Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:42 (GMT +7)
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng tham gia ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Thứ 3, 04/06/2013 | 17:03:20 [GMT +7] A A
Ngày 3-6, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ mười hai. Các đại biểu thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, Đỗ Thị Hoàng đã có ý kiến tham gia.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng tham gia thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. |
... Thứ nhất: Tôi xin được đề cập tới chương "Chính quyền địa phương". Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp đổi tên chương IX- HÐND và UBND thành Chính quyền địa phương là hoàn toàn hợp lý. Cử tri và các tầng lớp nhân dân Quảng Ninh đánh giá cao việc bổ sung đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và đơn vị hành chính ở hải đảo vào khoản 1, Điều 115 quy định về đơn vị hành chính.
Nước ta là một quốc gia ven biển, chiều dài đất nước gắn liền với bờ biển, ngoài khơi xa là trên 6.000 hòn đảo lớn nhỏ, có giá trị đặc biệt cả về kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh đối ngoại và cả giá trị về lịch sử, giá trị tinh thần của dân tộc… Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải đang là vấn đề rất quan trọng, việc quy định riêng về đơn vị hành chính hải đảo là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong định hướng thiết kế về tổ chức chính quyền đặc thù, khác với mô hình tổ chức chính quyền trong đất liền;
Mô hình đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cũng đã được đề cập từ cuối thập niên 80-90 của thế kỷ trước, là mô hình cụ thể thể hiện đường lối phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước, được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng, Chính phủ như cương lĩnh xây dựng đất nước, Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản khác của Chính phủ. Thời gian qua, có một số mô hình kinh tế như khu nông nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mở, như Dung Quất, Chu Lai, Nghi Sơn… đã đi vào hoạt động và phát huy vai trò, hiệu quả.
Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, xu hướng thành lập và phát triển các loại hình khu kinh tế đặc biệt ngày càng gia tăng: Nếu năm 1975 mới chỉ có 665 khu được thành lập ở 19 quốc gia, thì đến nay con số này lên đến hơn 3.500 khu ở 135 nước, tạo ra hơn 68 triệu việc làm trực tiếp và thu được hơn 500 tỷ USD từ giá trị gia tăng liên quan đến thương mại.
Tuy nhiên, “đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt” trong Hiến pháp năm 1992 không quy định về quy mô, phạm vi, vị trí, tính chất đặc thù; mô hình tổ chức, địa vị pháp lý và mối quan hệ, chỉ được quy định một cấp, do Quốc hội thành lập hoặc giải thể. Mô hình này cũng chưa được cụ thể hóa trong các văn bản luật pháp khác. Do đó từ khi ban hành đến nay, Quốc hội chưa quyết định thành lập một đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt nào.
Tôi đề nghị cần bổ sung vào khoản 1, Điều 115 của Dự thảo về quy định đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Về tổ chức chính quyền, Dự thảo nêu hai phương án, chỉ dừng như phương án 1 hoặc nêu như phương án 2 tại Điều 115 của Dự thảo với các quy định về HĐND, UBND ở tất cả cấp hành chính cũng là chưa đầy đủ.
HÐND và UBND là hai bộ phận gắn kết với nhau trong một thiết chế chính quyền địa phương hoàn chỉnh, đã được Hiến định và Luật định đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước và thực hiện quyền lực của nhân dân ở địa phương. Tuy nhiên, quá trình tổng kết và góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cho thấy, cùng với việc chưa làm rõ khái niệm và mô hình tổ chức chính quyền địa phương, thì một trong những bất cập lớn nhất hiện nay là chưa có sự phân biệt một cách cơ bản giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Đô thị và nông thôn là 2 loại hình kinh tế - xã hội với những đặc trưng khác nhau về vị trí vai trò, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa giới hành chính, dân cư, cơ cấu kinh tế, trình độ phát triển, lối sống, văn hóa, vì vậy nội dung và hình thức tổ chức quản lý ở đô thị cũng cần phải có những đặc trưng khác với nông thôn.
Các quy định hiện hành về mô hình tổ chức, bộ máy và phương thức hoạt động của HĐND, UBND áp dụng chung cho tất cả các chính quyền địa phương trong cả nước. Hệ quả là có địa phương không phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình; có địa phương thì lại không đủ điều kiện để thực hiện chuẩn chung.
Do vậy, tôi đề nghị cần thiết phải có một điều khoản Hiến định phân biệt rõ ràng về chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn đồng thời có quy định về tổ chức chính quyền của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính ở hải đảo làm cơ sở cho luật định về thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương phù hợp với yêu cầu mới.
Liên quan đến Điều 115 về chính quyền địa phương, tôi cũng đề nghị bổ sung khoản 7, Điều 79 về nhiệm vụ, quyền hạn của UBTV Quốc hội: quyết định thành lập mới, giải thể đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính ở hải đảo thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Thứ hai: Về hoạt động của các cơ quan tư pháp, tôi đề nghị UBSĐHP cân nhắc việc quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại khoản 7, Điều 75 về "phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao" vì số lượng của thẩm phán là rất lớn từ 170-200 người. Ở một vài nhiệm kỳ trước vẫn có tình trạng chậm bổ sung đủ số lượng thẩm phán tòa án các cấp, trong đó có cả thẩm phán TAND Tối cao, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác xét xử, mà nguyên nhân một phần là do quy trình, thủ tục. Nay nếu việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với thẩm phán TAND Tối cao phải do Quốc Hội phê chuẩn, thì e rằng quá chặt chẽ không cần thiết, dễ dẫn đến hình thức và không kịp thời.
Nên chăng, chỉ quy định Quốc hội bầu Chánh án TAND Tối cao và phê chuẩn Hội đồng thẩm phán bao gồm chánh án, các phó chánh án, các chánh tòa chuyên trách và một số thẩm phán theo luật định (hiện nay là không quá 17 người theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân). Việc này cũng phù với việc Quốc hội phê chuẩn các thành viên Chính phủ, bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội và giao UBTV Quốc hội phê chuẩn các phó chủ nhiệm và ủy viên; thể hiện sự cân đối giữa hành pháp với tư pháp, lập pháp.
Liên kết website
Ý kiến ()