Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 05:54 (GMT +7)
Trường THPT Ngô Quyền (TP Hạ Long): 40 năm xây dựng và phát triển
Thứ 7, 10/11/2018 | 12:16:40 [GMT +7] A A
Trường THPT Ngô Quyền tiền thân là Trường Cấp 3 Hà Lầm – một ngôi trường được tách ra từ Trường Cấp 3 Hòn Gai để đáp ứng nhu cầu học tập của con em cán bộ công nhân mỏ, nhân dân địa phương của các phường Hà Lầm, Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Khánh, Hà Trung và các vùng lân cận trên địa bàn thành phố Hạ Long. Sau 40 năm thành lập và phát triển, ngôi trường này đã trở thành “cái nôi” đào tạo ra rất nhiều lứa học sinh ưu tú, thành đạt.
Thầy Đặng Việt Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, TP Hạ Long. |
Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Đặng Việt Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền cho biết: “Ngày mới thành lập, nhà trường chỉ có 485 học sinh với 10 lớp học. Ngôi trường được đặt trên một triền đồi tại khu vực phường Hà Lầm. Thời gian này, điều kiện làm việc và học tập vô cùng thiếu thốn, trường chỉ có 4 ngôi nhà học cũ kỹ, tranh, tre, mái dầu. Bàn ghế do thế hệ những học sinh khóa đầu chuyển từ Trường Cấp 3 Hòn Gai về để phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Năm 1990, trường chuyển sang địa điểm mới, đổi tên thành Trường THPT Ngô Quyền, tên người anh hùng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Quy mô lớp học tăng dần từ 15 lớp, 18 lớp, 21 lớp theo sự phát triển nhanh của dân số cũng như học sinh trong độ tuổi đến trường”.
Cũng theo thầy Phương, giai đoạn những năm 1990, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của TP Hạ Long nói riêng đã có bước phát triển, nhưng điều kiện dạy và học vẫn còn hết sức khó khăn. Phòng làm việc và khu học tập của học trò hết sức sơ sài, chắp vá. Đặc biệt, vào năm 1997, do thời tiết mưa bão nhiều đã làm toàn bộ khu văn phòng của Trường bị đổ sập. Tủ hồ sơ, sổ điểm lớn, các loại hồ sơ quản lý của nhà trường cùng nhiều trang thiết bị sau một đêm chỉ còn là một đống gạch vụn và bùn lầy. Ngay sau đó, thầy trò nhà trường lại tập trung thời gian, công sức sửa sang để có chỗ học, chỗ làm việc. Khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng với tinh thần thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, công tác dạy và học tập của nhà trường vẫn luôn duy trì, luôn đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân địa phương và con em cán bộ công nhân Vùng mỏ.
Tập thể cán bộ, giảng viên Trường THPT Ngô Quyền, TP Hạ Long trong ngày khai giảng năm học mới. |
Tới đầu năm học 2006 – 2007, trường lại “chuyển mình” một lần nữa. Nhà trường được UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, UBND thành phố quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Toàn bộ mặt bằng của trường được san gạt bằng phẳng, mở rộng diện tích và xây mới. Sau khi được xây dựng kiên cố hóa, Trường được công nhận trường chuẩn quốc gia vào năm 2015. Quy mô số lớp và chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao. Tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh thi đỗ đại học tăng đều theo từng năm. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học của Trường luôn đạt 75-80%.
Kết quả nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh đã được ghi nhận. Năm học 2016 – 2017, nhà trường vinh dự được tặng cờ thi đua của Chính phủ cho đơn vị dẫn đầu khối THPT. Mặt khác, Công đoàn Trường luôn vững mạnh xuất sắc, Đoàn Thanh niên của Trường nhiều năm được Tỉnh đoàn và T.Ư Đoàn khen tặng. Hoạt động phong trào của Trường nhiều năm trong tốp đầu của khối các trường THPT. Trong đó, Cuộc thi văn nghệ giai điệu tuổi hồng cho học sinh, Trường nhiều năm luôn đạt giải cao và có năm được xếp giải đặc biệt của khối các trường THPT trong tỉnh.
Học sinh Trường THPT Ngô Quyền thả bóng bay trong ngày tổng kết năm học. |
Bên cạnh đó, 40 năm qua, đã có gần 200 cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác, giảng dạy cũng như trưởng thành từ mái trường này. Nhiều thầy cô đã nỗ lực phấn đấu thành giáo viên dạy giỏi, chiến sỹ thi đua các cấp, trở thành cán bộ quản lý của các cơ quan bộ, ngành, T.Ư và địa phương. Đó là: Thầy Nguyễn Viết Sơn, Nguyên phó Vụ trưởng Ủy ban kiểm tra Trung ương; thầy Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cô Trần Mộng Hoài - Nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục. Các thầy, cô đã, đang miệt mài, tận tụy góp nhiều công sức cho sự phát triển giáo dục của tỉnh trong đoạn hiện nay - giai đoạn toàn ngành Giáo dục đang nỗ lực triển khai nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, hội nhập quốc tế. Không chỉ vậy, rất nhiều thế hệ học trò của nhà trường bây giờ cũng là cán bộ chủ chốt trong các cơ quan của Đảng, của tỉnh, là lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp.
Phát huy truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển, được biết, Trường THPT Ngô Quyền thời gian tới sẽ tiếp bước đi lên, tiếp tục giữ vững danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc, duy trì chất lượng trường THPT đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng được yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xứng đáng với lòng tin, sự mong đợi của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân, các thế hệ thầy cô giáo và học sinh nhà trường.
Lan Anh
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()