Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:08 (GMT +7)
Trường THPT Cẩm Phả - Ký ức một thời...
Chủ nhật, 15/11/2015 | 11:26:33 [GMT +7] A A
Thành lập năm 1956, ngay sau ngày giải phóng, có thể nói Trường THPT Cẩm Phả đã góp một phần không nhỏ trong sự nghiệp giáo dục của Vùng mỏ suốt chẳng đường 60 năm qua. Trong quãng thời gian ấy, ngôi trường bên bờ Vịnh Bái Tử Long này đã lưu giữ biết bao câu chuyện buồn, vui, xúc động...
Học sinh lớp 10 năm học 1964-1965. (Ảnh tư liệu của trường) |
Thầy Hiệu trưởng và “đội quân chân đất”...
Thầy Đào Duy Hưng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, đưa cho chúng tôi xem những trang viết đã úa màu thời gian được viết từ khoảng 10 năm trước đây. Đó là hồi ức của thầy Thái Minh Hải, nguyên Hiệu trưởng nhà trường những năm từ 1958 đến 1961.
Theo những gì thầy Hải viết thì trường lúc đó gần như đi lên từ con số không. Năm 1956, cả trường chỉ có một lớp 5, tới năm học 1958-1959 mới có thêm hai lớp 5, một lớp 6 và một lớp 7. Cơ sở vật chất của trường còn rất thiếu thốn, phải học nhờ phòng học của Trường cấp I. Thậm chí, vì thiếu giáo viên, thầy Hiệu trưởng Tống Ngọc Quý, vốn là một giáo viên khoa học tự nhiên, nhưng ngoài công tác quản lý, còn phải dạy kiêm luôn cả các môn… văn, sử, địa.
Đọc những trang hồi ký của thầy Tống Ngọc Quý mà thấy thật xúc động. Thầy viết: “Để đảm bảo dạy văn được, tôi đã thống nhất kế hoạch với anh Thái Minh Hải, giáo viên khoa học xã hội ở Hòn Gai, người cùng đoàn khu học xá với tôi, cứ hai tuần một lần, sáng chủ nhật tôi đi từ Cẩm Phả đến Trường cấp II Hòn Gai nhờ anh Hải bồi dưỡng cho các bài văn của 2 tuần tới, tôi ghi chép toàn bộ giáo án môn văn của 2 tiết, trao đổi những thắc mắc để có thể nắm vững bài giảng… Nói cách khác, tôi đã phải học văn để dạy văn…”.
Sau đó, thầy Quý chuyển đi nhận công tác mới, thầy Hải về thay thầy Quý làm Hiệu trưởng và điều kiện cơ sở vật chất vẫn đang rất nhiều khó khăn. Nhà trường không có văn phòng, không có phòng thí nghiệm… Đến năm học 1960-1961 trường có thêm một lớp 8. Trong những năm này, thầy Hải cùng giáo viên và học sinh của trường hình thành một “đội quân” xây dựng, trồng trọt tăng gia sản xuất. Mọi người thường gọi thầy trò nhà trường là “đội quân chân đất” vì rất đông các em học sinh đến dép chẳng có mà đi. Đội quân này hăng hái trồng rau cao sản, ươm xoan, lim, trồng dứa, tham gia xưởng cơ khí, làm nghề điêu khắc than đá v.v..
Trong “Đội quân chân đất”, trường tuyển chọn và thành lập các “đội bóng đá chân đất” thường xuyên luyện tập, tổ chức thi đấu với nhau. Chính từ những “đội bóng chân đất” ấy đã sản sinh ra nhiều cầu thủ của Đội Than Quảng Ninh sau này.
