Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:09 (GMT +7)
Triển khai tích cực kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngay từ những tháng đầu năm 2024
Thứ 5, 01/02/2024 | 11:29:20 [GMT +7] A A
Sáng 1/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1. Thủ tướng yêu cầu trước mắt, các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung cho nhân dân vui Xuân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, dứt khoát không để ai bị ở lại phía sau, không để ai không có Tết.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, nhân dịp Tết Nguyên đán, Thủ tướng gửi tới các thành viên Chính phủ, đại biểu lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Về bối cảnh tháng 1, Thủ tướng đánh giá thế giới tổng thể là hòa bình, cục bộ có chiến tranh, tổng thể hòa hoãn, cục bộ vẫn căng thẳng, tổng thể ổn định, cục bộ xung đột. Tình hình thế giới hội nhập hiện nay đều tác động tình hình chung mỗi nước, đây là những vấn đề toàn cầu, toàn dân, là đặc điểm chúng ta cần chú ý.
Liên quan kinh tế thế giới, Thủ tướng cho biết, lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn đang neo ở mức cao, do đó các nước thận trọng; tăng trưởng có dấu hiệu phục hồi nhưng không ổn định, tác động các thị trường lớn; thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp. Vừa qua IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 2,9% lên 3,1%, nợ công các nước tiếp tục tăng. Xu thế chung vẫn phải tiếp tục theo dõi, có phản ứng chính sách kịp thời với thế giới để có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Trong tháng 1, chúng ta có 2 kỳ họp bất thường của Trung ương và Quốc hội, trong đó Quốc hội đã thông qua 2 Luật, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Chính phủ với Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội. Cả nước khẩn trương tích cực chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn; chúng ta tiến hành một số công việc liên quan thể chế, xây dựng Đảng, chăm lo an sinh xã hội, đời sống nhân dân dịp Tết.
Thủ tướng gợi ý các đại biểu để thảo luận, quá trình thúc đẩy nhanh, kịp thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; nêu rõ, ở trong nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục xu thế phục hồi tích cực, đạt được những kết quả quan trọng đáng ghi nhận, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy; lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, công nghiệp có xu hướng phục hồi, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng; các các cân đối lớn được bảo đảm.
Công tác hoàn thiện thể chế pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị, Chính phủ tích cực làm trong thẩm quyền; thúc đẩy 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực; các lĩnh vực văn hóa xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân được cải thiện; các cấp, các ngành đang tích cực chuẩn bị cho nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, nghĩa tình; các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang tích cực đi thăm, chúc Tết nhân dân các địa phương…
Thủ tướng nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng". Bài viết đã nâng cao tinh thần yêu nước, sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị hướng đến kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, tiếp tục khẳng định những gì đạt được sau gần 40 năm đổi mới đất nước, thể hiện đúng tinh thần “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” và được chứng minh qua những con số cụ thể.
Thủ tướng khẳng định, bài báo là một động lực về tinh thần, nâng cao niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử của đất nước, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân. Thủ tướng cũng khẳng định, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh. Từ đó chúng ta có thêm tự hào, bản lĩnh, tự tin lãnh đạo đất nước phát triển theo hướng độc lập, tự chủ, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tại phiên họp này, Thủ tướng mong các đại biểu qua đánh giá tình hình tháng 1, rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phản ứng chính sách. Đây là điểm quan trọng nhất. Chúng ta cần có chính sách, giải pháp gì làm mới các động lực cũ như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu? Cần bổ sung, khai thác hiệu quả các động lực mới như tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo...; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế nhiều hơn cho người dân; cần làm gì để từng bước đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khắc phục đứt gãy chuỗi sản xuất để tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu? Cần làm gì để giảm chi phí logistics vẫn đang ở ngưỡng cao so thế giới? Làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang có khí thế, động lực để tạo xu thế, phong trào? Cần phải có giải pháp gì để tạo đột phá liên quan văn hóa xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…?
Thủ tướng lưu ý các cấp, các ngành cần chú trọng thúc đẩy lĩnh vực văn hoá, trong đó có công nghiệp văn hóa; phải bảo đảm văn hóa lành mạnh, văn minh trong dịp Tết này, thực sự để văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", không để xảy ra các hiện tượng mê tín, dị đoan.
Thủ tướng yêu cầu trước mắt, các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung cho nhân dân vui Xuân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, dứt khoát không để ai bị ở lại phía sau, không để ai không có Tết. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát lại không để ai thiếu ăn, thiếu mặc.
