Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 00:24 (GMT +7)
Chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư công năm 2023
Thứ 5, 29/12/2022 | 06:55:00 [GMT +7] A A
Trên cơ sở nguồn thu ngân sách nhà nước và tỷ lệ điều tiết của tỉnh đã được Quốc hội thông qua, thì dự kiến nguồn vốn dành cho chi đầu tư công năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh là trên 14.850 tỷ đồng. Hiện nguồn vốn này đã được tỉnh phân khai đến các dự án, công trình và UBND các địa phương đảm bảo đúng quy trình, thủ tục của pháp luật.
Trong tổng số nguồn vốn đầu tư công năm 2023 thì có trên 1.270 tỷ đồng nguồn vốn Trung ương, trên 8.800 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh và trên 4.770 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách huyện. Tại Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XIV vừa qua, HĐND tỉnh đã thực hiện phân khai cụ thể những nguồn vốn này cho các dự án, công trình trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết số 303/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh, Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 303/NQ-HĐND về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn đầu tư công, nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025.
Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là phân bổ vốn đầu tư công tập trung, không phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và trong khả năng cân đối của ngân sách, phù hợp với kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025. Trong đó sẽ ưu tiên vốn cho thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có), dự án đã quyết toán, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; thực hiện các dự án chuyển tiếp, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án động lực có tầm ảnh hưởng lớn, các dự án chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh.
Theo đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương sẽ được ưu tiên đầu tư cho dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều (giai đoạn 1); dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long; dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển. Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh sẽ được ưu tiên đầu tư cho 51 công trình, dự án chuyển tiếp, 30 dự án khởi công mới và hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối theo tiêu chí chấm điểm, một số dự án thuộc Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 và những dự án hoàn thành, thanh quyết toán năm 2023.
Một số dự án khởi công mới năm 2023 được tỉnh lựa chọn phân bổ vốn đầu tư công, như: Trụ sở Trung tâm Truyền thông tỉnh; đường dẫn cầu Bến Rừng trên địa bàn tỉnh; mở rộng QL279 đoạn từ Km0+00 đến Km8+600 và tuyến đường từ QL18A đến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; mở tuyến luồng thủy nội địa từ cảng Cái Rồng đi các xã đảo Ngọc Vừng, Quan Lạn, Bản Sen; hỗ trợ đầu tư các trường học theo Nghị quyết số 99/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 của HĐND tỉnh…
Còn đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện sẽ được HĐND cùng cấp phân khai chi tiết theo quy định. Hiện các địa phương trong tỉnh cũng đã tổ chức kỳ họp HĐND cuối năm để phân khai chi tiết cho các dự án, công trình theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật.
Ông Vũ Đức Hưởng, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: UBND huyện đã chủ động tổng hợp nguồn vốn, rà soát các dự án, trình HĐND huyện ban hành nghị quyết, giao kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách cấp huyện năm 2023 với tổng nguồn vốn trên 800 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ được ưu tiên phân bổ cho các dự án động lực, trọng điểm của huyện, nhất là các dự án hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, trường học, đáp ứng kịp thời phát triển của KKT Vân Đồn, hướng đến xây dựng Vân Đồn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2030.
Như vậy hiện nay, nguồn vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh đã được xác định và giao cụ thể đến từng dự án, chủ đầu tư. Điều quan trọng nhất, các sở, ngành liên quan, chủ đầu tư và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong việc giải ngân nguồn vốn, hạn chế tình trạng nguồn vốn tồn đọng, khó triển khai, phải điều chỉnh nhiều lần, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.
Mạnh Trường
- Giải ngân vốn đầu tư công khó cán đích như kỳ vọng
- Giải ngân vốn đầu tư công: Vân Đồn quyết tâm hoàn thành kế hoạch
- TP Cẩm Phả: Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
- Linh hoạt sử dụng nguồn vốn đầu tư công
- Vì sao giải ngân đầu tư công chương trình mục tiêu còn chậm?
- "Nêu cao vai trò người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công"
Liên kết website
Ý kiến ()