Không chỉ có bóng đá mà nhiều bộ môn thể thao khác của trường cũng rất mạnh. Trường đã ba năm liền đạt huy chương vàng về cá nhân và đồng đội môn bắn súng toàn quốc từ những năm 1966-1969. Ở môn cờ vua, trường đã có thầy Nguyễn Mạnh Hùng thi đấu xếp thứ 5 toàn quốc. Nhiều học sinh của trường đạt các huy chương toàn quốc trong các môn thể thao khác nhau, như Đại kiện tướng cờ vua Nguyễn Anh Dũng, Kiện tướng cờ vua cấp quốc tế Phạm Thị Thanh, hay các VĐV Nguyễn Ngọc Thi, Vũ Gia Môn, Phạm Đình Nhuận v.v..
Từ trong hoạt động vừa học tập vừa dựng xây đó, sau này, nhiều học sinh của trường đã trở thành thợ lành nghề bậc cao, kỹ sư, cán bộ lãnh đạo các công ty, xí nghiệp, vận động viên thể thao, tuyển thủ quốc gia, sĩ quan quân đội, anh hùng liệt sĩ...
Trường THPT Cẩm Phả hôm nay. |
Giáo viên ở trong ống cống...
Những khó khăn của thầy và trò nhà trường còn kéo dài mãi nhiều năm sau đó. Về nghỉ hưu được 10 năm rồi, nhưng cô Phạm Thị Đũi, người có thâm niên 33 năm công tác tại trường, tâm sự với tôi, rằng nhìn lại những tháng ngày đó, cô cứ ngỡ như mới ngày hôm qua thôi. Mỗi lần có dịp đi ngang qua cổng trường, lòng cô lại trào dâng nỗi niềm lâng lâng khó tả. Cô nhớ lớp, nhớ trò nhớ đồng nghiệp vô cùng. Những lúc ấy, ký ức vốn lại trở về nguyên vẹn trong cô… Cô kể cho tôi nghe về những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, khi cô giáo trẻ Phạm Thị Đũi vừa tốt nghiệp Trường Đại học Việt Bắc và được phân công về đây giảng dạy.
“- Đó là những năm tháng thật khó khăn, vất vả” - cô giáo Phạm Thị Đũi mở đầu câu chuyện về cái thời son trẻ. Cô kể về những tháng ngày sơ tán của giáo viên, học sinh nhà trường lên khu rừng Léc Mỹ. Thầy trò phải đi tìm địa điểm để làm các phòng học sơ tán, làm lán cho giáo viên. Tranh tre, gỗ được chặt để làm phòng học dưới tán cây rừng. Nhưng tất cả những gian khổ, vất vả, muỗi, vắt, mưa rừng và cả rắn rết cũng không đáng sợ bằng tiếng gầm rít xé tai của máy bay Mỹ. Đã thế học sinh cơm chẳng đủ ăn, áo chẳng đủ mặc cuốc bộ mỏi chân đến trường… Đã thế, phòng học là các lán trại đơn sơ, tạm bợ nên phần thì bị bom đạn tàn phá, phần thì mục nát… Cô Đũi cùng các đồng nghiệp có thời gian phải sống trong một cái ống cống của Mỏ than Cọc Sáu cao chừng 2m. Bên dưới kê cái sạp gỗ để nằm. Ngày mưa lũ, dưới sạp gỗ nước cứ thế chảy róc rách… “Thế nhưng chúng tôi không ai kêu ca than vãn. Nằm nghe nước chảy vẫn cứ ca hát yêu đời” - cô Đũi cười.
Vất vả là thế nhưng giáo viên như các cô thời đó chẳng nghĩ đến mình mà chỉ lo cho học trò. Họ lo các em khó khăn quá bỏ học, lo các em không có sách giáo khoa để dùng, lo trò thiếu bút, thiếu mực thiếu vở để viết, lo cuối buổi học các em đói bụng lả đi v.v.. Cái thời sơ tán ấy làm cô trò gắn bó với nhau hơn. Sau này, khi những năm tháng chiến tranh ác liệt qua đi, được ra khỏi “ngôi nhà ống cống” trở về trường cũ, nhiều người không khỏi bâng khuâng. Cô Lê Thị Lương, đồng nghiệp với cô Đũi thời đó kể lại: “Tháng 1-1973, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Sau bài dạy, tôi nói với các em: Các em ạ, đây là tiết học cuối cùng của chúng ta ở nơi sơ tán, ngày mai chúng ta sẽ trở về trường cũ. Không khí lớp học lặng đi giây lát rồi tất cả oà khóc. Thầy khóc, trò khóc, con gái khóc, con trai cũng khóc, ôm lấy nhau mà khóc, khóc vì hạnh phúc”…
Việc dạy và học bằng các thiết bị công nghệ thông tin đã được áp dụng phổ biến ở Trường THPT Cẩm Phả. |
Và hôm nay...
