Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 05:22 (GMT +7)
Một chặng đường nhiều thành quả
Thứ 5, 03/09/2015 | 14:29:27 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào thi đua yêu nước, cả trong những năm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước. Truyền thống đó càng được phát huy trong thời kỳ đổi mới, nhờ đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội...
Không ngừng đổi mới để phù hợp với thực tiễn
Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2010 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn thử thách, song phát huy truyền thống thi đua ái quốc, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự điều hành có hiệu quả của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới tích cực.
Sản xuất ngói tại Công ty CP Viglacera Hạ Long. Ảnh: Thanh Hằng |
Điều này được thể hiện ở việc, bên cạnh triển khai các phong trào thi đua do cấp trên phát động, các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn đã phát động thi đua theo đợt, theo chuyên đề và theo đặc thù nhiệm vụ riêng. Công tác tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua ngày càng chặt chẽ, thiết thực và hiệu quả. Nội dung các phong trào thi đua phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tế của địa phương, hoạt động của cơ quan, đơn vị, sát với từng ngành, từng giới. Hình thức phát động phong trào thi đua ngắn gọn và thiết thực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực.
Đặc biệt để các phong trào thi đua được đảm bảo triển khai đúng hướng, hàng năm hoặc từng đợt, từng phong trào thi đua, Quảng Ninh đều có hướng dẫn với các biểu điểm, các tiêu chuẩn thi đua cụ thể. Định kỳ cứ đầu năm, tỉnh tiến hành tổng kết công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương đơn vị tiên tiến, trong đó chú trọng khen thưởng kịp thời người lao động trực tiếp, quần chúng nhân dân, đối tượng thuộc khối kinh tế ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thành tích; đồng thời phát động các phong trào thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn trong năm. Cùng với đó, công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong các lĩnh vực cũng được các ngành, các cấp quan tâm; nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua đã được biểu dương, nêu gương để mọi người học tập, noi theo.
Động lực phát triển
Nhờ quan tâm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, hướng các phong trào thi đua, cuộc vận động tới mục tiêu tham gia giải quyết hiệu quả những vấn đề thiết thực của cuộc sống nên luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, tạo ra không khí thi đua sôi nổi ở các địa phương, đơn vị, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.
Phong trào mang tầm ảnh hưởng, lan toả và có ý nghĩa thiết thực nhất trong giai đoạn này phải kể đến là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, chuyển mạnh từ “học tập” sang “làm theo” Bác, Quảng Ninh đã mạnh dạn nhìn nhận những yếu kém, hạn chế kìm hãm sự phát triển của tỉnh những năm qua để triển khai hàng loạt các giải pháp sáng tạo, đổi mới, đột phá tạo ra sự phát triển mạnh mẽ. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá, thu ngân sách của tỉnh luôn đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước; phương thức phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh” đạt kết quả tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế giáo dục, an sinh xã hội… ngày càng được quan tâm và có bước tiến bộ vượt bậc. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến nay chỉ còn 1,77%, là một trong 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước đưa điện lưới quốc gia đến tận thôn, khu, khe, bản ở đất liền, ra huyện đảo Cô Tô và các xã đảo của huyện Vân Đồn bằng nguồn ngân sách tiết kiệm và xã hội hoá. Quốc phòng an ninh được tăng cường; chủ quyền biên giới biển đảo được giữ vững; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng, vị thế của Quảng Ninh được nâng cao…
Cũng ghi dấu ấn đặc biệt quan trọng trong những năm gần đây đó là phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào thi đua giành danh hiệu “Xã nông thôn mới - Phường, thị trấn văn hoá”. Để tạo sức bật cho phong trào cũng như hướng tới mục tiêu năm 2015, Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, theo hướng hiện đại, ngày 27-10-2010 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong một nhiệm kỳ mới thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cấp uỷ, chính quyền đối với khu vực nông thôn - nông nghiệp và nông dân Quảng Ninh. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết đã tạo được không khí xây dựng nông thôn mới trên khắp vùng nông thôn Quảng Ninh, bộ mặt nông thôn thay đổi mạnh mẽ, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, nhiều mục tiêu quan trọng của Chương trình đã được triển khai và có kết quả bước đầu, một số chỉ tiêu của tỉnh đạt được cao hơn so với toàn quốc, được Trung ương đánh giá, ghi nhận là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới với nhiều mô hình sáng tạo riêng có. Trong đó nổi bật như mô hình “Hỗ trợ vật liệu đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn”, “Doanh nghiệp đồng hành xây dựng nông thôn mới”, “Quảng Ninh mỗi xã, phường một sản phẩm”...
