Thông tư 04 của Bộ Giao thông Vận tải quy định các trung tâm đào tạo phải đầu tư thiết bị cabin tập lái để học viên học từ đầu năm 2023. Học viên có tối thiểu bốn giờ thực hành các bài cơ bản như cách vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch.
Học viên cũng được thực hành bài tập nâng cao như đi trên đường đồi núi, cao tốc. Do tổng thời gian thực hành giữ nguyên nên học viên sau khi học cabin sẽ giảm thời gian tập trên sân. Học viên có đủ thời gian học trên cabin và số km thực hành trên đường mới được thi sát hạch lái xe.
Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) dự kiến phải đầu tư 20-30 cabin với hơn 10 tỷ đồng. Giám đốc Trung tâm Trần Văn Toản cho rằng hiệu quả sử dụng cabin tập lái chưa được chứng minh mà ngành giao thông yêu cầu các trung tâm đầu tư thiết bị đại trà là vội vàng, gây tốn kém. Do đó, ông kiến nghị lùi thời gian lắp đặt cabin tập lái và thí điểm tại một số trung tâm của nhà nước trước khi áp dụng.
"Người học trên cabin này giống như chơi game hơn là tập lái ôtô, trong khi học viên cần được thực hành trên ôtô thật để thay vì thiết bị mô phỏng", ông Toản nói.
Giám đốc Trung tâm Đông Đô cũng cho rằng, hiện nay, thí sinh học tập hay sát hạch được các thiết bị ghi lại và chấm điểm tự động minh bạch, chính xác. Chất lượng đào tạo khá tốt nên không cần thiết thay đổi chương trình, thiết bị gây tốn kém cho học viên.
Là trung tâm đào tạo hơn 3.000 học viên mỗi năm, Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Âu Lạc (Bắc Ninh) dự kiến phải đầu tư hơn 30 ca bin tập lái, mỗi cabin có giá 400 - 500 triệu đồng. Ông Nguyễn Thái Lĩnh, lãnh đạo trung tâm nói mỗi cabin tập lái có giá tương đương một ôtô, và đơn vị sẽ phải đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho thiết bị mới. Tuy nhiên, thời gian dịch bệnh vừa qua khiến nguồn thu của trung tâm giảm sút nên đơn vị rất khó khăn nếu phải đầu tư.
"Chúng tôi kiến nghị Tổng cục Đường bộ thí điểm lắp đặt cabin tập lái ở một vài trung tâm để đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng", ông Lĩnh nói.
Ý kiến ()