Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:34 (GMT +7)
Trung Quốc trình làng phương pháp mới sản xuất nước trên bề mặt Mặt Trăng
Thứ 4, 28/08/2024 | 11:11:22 [GMT +7] A A
Tàu Thường Nga 5 của Trung Quốc là tàu vũ trụ đầu tiên đưa các mẫu đất Mặt Trăng về Trái Đất sau hơn bốn thập kỷ.
Theo đài phát thanh Sputnik, các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm ra phương pháp thu được nước từ bề mặt Mặt Trăng. Phương pháp mới này chỉ được thử nghiệm trên các mẫu đất Mặt Trăng được mang về từ tàu vũ trụ Thường Nga 5 và mở ra khả năng cho những người sống trên căn cứ Mặt Trăng tương lai uống trực tiếp nước lấy từ đó.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Innovation, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các mẫu đất Mặt Trăng có nồng độ hydro, oxy và các nguyên tố khác cao. Khi được đun nóng đến nhiệt độ qua 982 độ C, các nguyên tố trong các mẫu đó tạo ra hơi nước.
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) - những người tham gia vào nghiên cứu cùng với những người từ Viện Công nghệ và Kỹ thuật Vật liệu Ninh Ba - đã mô tả kỹ thuật này là "có tính thực tiễn cao".
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết kỹ thuật này có khả năng sản xuất tới 76 miligam nước từ 1 gam đất trên Mặt Trăng. Điều đó có nghĩa là một tấn đất có thể sản xuất ra khoảng 50 lít nước, đủ để 50 người uống trong một ngày. Khoáng vật oxit ilmenit tìm thấy trong đất, cũng như một số khoáng chất khác, có khả năng lưu trữ một lượng lớn hydro nhờ tiếp xúc với gió Mặt Trời trong hàng tỷ năm.
Giới khoa học đánh giá phát hiện này rất hứa hẹn, song các nhà nghiên cứu cảnh báo sẽ phải thực hiện thêm các thử nghiệm khác để xem tính khả thi của phương pháp này trong thực tế, bao gồm phương pháp dùng gương cầu lõm hội tụ ánh sáng Mặt Trăng để làm tan đất trên Mặt Trăng.
Chỉ đến những năm gần đây, các nhà khoa học mới tìm thấy nước, băng và các phân tử nước chủ yếu nằm ở các cực Mặt Trăng tối và lạnh, nơi ánh sáng Mặt Trời không chiếu tới. Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng nước hoặc hydroxyl có thể bị mắc kẹt trong các hạt thủy tinh rải rác trên bề mặt Mặt Trăng, và gió Mặt Trời có thể biến đổi hydroxyl (công thức hóa học dạng OH) thành nước, hay H2O.
Tuy nhiên, đối với công nghệ hiện tại, việc chiết xuất nước trên Mặt Trăng vẫn là một thách thức hàng đầu. Các nhà khoa học đánh giá do địa hình núi đá hiểm trở, các cực của Mặt Trăng rất trở thành địa điểm khó khăn đối với con người trong việc khai thác nước. Bên cạnh đó, phân tử nước có thể không ổn định ở các khu vực khác nhau của Mặt Trăng và bốc hơi ở vĩ độ thấp hơn, khi nhiệt độ có thể vượt quá 100 độ C.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()