Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 07:59 (GMT +7)
Triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023: Hành động quyết liệt ngay từ đầu năm
Thứ 6, 30/12/2022 | 13:43:02 [GMT +7] A A
Ngày 30/12, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 12 để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác tháng 1 và năm 2023. Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tỉnh cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, các cấp, ngành, địa phương đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của tỉnh để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. Từ đó, các chỉ tiêu kinh tế đảm bảo bám sát kịch bản tăng trưởng.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 tăng 10,28%, đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cả 3 khu vực kinh tế gồm dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - ngư nghiệp đều tăng so với năm 2021. Trong đó, khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, đạt tốc độ tăng trưởng cao (tăng 14,37%) trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế với mức đóng góp 4,51 điểm % trong GRDP, bù đắp cho các ngành, lĩnh vực khác. Quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so với quy mô năm 2021; GRDP bình quân đầu người ước đạt 197,6 triệu đồng/người...
Kế hoạch phát triển doanh nghiệp và HTX tiếp tục khởi sắc, số đơn vị thành lập mới tăng 5% so với năm 2021; số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 14%; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng triển khai, niềm tin của doanh nghiệp đối với chính quyền được củng cố. Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí quán quân chỉ số PCI, nằm trong nhóm dẫn đầu các chỉ số SIPAS, PAR INDEX...
Công tác đảm bảo an sinh xã hội được tập trung, bảo đảm, hỗ trợ kịp thời người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ khác như quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số được thúc đẩy, tăng cường; công tác GPMB, triển khai các dự án trọng điểm, động lực, các dự án trong KKT, KCN được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ. Công tác thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo giải quyết; quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ…
Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2022 tình hình KT-XH của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số sản phẩm công nghiệp chưa đạt so với kịch bản tăng trưởng; công tác lập Quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung của một số địa phương còn chậm so với yêu cầu...
Phát biểu kết luận, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Bằng những giải pháp hiệu quả, thiết thực, Quảng Ninh đã hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định, năm thứ 7 liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, lập nên kỳ tích trong giai đoạn mới. Đồng chí đánh giá cao sự tập trung, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Để thực hiện hiệu quả, thành công Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2023, đồng chí yêu cầu các đơn vị, sở, ngành, địa phương đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt ngay từ đầu năm, bám sát chủ đề công tác năm của tỉnh về “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân” để nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch.
Trước mắt, nắm bắt kỹ tình hình, diễn biến dịch Covid-19 để chủ động các biện pháp phòng chống hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, ổn định và phát triển KT-XH. Chuẩn bị Tết Nguyên đán chu đáo cho nhân dân trên quan điểm an toàn, tiết kiệm, không để người dân, hộ gia đình nào không có Tết.
Cần tập trung xây dựng và ban hành các Chương trình hành động, Chương trình công tác, Kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 để làm căn cứ triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ đã đề ra; tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất, sản lượng; đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, sớm đưa vào vận hành sản xuất các dự án trọng điểm; tạo điều kiện tốt nhất để ngành Than tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát động, tổ chức Chương trình Tết trồng cây năm 2023 đồng loạt tại các địa phương.
Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công; cơ cấu lại ngân sách, tăng tỷ trọng các nguồn thu bền vững. Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 bằng việc đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương; đổi mới cách thức xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư theo hướng chủ động; đồng thời tăng cường triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh hướng tới chào mừng 60 năm kỷ niệm Ngày thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023) để khích lệ, động viên toàn xã hội, quyết tâm thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH và các giải pháp trọng tâm của năm 2023.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 12, UBND tỉnh cũng đã nghe và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM gắn với Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy; thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()