Nhiều dấu ấn đặc biệt
Những năm qua, không chỉ riêng các phong trào thi đua mang tính toàn diện của tỉnh mà các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện phát động các phong trào thi đua, xây dựng tiêu chí thi đua phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi ngành, địa phương đảm bảo đúng quy định, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. |
Ở Quảng Ninh những năm qua, không chỉ riêng các phong trào thi đua mang tính toàn diện của tỉnh mà các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện phát động các phong trào thi đua, xây dựng tiêu chí thi đua phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi ngành, địa phương đảm bảo đúng quy định, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nổi bật như phong trào “Thi đua quyết thắng” của lực lượng vũ trang và phong trào “Vì an ninh Tổ quốc” của lực lượng Công an đã kết hợp chặt chẽ với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; phong trào “Xây dựng khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp không có tội phạm về tệ nạn xã hội” tạo thành sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự ngay từ cơ sở, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã thu hút, tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Qua triển khai thực hiện phong trào thi đua, nhiều tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo và rút ra nhiều kinh nghiệm, được triển khai nhân rộng. Cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để “khéo” tập hợp, “khéo” vận động, tập trung vào giải quyết những việc khó, những việc mới phát sinh; xác định nội dung và lựa chọn hình thức phát động thi đua phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị. Qua các năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có sự chuyển biến cả về chất lượng và số lượng, trong 5 năm qua đã có 5.785 điển hình dân vận khéo các cấp. Nhiều mô hình có tính bền vững, sức lan toả cao và có ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cùng với đó, các phong trào thi đua trong ngành than như: “Phấn đấu đạt năng suất kỷ lục”, “An toàn - Ổn định - Hiệu quả - Phát triển” đem lại hiệu quả tích cực trong lao động, sản xuất; ngành Giáo dục - Đào tạo hưởng ứng mạnh mẽ phong trào chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích bằng việc triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động “Hai không”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”…; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với các phong trào thi đua như “Phất cao cờ hồng tháng Tám”, “Sáng mãi Điện Biên”, “Luyện giỏi, rèn nghiêm, an toàn mọi mặt”; Bộ đội Biên phòng tỉnh với phong trào “3 đỉnh cao quyết thắng” thi đua hoàn thành nhiệm bảo vệ an ninh biên giới; Công an tỉnh với các phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì dân phục vụ”; Hội Phụ nữ tỉnh với phong trào“Xây dựng tổ chức Hội tiên tiến xuất sắc và Phụ nữ tiên tiến tiêu biểu trong các cấp Hội Phụ nữ”… Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã phát động, tổ chức được nhiều phong trào thi đua sôi nổi với nội dung và biện pháp thiết thực, có tác dụng, hiệu quả rõ nét trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Đặc biệt, để các phong trào thi đua bám sát với từng thời kỳ cũng như các sự kiện, tỉnh cũng rất quan tâm phát động các đợt thi đua mang tính đặc biệt, đặc thù. Tiêu biểu như những tháng gần đây Quảng Ninh đã phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2015, chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020. Đồng thời quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước được phát động từ trước với nội dung, tiêu chí, hình thức được đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Qua đó đã thu hút sự tham gia sôi nổi, rộng khắp của các cấp, các ngành, các đơn vị, cá nhân, như phong trào thi đua: “Phát huy nội lực, lao động sáng tạo, xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; “Ngày Vì người nghèo”; “Đền ơn đáp nghĩa”; “Già làng, trưởng bản tiên tiến tiêu biểu”…
Có thể thấy rằng các phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua không chỉ có hiệu quả rõ nét trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… mà còn bồi dưỡng và xây dựng được các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong nhiều lĩnh vực; đóng góp tích cực vào việc thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()