Lưu ý các nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như chú trọng chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban cần tập trung tập trung vào đầu tư cho phát triển để tăng hiệu quả vốn nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra trong tháng 2 và quý I là hết sức nặng nề, phải thực hiện đúng tinh thần kết quả năm sau cao hơn năm trước, quý sau phải cao hơn quý trước, tháng sau phải cao hơn tháng trước, do đó các bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch được giao ngay từ những tháng đầu năm 2024.
Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực với nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực; trong đó nổi bật là: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực… Uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được tăng lên. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không được lơ là, chủ quan, say sưa với thắng lợi, phải tiếp tục nỗ lực cố gắng hơn; cần nhận thức rõ các khó khăn, thách thức, đề ra giải pháp khắc phục các hạn chế, bất cập.
Đề cập nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháng 2 và quý 1, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phát huy những thành tựu đạt được, kinh nghiệm tích lũy được, ngày càng bản lĩnh, kiên định, kiên trì, đổi mới sáng tạo, có nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo. Phát huy tính chủ động tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đổi mới sáng tạo; khắc phục hiệu quả tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm; hạn chế tình trạng thôi việc, nghỉ việc; nâng cao năng lực dự báo, nắm chắc tình hình, trên cơ sở đó đưa dự báo chính xác, học hỏi, chắt lọc các bài học kinh nghiệm hay của thế giới. Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, xác định đúng, trúng việc của từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan; thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, linh hoạt, chủ động của các cấp.
Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu rõ: chăm lo cho toàn dân, nhất là các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, các đối tượng yếu thế, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có Tết an toàn, lành mạnh, vui tươi, tiết kiệm, nghĩa tình, làm sao cho mọi người dân đều có Tết, không để ai không có Tết. Khẩn trương hoàn thiện các văn bản hành chính, bảo đảm rõ người rõ việc, dễ giám sát, dễ đánh giá. Khẩn trương hoàn thiện Chương trình, Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai các Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ, các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư. Tiếp tục phát huy hiệu quả của 26 tổ công tác của Thành viên Chính phủ và 5 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, trực tiếp làm việc, nắm bắt, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc ở địa phương ngay từ đầu năm.
Tổ chức họp với các địa phương để triển khai các Nghị quyết của phiên họp Chính phủ tháng 1; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới (UAE, châu Phi, Mỹ Latin) trên tinh thần linh hoạt, không bó tay; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu; thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; bảo đảm cân đối, kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia; xây dựng lại chính sách về vốn ODA.
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, theo đó, về đầu tư: tập trung tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và hợp tác công tư); quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư. Tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...
Về xuất khẩu: Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn, tiềm năng. Kịp thời thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới của đối tác. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, các FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)...; khai thác thị trường Halal để mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.
Về tiêu dùng: Khai thác hiệu quả thị trường trong nước, thực hiện kích cầu tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán. Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu trong nước... Triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó: thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị; thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi; thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch; xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2024; tập trung xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng. Triển khai quyết liệt hơn nữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, tháo gỡ ngay từ đầu các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Thủ tướng cho biết, ngay sau Tết, chúng ta sẽ phát động phong trào thi đua xoá nhà dột, nhà tạm trên cả nước; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; rà soát lại lại các vướng mắc pháp lý để tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Tập trung triển khai thực hiện Đề án 06 theo tinh thần bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng dữ liệu của quốc gia, các bộ, ngành.
Phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu, về công nghiệp: thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp; trong đó: tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu, nhất là khi năm 2024 được dự báo là năm hạn hán, thiếu nước nặng nề do El Nino; huy động sức mạnh tổng lực, đẩy nhanh tiến độ Đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối. Khai thác tối đa thế mạnh của lĩnh vực nông nghiệp, nhất là xuất khẩu gạo, triển khai mạnh đề án 1 triệu ha lúa sạch, chất lượng cao, ít phát thải; quyết liệt tháo gỡ ách tắc, khắc phục "thẻ vàng" (IUU) của ngành thủy sản.
Phát triển mạnh các ngành dịch vụ liên quan du lịch có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao như vận tải, logistics, giáo dục, y tế, ngân hàng…; đề nghị Bộ Giao thông vận tải triển khai nhanh xây dựng các cảng biển, cảng thủy nội địa; khôi phục, phát triển vận tải hàng hoá bằng đường sắt; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải tích cực, chủ động việc này, “lăn xả” vào việc; chú ý bảo đảm các nguyên vật liệu xây dựng, nhất là phục vụ đắp nền; Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sửa ngay các quy định liên quan; cùng với các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các mỏ đất đá, xử lý nghiêm các sai phạm.
Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 26 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, nghĩa tình, an toàn, tiết kiệm. Tăng cường bảo đảm an ninh quốc phòng, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm liên quan ma tuý, tín dụng đen, lừa đảo người dân; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, nhất là triển khai tuyên truyền rộng rãi bài viết mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng".
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()