Sau những ngày tháng sơ tán, trở về trường cũ, những bài giảng cứ cuốn đi để rồi mái đầu cô Lương, cô Đũi và nhiều thầy cô dạo ấy bạc lúc nào cũng không hay biết nữa. Vậy là đã hơn 30 năm thuỷ chung với mái trường này… Giờ nhìn lại những ngày năm xưa, cô Đũi bùi ngùi nhớ. Cô bảo những vất vả khó khăn của một thời ấy qua đi để cho hôm nay tươi sáng hơn. Nếu so sánh bây giờ và ngày ấy thì khác nhau một trời một vực. Trường bây giờ khang trang hơn, khuôn viên mở rộng hơn trước. Phòng học được thiết kế hiện đại hơn, các phương tiện dạy và học cũng đầy đủ hơn, khoa học hơn. Thậm chí nhìn các phòng học đều được lắp đặt điều hoà nhiệt độ, máy chiếu, màn hình tivi, hệ thống Internet, lớp giáo viên cũ như cô đến mơ cũng chưa bao giờ nghĩ tới. Hệ thống phòng học đa năng, nhà đa năng và sân giáo dục thể chất được trang bị đồng bộ. Cô Đũi, cô Lương mừng vì thế hệ giáo viên kế cận đã làm chủ được phương tiện dạy học hiện đại. Nhờ đó, nhiều thầy, cô giáo trưởng thành từ trường chuyển công tác đến nơi khác đã trở thành giáo viên xuất sắc, rất vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ sư phạm...
Nói về độ nhạy bén với cái mới thì học trò bây giờ còn nhanh hơn lớp ngày xưa rất nhiều. Thầy Đào Duy Hưng, Phó Hiệu trưởng, cho biết: Gần 60 năm qua, trường đã đào tạo được gần 40 ngàn học sinh có đạo đức, tài năng, là những công dân tốt phục vụ đất nước, trong đó nhiều người là nhà quản lý, người lao động giỏi, văn nghệ sĩ thành danh, nhà khoa học v.v.. Không chỉ trong thời kỳ đào tạo chuyên ban, mà hầu như giai đoạn nào cũng vậy, trường luôn có tỷ lệ học sinh đỗ đại học rất cao. So với năm 2005, tỷ lệ học sinh của nhà trường thi đỗ vào các trường đại học năm 2015 tăng gấp 3 lần, là một trong các trường có số lượng học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng dẫn đầu tỉnh Quảng Ninh. Hàng năm nhà trường đều có học sinh giỏi cấp quốc gia và luôn dẫn đầu về số lượng và chất lượng giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Đặc biệt, THPT Cẩm Phả là trường đầu tiên và duy nhất hiện nay của tỉnh Quảng Ninh có học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc tế và có học sinh được công nhận Đại kiện tướng quốc tế môn cờ vua. Năm học 2014-2015, trường có 2 học sinh được công nhận kiện tướng quốc gia môn cờ tướng. Những năm gần đây, Trường THPT Cẩm Phả luôn dẫn đầu trong các phong trào thi đua, là trường phổ thông đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh được Nhà nước tặng thưởng trọn bộ Huân chương Lao động (hạng Ba năm 1979, hạng Nhì năm 1989 và hạng Nhất năm 1995), tặng thưởng Huân chương Độc lập và đặc biệt là danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Những thành tích ấy đã làm nên truyền thống vẻ vang của một ngôi trường trên đất mỏn
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()