Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 10:50 (GMT +7)
Trường THPT Uông Bí: Nơi ươm mầm tài năng khoa học
Thứ 3, 26/11/2024 | 11:40:49 [GMT +7] A A
Xác định để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Trường THPT Uông Bí luôn quan tâm đầu tư bồi dưỡng, hướng học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) ngay từ trên ghế nhà trường. Từ đó ươm mầm cho học sinh say mê nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực tìm tòi, học hỏi, sáng tạo…
Vốn thích tìm tòi, nghiên cứu KHKT và được sự động viên khích lệ của gia đình, thầy cô, đôi bạn Lê Quang Đạt và Đặng Thuỳ Trâm (lớp 11A1) đã tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ IX, năm 2024. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Ngô Thị Bình, các em đăng ký dự thi với đề tài “Ứng dụng Large Language Models (LLM) tạo trợ lý ảo điều khiển nhà thông minh”. Điểm độc đáo của ứng dụng này là có khả năng tư duy ngôn ngữ tự nhiên, có thể hiểu các yêu cầu phức tạp và đưa ra phản hồi thông tin chi tiết. Nhờ đó, người sử dụng ứng dụng này có thể giao tiếp với trợ lý ảo để quản lý và điều khiển các hoạt động của ngôi nhà có gắn kết các thiết bị thông minh.
Ngoài ra, Trường THPT Uông Bí còn có 2 đề tài dự thi Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ IX, gồm: Chế tạo máy xay rác thủy tinh tạo vật liệu xây dựng; chế tạo viên nén năng lượng sinh học từ bã mía, bã cà phê và mùn cưa.
Tại sân chơi Cuộc thi KHKT cấp tỉnh học sinh trung học, Trường THPT Uông Bí đã tích cực tham gia từ năm 2012 đến nay và luôn là đơn vị có nhiều thành tích cao. Riêng năm học 2023-2024, nhà trường có 5 sản phẩm tham gia, trong đó 4 sản phẩm đạt giải (1 giải nhì, 2 giải ba, 1 giải tư). Để có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của các nhóm học sinh và giáo viên hướng dẫn, là sự quan tâm từ phía nhà trường và phụ huynh học sinh.
Tham gia dẫn dắt, hướng dẫn các nhóm học sinh tại nhiều cuộc thi KHKT và đạt giải cao, cô giáo Ngô Thị Bình (Trường THPT Uông Bí), chia sẻ: Nhà trường luôn tạo điều kiện cho học sinh tham gia các cuộc thi với mong muốn giúp các em phát triển tư duy khoa học, khả năng sáng tạo, trình bày ý tưởng. Đồng thời, với vai trò là giáo viên hướng dẫn, tôi luôn xác định rõ việc định hướng, hỗ trợ và động viên tinh thần cho học sinh trong quá trình nghiên cứu. Giáo viên không làm thay, không nghiên cứu hộ, mà cùng học sinh như một thành viên trong nhóm. Sự chủ động và tích cực của học sinh là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của các dự án khoa học.
Phát hiện niềm đam mê sáng tạo KHKT của nhiều lứa học sinh, Trường THPT Uông Bí đã tổ chức đa dạng các chương trình, hoạt động tạo sân chơi để học sinh có điều kiện tham gia. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức phát động, tuyên truyền đến học sinh các khối lớp về những cuộc thi sáng tạo KHKT. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn nghiên cứu, sáng tạo KHKT phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và nhóm đối tượng học sinh tham gia. Ban Giám hiệu nhà trường cũng phân công giáo viên có năng lực, nhiệt tình để hướng dẫn học sinh, giúp các em hoàn thành ý tưởng, đề tài để tham dự các cuộc thi KHKT các cấp.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Uông Bí Đinh Thị Thùy Dương, chính giáo viên là người truyền cho học sinh ngọn lửa đam mê nghiên cứu KHKT. Vì vậy trong quá trình giảng dạy, các thầy cô luôn không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, tạo cho các em cảm giác hứng khởi, say mê trong nghiên cứu và học tập. Còn với học sinh nghiên cứu KHKT, nhà trường cũng tổ chức chọn lựa kỹ, vì thời gian đầu tư cho hoạt động nghiên cứu rất nhiều, đòi hỏi các em phải thực sự có sự hứng thú, say mê, đầu tư đúng mức vào hoạt động này.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()