Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 04:17 (GMT +7)
Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật HTX
Thứ 3, 15/02/2022 | 13:43:30 [GMT +7] A A
Ngày 15/2, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về kinh tế tập thể (KTTT) và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, chủ trì hội nghị. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, cơ quan Trung ương. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực KTTT đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.
Luật HTX năm 2012 là khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực HTX. Các HTX bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, cho thấy những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển HTX. Đến ngày 31/12/2021, cả nước có trên 27.000 HTX, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013.
Những năm gần đây, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% tương ứng năm 2019.
Tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, xác định nông nghiệp, nông thôn và nông dân là một trong những lĩnh vực, lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh. Trên cơ sở Nghị quyết 13, nhất là từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quy hoạch, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, KTTT, nhằm hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, áp dụng quy trình thực hành sản xuất theo VietGAP, nhất là việc tổ chức hoạt động sản xuất của các HTX, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; kết nối với hoạt động của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các vấn đề vướng mắc, tồn tại được xem xét giải quyết, tháo gỡ kịp thời tạo điều kiện để KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh phát triển.
Từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực đến nay, tỉnh có thêm 395 HTX thành lập mới, nâng tổng số HTX trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay là 628 HTX, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 61,6%, thu hút 54.790 thành viên tham gia. Các tổ chức KTTT hoạt động đa dạng về ngành nghề và địa bàn hoạt động, tuân thủ những quy định của Luật HTX năm 2012. Qua đó, đã hình thành mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa quy mô lớn có sức lan tỏa. Bình quân 1 HTX có doanh thu 600 triệu đồng/năm, gấp 5 lần so với năm 2003 và thu nhập bình quân thành viên, người lao động trong HTX đạt khoảng 69 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 7 lần so với năm 2003.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng và khẳng định vai trò, tiềm năng, dư địa, không gian phát triển của KTTT và HTX, nhất là HTX nông nghiệp còn rất lớn.
Chỉ đạo những nhiệm vụ, định hướng trọng tâm trong thời gian tới để phát triển KTTT và kinh tế HTX, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình mới và thực tiễn ở Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện thể chế và tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế theo hướng tôn trọng kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Vận dụng sáng tạo, khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số trong chuyển đổi nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức; huy động mọi nguồn lực hợp pháp để phát triển, nhất là hợp tác công - tư. Đặc biệt cần tổng kết, xây dựng được mô hình quản trị KTTT và kinh tế HTX tiên tiến, kết hợp được mô hình truyền thống phù hợp với tình hình Việt Nam cũng như kinh nghiệm của quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, gắn với mở rộng thị trường; tăng cường liên doanh, liên kết; xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi, thế mạnh từng khu vực, vùng miền; quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý; nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ và người tham gia.
Đặc biệt, với tinh thần lấy nông dân làm trung tâm, lấy nông thôn là nền tảng, lấy nông nghiệp làm động lực, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò của các HTX trong nông nghiệp. Do đó, cần xây dựng được các HTX nông nghiệp khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt, tự phát trong thời gian vừa qua; qua đó xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm theo đường chính ngạch mới nhằm tạo đầu ra ổn định.
Cũng tại hội nghị, các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW đã được biểu dương, khen thưởng.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()