, cách vài chục mét, ông Bảo ra hiệu cho nó giơ tay hàng. Ông Lộc giơ súng AK uy hiếp. Chần chừ mãi nó mới giơ tay đầu hàng. Các ông thả dây cho nó bám. Cả ba người kéo tên phi công lên, thu súng và bộ đàm, trói tay lại rồi cho ngồi dưới sạp thuyền. Cùng lúc này, một chiếc ca nô từ đất liền ra, ngồi trên ca nô có đồng chí mặc quần áo bộ đội. Các ông vẫy ca nô dừng lại, áp mạn thuyền và giao tên giặc lái cho đồng chí bộ đội, tiếp tục hành trình về đảo. Sau này các ông được biết đồng chí bộ đội đó là ông Vũ Đình Mai, Tỉnh Đội trưởng Tỉnh Đội Quảng Ninh.
Trò chuyện, tôi biết thêm, ông Bảo đã tham gia trận Điện Biên Phủ, vào Nam chiến đấu 10 năm. Ông Lộc có gần 20 năm chiến đấu và công tác ở miền Nam. Ông Giang công tác tại Xưởng 48 Hải quân. Họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đánh xong giặc, các ông trở lại hậu phương, tích cực tham gia công tác xã hội, tiếp tục giữ vững, phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Đỗ Hữu Khắc (Hội CCB khu 7, phường Việt Hưng, TP Hạ Long)
Liên kết website
Ý kiến ()