Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 08:13 (GMT +7)
Trợ giúp pháp lý cho người yếu thế
Thứ 3, 08/06/2021 | 09:07:07 [GMT +7] A A
Người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em... là những trường hợp thường gặp khó khăn trong việc thuê luật sư khi xảy ra các vụ kiện, xâm hại hay vụ việc vi phạm pháp luật. Chính bởi vậy, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) đã có nhiều biện pháp trợ giúp pháp lý (TGPL) để bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng này.
Còn nhớ 3 năm trước, tại huyện Hải Hà xảy ra vụ án hiếp dâm trẻ em. Người bị xâm hại là cháu N.A.T (tên viết tắt - PV) sinh năm 2009. Kẻ xâm hại chính là N.N.H (tên viết tắt - PV), cha dượng của cháu T. Khi tiếp nhận đơn yêu cầu TGPL của mẹ bé gái, Trung tâm đã cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu T. Trợ giúp viên pháp lý ngay từ đầu đã bám sát thông tin, tình tiết liên quan vụ án, làm việc cùng công an ở địa phương, khu vực nắm thông tin liên quan đối tượng tại cơ sở…
Sau những ngày tháng đi thực tế tại địa bàn, phối hợp cùng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cùng thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình tiến hành xác minh củng cố chứng cứ, cùng với nghiên cứu hồ sơ… cán bộ Trung tâm đã hình thành bản Luận cứ Bảo vệ quyền và lợi ích cho người bị hại. Ngày 4/4/2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự này. Với chứng cứ, tài liệu đầy thuyết phục của trợ giúp viên pháp lý, N.N.H bị tuyên án 17 năm tù giam cho hành vi phạm tội của mình.
Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ việc, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng bảo trợ, trẻ em... trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Trung tâm tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ TGPL; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác này và tăng cường thực hiện TGPL ở cơ sở nhằm giúp các đối tượng yếu thế tiếp cận tốt với dịch vụ TGPL trên địa bàn.
Trung tâm đã cung cấp danh sách những người thực hiện TGPL cho các ngành: Công an, Kiểm sát, Tòa án trên địa bàn để công tác phối hợp được tốt hơn. Danh sách này cũng được niêm yết trên bảng tin ở các địa phương, trụ sở nhà tạm giam, trại tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, cấp tỉnh để người dân khi có nhu cầu liên hệ.
Trước khi thực hiện vụ việc, các trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện đã tích cực nghiên cứu hồ sơ, văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, giái đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật và các giải pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để người được TGPL lựa chọn cách ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với vụ việc mà người yêu cầu được TGPL là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán người, nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục... Trung tâm bố trí phòng tiếp dân riêng, bố trí cán bộ có trình độ phù hợp tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng cho họ.
Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm còn thực hiện TGPL tại 44 xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện Đầm Hà, Ba Chẽ, Đông Triều, Bình Liêu cho hơn 3.000 người tham dự, thực hiện tư vấn pháp luật trực tiếp cho người thuộc diện TGPL khi có yêu cầu. Sau mỗi buổi TGPL tại địa phương, đoàn công tác đều làm việc với lãnh đạo UBND cấp xã để trao đổi những vấn đề còn vướng mắc, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp được hưởng theo quy định của pháp luật; qua đó kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Hình thức trợ giúp pháp lý mà Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh thực hiện là tham gia tố tụng, tư vấn, đại diện ngoài tố tụng, thực hiện TGPL... Điều này đã bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp. Từ năm 2020 đến hết tháng 3 năm 2021, Trung tâm đã thụ lý 193 vụ việc, trong đó tư vấn 46 vụ việc, tham gia tố tụng để bào chữa 97 vụ việc, tham gia tố tụng để bảo vệ 44 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 6 vụ việc. Các vụ việc TGPL được thụ lý và giải quyết đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Người được trợ giúp hài lòng về kết quả TGPL, thủ tục và cách thức thực hiện vụ việc.
Việc TGPL được tăng cường trong thời gian qua đã góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ được các tình tiết khách quan của vụ án, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo là những người thuộc diện trợ giúp pháp lý, trong đó có những đối tượng yếu thế. Tư vấn kịp thời với các cơ quan nhà nước trong các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện... Trên cơ sở đó, góp phần giúp các cơ quan tố tụng, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đồng thời giúp cơ quan chức năng giải quyết vụ việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người yếu thế theo đúng quy định của pháp luật.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()