Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 02:20 (GMT +7)
Trợ lực để HTX phát triển trong bối cảnh dịch Covid-19
Thứ 3, 15/03/2022 | 13:41:30 [GMT +7] A A
Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX và Luật HTX năm 2012, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Trên cơ sở đó, nhiều chính sách hỗ trợ được quan tâm xây dựng, triển khai, tạo động lực cho các HTX vươn lên phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Để có được kết quả đó, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển HTX như: Hỗ trợ lãi suất tiền vay, thành lập quỹ ứng dụng khoa học công nghệ, chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm", khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, kế hoạch đổi mới phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, áp dụng quy trình thực hành sản xuất theo VietGAP, nhất là việc tổ chức hoạt động sản xuất của các HTX, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; kết nối với hoạt động của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các vấn đề vướng mắc, tồn tại được xem xét giải quyết, tháo gỡ kịp thời tạo điều kiện để kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh phát triển.
Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh với vai trò nòng cốt đã tổ chức, triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực, chủ động như: Tập trung tuyên truyền cho người dân về sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, sản xuất sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng cao; vận động, hướng dẫn các HTX áp dụng tiến bộ khoa học và xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực cho tỉnh. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ HTX theo đúng nhu cầu, phù hợp với thực tế địa phương. Tập trung nguồn lực để hỗ trợ các mô hình HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm… Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các loại hình HTX, đặc biệt là đợt dịch bùng phát lần thứ tư, để chủ động hỗ trợ cho các HTX tiêu thụ sản phẩm, Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch, khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của tất cả HTX nông nghiệp để chủ động tìm kiếm, mở rộng kênh tiêu thụ, giới thiệu doanh nghiệp tới ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cho HTX…
Ngoài ra, các HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động liên kết với nhau, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa và được Sở Công Thương hỗ trợ tìm kiếm thị trường, kết nối đưa các sản phẩm vào tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, khách sạn, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Hiện đã có nhiều HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa được sở, ngành, địa phương tôn vinh, điển hình như: HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, HTX Sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Bình Dương, HTX Sản xuất và dịch vụ công nghiệp Phú Hải (TX Đông Triều); HTX Nông dược xanh tinh hoa (TP Hạ Long)...
Với nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; xuất hiện thêm nhiều mô hình mới hoạt động hiệu quả. Tính từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực đến nay, tỉnh có thêm 395 HTX thành lập mới, nâng tổng số HTX trên địa bàn toàn tỉnh lên 628 HTX, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 61,6%, thu hút 54.790 thành viên tham gia. Các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động đa dạng về ngành nghề và địa bàn hoạt động, tuân thủ những quy định của Luật HTX năm 2012. Qua đó, đã hình thành mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa quy mô lớn có sức lan tỏa. Bình quân 1 HTX có doanh thu 600 triệu đồng/năm, gấp 5 lần so với năm 2003 và thu nhập bình quân thành viên, người lao động trong HTX đạt khoảng 69 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 7 lần so với năm 2003, đóng góp của kinh tế tập thể, HTX vào GRDP của tỉnh đạt 1,2%.
Mặc dù đã đạt được những kết quả khá tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, việc phát triển các HTX hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, vẫn có nhiều HTX ở trong tình trạng khó khăn, yếu kém kéo dài, năng lực nội tại còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu, không đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Còn có HTX hoạt động không đúng với nguyên tắc, chưa tuân thủ đầy đủ quy định của Luật HTX năm 2012. Bên cạnh đó, các HTX còn thiếu sự chủ động liên doanh, liên kết, hợp tác với các thành viên và hộ nông dân trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ…
Để từng bước khắc phục những hạn chế này, phát triển các HTX gắn với sự phát triển công nghiệp và đô thị, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh cần phối hợp với các ngành tiếp tục tham mưu, đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ riêng biệt cho HTX dựa trên nhu cầu thực tiễn. Đặc biệt, tập trung hỗ trợ xây dựng 10 HTX điểm kiểu mới hiệu quả theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 3/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các HTX nắm bắt nội dung; cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục giúp nhiều HTX tiếp cận được chính sách. Thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình thụ hưởng chính sách tại cơ sở đúng quy định và phát huy hiệu quả... Qua đó, tiếp sức cho các HTX vượt qua khó khăn do dịch bệnh, khơi dậy hết tiềm năng, tạo dựng vị thế của kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trước mắt, trong năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu thành lập mới 30 HTX, 10-15 tổ hợp tác với số thành viên tham gia kinh tế tập thể tăng 2-3%. Đồng thời, cải thiện thu nhập của lao động trong HTX lên 72 triệu đồng/người/năm, tổ hợp tác lên 45 triệu đồng/người/năm; hỗ trợ 8-10 HTX được tham gia các nguồn vốn vay; đề xuất lựa chọn 5 mô hình HTX đại diện các lĩnh vực, địa phương có điều kiện để phát triển mở rộng.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()