Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 11:42 (GMT +7)
Trồng thử nghiệm cây dừa nước tại Quảng Ninh
Thứ 2, 17/08/2015 | 05:26:43 [GMT +7] A A
Giải pháp Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây dừa nước từ huyện Đại Bình, tỉnh Bến Tre về trồng và phát triển tại tỉnh Quảng Ninh là giải pháp của Tiến sĩ Hoàng Công Đãng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT và tác giả Đỗ Thanh Vân, cán bộ Trung tâm KH&SX Lâm nông nghiệp, tham gia Hội thi STKT tỉnh lần thứ V.
Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế biển đảo mà nhiều địa phương khác không có được. Vùng biển nơi đây không những là nơi nuôi dưỡng, sinh sản của nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, mà còn là nơi có nhiều hệ sinh thái cửa sông, ven biển quan trọng với những cánh rừng ngập mặn (RNM) - “bức tường xanh” bảo vệ hệ thống đê điều, đồng ruộng, ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, môi trường biển ngày càng bị ô nhiễm, diện tích RNM ngày càng bị thu hẹp do chất thải rắn, nước thải từ các khai trường khai thác than, các tàu thuyền, lồng bè nuôi thuỷ sản, tình trạng phá RNM để nuôi trồng thuỷ sản.
Tiến sĩ Hoàng Công Đãng đang kiểm tra các thông số về quá trình phát triển rừng dừa nước tại xã Sông Khoai (TX Quảng Yên). |
Đứng trước tình trạng này, ngay từ những năm 1997 của thế kỷ trước, tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình trồng và khôi phục RNM trên địa bàn tỉnh bằng các nguồn vốn của dự án PAM 5325, Dự án 661, Hội Chữ thập đỏ... với tổng diện tích RNM mới trồng được trên 2.400ha.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Hoàng Công Đãng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ông và nhiều đồng nghiệp đã có hàng chục năm gắn bó với dự án trồng RNM và dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, đưa nhiều giống cây vào trồng như: Trang, đước vòi, vẹt dù, sú, bần chua, mắm biển để tạo ra những RNM. Nhằm mục đích đa dạng hoá cây trồng ở vùng ngập mặn, năm 1994, ông và các đồng nghiệp đã xây dựng giải pháp tiến hành trồng thử nghiệm một số cây sinh sống ở vùng ngập mặn có nguồn gốc từ miền Nam như: Dừa nước, đước đôi, dà quánh, bần ổi... ở một số địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, do không phù hợp với thời tiết, giá lạnh, sương muối, nên các loại cây này không thể thích nghi.
Không nản lòng, Tiến sĩ Hoàng Công Đãng và đồng nghiệp đã bỏ ra nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, tìm hiểu và đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến thất bại của việc trồng cây dừa nước và một số cây khác. Đó là do khí hậu miền Bắc quá lạnh, lại có sương muối, trong khi cây dừa nước thích hợp với khí hậu nóng. Đến cuối năm 1995, sau khi vận chuyển một số lượng cây dừa nước giống từ huyện Đại Bình, tỉnh Bến Tre về Quảng Ninh, nhóm tác giả đã tiến hành ươm cây dừa con trong nhà kính tại Trung tâm KH&SX Lâm nông nghiệp, nhằm điều chỉnh nhiệt độ để cây thích nghi dần, sau đó chuyển cây dừa nước ra vườn ươm ngoài trời và tiếp tục theo dõi. Đến năm 1997, cây dừa nước được đem trồng tại vùng đất ngập mặn bãi triều thuộc xã Sông Khoai, TX Quảng Yên. Ở đây, cây dừa nước đã thích ứng với môi trường, khí hậu và sinh trưởng tốt.
Nói thì nghe có vẻ đơn giản, nhưng để có được những vạt rừng dừa rộng hơn 1ha xanh ngút tầm mắt với những buồng sai trĩu quả như hôm nay là cả một quá trình mất hơn 10 năm nghiên cứu sự sinh trưởng, phát triển của cây dừa nước của nhóm tác giả. Đến năm 2013, nhóm tác giả tiếp tục thành công trong việc gieo quả dừa nước thành công, tạo ra cây dừa nước giống sinh trưởng tốt ở đồng đất nơi đây.
Thành công với giải pháp Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây dừa nước từ huyện Đại Bình, tỉnh Bến Tre về trồng và phát triển tại tỉnh Quảng Ninh của nhóm tác giả đã đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Cây dừa nước là cây có giá trị ở nhiều mặt, tất cả mọi bộ phận cây dừa đều có giá trị sử dụng cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Cây dừa nước có giá trị rất lớn trong việc chống xói lở bờ sông, bảo vệ đê điều và là bức tường bảo vệ vùng cửa sông, cửa biển ngăn chặn sự tàn phá của gió, bão, nước biển dâng. Cùng với đó, cuống lá cây dừa nước dùng để sản xuất thành ván sợi ép, làm vật liệu xây dựng nhà; rễ và chồi non của cây dừa nước chế biến thành thuốc chữa vết thương, mụn nhọt; nhựa lấy từ buồng hoa và quả cây dừa nước dùng để sản xuất ra giấm, nước giải khát, đường...
Giải pháp lần đầu tiên được triển khai đạt kết quả đã góp phần làm đa dạng hoá loài cây trồng tại địa phương, cũng như các tỉnh miền Bắc. Đồng thời, đây cũng là kết quả nghiên cứu khoa học một cách bài bản, công phu đầu tiên trong cả nước về việc đưa loài cây dừa nước từ vùng khí hậu nóng ra vùng có nhiệt độ lạnh. Từ cánh rừng dừa nước tại xã Sông Khoai là tiền đề để nhân rộng thêm những cánh rừng dừa nước trong tương lai không xa, sẽ góp phần quan trọng trong việc khôi phục và phát triển bền vững hệ sinh thái RNM ven biển, bảo vệ cảnh quan, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động ở địa phương.
Phạm Hoạch
Liên kết website
Ý kiến ()