Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:18 (GMT +7)
Truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi
Thứ 6, 29/10/2021 | 08:45:16 [GMT +7] A A
Để đạt được mục tiêu của chiến lược dân số đến năm 2030, ngành Dân số tỉnh luôn đề cao vai trò của công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của từng nhóm đối tượng trong xã hội, góp phần duy trì và ổn định chất lượng dân số.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế), nhờ công tác truyền thông mà những khẩu hiệu, pháp lệnh liên quan đến công tác dân số đã được nhiều người trong xã hội biết đến. Công tác truyền thông được triển khai với nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, chú trọng tư vấn trực tiếp cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, vị thành niên, các gia đình sinh con một bề…
Năm 2021, Chi cục DS-KHHGĐ xác định: Hoạt động trọng tâm là tuyên truyền về quy mô, cơ cấu dân số, phân bố và chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội; duy trì mức sinh thay thế, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
Theo đó, đối với quy mô dân số, các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với thực trạng mức sinh của từng địa phương. Với các địa phương chưa đạt mức sinh thay thế, tuyên truyền tập trung vào thông điệp giảm sinh, nhằm đạt mức sinh thay thế bình quân; lợi ích của KHHGĐ, quy mô gia đình ít con. Đối với những địa phương đã đạt mức sinh thay thế hoặc dưới mức sinh thay thế, cần truyền thông mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, duy trì khoảng cách giữa các lần sinh, ổn định mức sinh...
Về cơ cấu dân số, cần truyền thông mạnh mẽ nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, lên án các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, bình đẳng giới.
Ở các địa phương, trọng tâm là truyền thông nhóm nhỏ tại các khu dân cư, tập trung vào các nội dung: Mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, sàng lọc trước và sau sinh… Từ đó, nhiều đối tượng đã được tiếp cận với nhiều phương thức truyền thông, dần thay đổi hành vi, ý thức liên quan đến công tác dân số.
Lần đầu mang thai, chị Bùi Thị Thủy (xã Cẩm La, TX Quảng Yên) đã được cán bộ dân số của xã đến tuyên truyền, vận động chị tham gia nhóm zalo tại Trạm Y tế của xã. Chị Thủy cho biết: “Lần đầu mang thai, nhưng tôi không hề bỡ ngỡ vì đã được các cán bộ dân số xã phổ biến, chia sẻ những nội dung liên quan đến chăm sóc thai nhi trước và sau sinh. Tôi còn được tham gia vào nhóm được chị em lập trên zalo nên thường xuyên được giải đáp những thắc mắc liên quan đến thai sản. Sau khi sinh con, tôi cũng thực hiện sàng lọc sau sinh để đảm bảo em bé được khỏe mạnh...”.
Chị Phạm Thị Bích Ngọc, cán bộ dân số xã Cẩm La, cho biết: Chúng tôi phối hợp với cán bộ y tế xã thực hiện tuyên truyền nhóm nhỏ trong zalo, facebook, hoặc tư vấn trực tiếp qua điện thoại. Đặc biệt, qua những lần chị em đi khám thai định kỳ, chúng tôi đều tuyên truyền lợi ích của việc khám sàng lọc trước sinh, sau sinh; chia sẻ thông tin về địa điểm, những điều cần chuẩn bị khi tiến hành sàng lọc, giúp chị em có những lựa chọn phù hợp để đảm bảo sức khỏe thai nhi.
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hoàng Văn Hy cho biết: Công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh đã gắn với các mục tiêu của chiến lược dân số đến 2030 với trọng tâm chuyển từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Công tác dân số hiện nay không chỉ chú trọng đến KHHGĐ như trước, mà còn gắn liền với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, Chi cục tiếp tục mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục thân thiện với trẻ em vị thành niên, thanh niên; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính…; triển khai và mở rộng các mô hình nâng cao chất lượng dân số phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()