Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:07 (GMT +7)
Người đảng viên 85 năm sắt son với Đảng
Thứ 6, 04/11/2022 | 11:27:54 [GMT +7] A A
Trong suốt những năm tháng công tác ở Quảng Ninh cũng như cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, luôn khắc ghi những lời Bác Hồ dạy như kim chỉ nam soi rọi cuộc sống và mọi việc làm.
Cụ Nguyễn Thọ Chân (còn có các bí danh là Phi, Sáu Khanh) năm nay 103 tuổi đời, 85 năm tuổi Đảng, hiện ở Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Quê cụ ở làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội - là vùng có cơ sở Đảng rất sớm, nơi sản sinh ra nhiều nhà cách mạng lỗi lạc, những trí thức nổi tiếng. Cụ Nguyễn Thọ Chân sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và là chú của Tổng Bí thư Đỗ Mười, tức đồng chí Nguyễn Duy Cống.
Người tù Côn Đảo trung kiên
Cụ Nguyễn Thọ Chân học Trường tư thục Thăng Long, lấy bằng Thành chung, rồi cùng vài người bạn mở trường dạy học, đồng thời cũng để hoạt động cách mạng và tham gia nhóm nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin. Năm 1937, cụ tình nguyện tham gia phong trào Thanh niên dân chủ Hà Nội, tổ chức Thanh niên phản đế, Thanh niên cứu quốc. Trong những năm tháng sôi nổi đó, đồng chí Nguyễn Thọ Chân đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi còn rất trẻ.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thọ Chân đã kinh qua nhiều vị trí: Tháng 8/1942, làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông. Cuối năm 1942, đầu năm 1943, làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Tháng 4/1943, do bị chỉ điểm, đồng chí Nguyễn Thọ Chân bị mật thám Pháp bắt, xử 20 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo.
"Sau một thời gian bị giam cầm, tôi và một số anh khác được Pháp đưa ra ngoài với yêu cầu lập một xưởng thuộc da để tận dụng số da bò từ những con bò bị giết mỗi ngày ở đảo. Không ai biết nghề nhưng vẫn làm, và cuối cùng cũng làm được. Làm để được ra ngoài, có điều kiện giúp đỡ anh em trong banh và có điều kiện hỏi han tin tức nữa” - Cụ Nguyễn Thọ Chân nhớ lại.
Tin Cách mạng Tháng Tám thành công lan nhanh ra đảo. “Ngày 2/9/1945, anh em làm ở sở dây thép bắt được sóng của Đài Bạch Mai (Đài Tiếng nói Việt Nam sau này), nghe được Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và danh sách các thành viên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Những thông tin này lập tức bay đi khắp đảo. Cửa khám, cửa banh đều mở bung ra" - cụ Chân kể.
Chiều ngày 17/9/1945, một cuộc mít tinh được tổ chức giữa Côn Đảo trong không khí vui như Tết. Cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm do những người tù tự chế đã tung bay. Những tiếng hoan hô như sấm dậy. Cuộc tuần hành tưng bừng quanh các con đường, dưới bóng những cây bàng cổ thụ lần đầu diễn ra ở Côn Đảo. Những người tù vẫn đang mặc áo tù tuần hành khí thế làm cho những banh, những khám như đã sụp đổ.
Những người tù bắt đầu chỉnh sửa các ghe, tàu, đóng thêm các sạp ngồi để chuẩn bị về đất liền; lập danh sách, số lượng người đi trên từng ghe, tàu cụ thể... Sáng ngày 23/9/1945, chiếc tàu mang tên Phú Quốc cùng 23 ghe bầu chở trên 1.800 người tù chính trị rời Côn Đảo. Những người còn lại sẽ được tiếp tục đón ở đợt 2. Đồng chí Nguyễn Thọ Chân được xếp đi trên tàu Phú Quốc, tàu chở tới hơn 170 người chạy từ sáng đến xế chiều thì cập bờ thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng sau này.
Cụ Nguyễn Thọ Chân kể: “Chúng tôi vào bờ mừng đến chảy nước mắt. Nhìn đâu đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng năm cánh rực rỡ tung bay. Đến nay, tôi vẫn không thể nào quên thời khắc này”.
Cụ Nguyễn Thọ Chân khẳng định: “Tôi sống đến ngày hôm nay, chính là nhờ có Đảng”.
Trong kháng chiến, cụ có ba lần thoát chết là nhờ đồng chí, đồng đội. Lần thứ nhất khi bị đày ra Côn Đảo, do thiếu ăn, làm nhiều và bị tra tấn, bản thân ốm nặng, nằm liệt một chỗ, quản giáo nhà tù tưởng cụ đã chết nên cho lính vứt ra nhà xác. May mắn, có người bạn tù từ thời bị giam ở nhà tù Sơn La vốn là y tá đã phát hiện mang về tiêm thuốc và báo cáo quản giáo.
Lần thứ hai khi ra Việt Bắc, đang nói chuyện với Tổng Bí thư Trường Chinh thì bất ngờ cụ gục xuống bàn. Biết đồng chí Thọ Chân bị sốt ác tính, Tổng Bí thư Trường Chinh cho người cáng chạy vội mấy chục cây số đường rừng đến trạm xá để các bác sĩ kịp thời cứu sống. Lần khác, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn cùng đồng chí Nguyễn Thị Bình (sau này là Phó Chủ tịch nước). Được bà Bình nhờ người quen giúp đỡ, đồng chí thoát được án tử. “Nếu không có chị Bình và các đồng chí của mình, có lẽ tôi đã chết từ lâu. Tôi ơn Đảng, ơn đồng đội lắm!” - cụ Chân xúc động nói.
Từ Côn Đảo về đất liền, đồng chí Nguyễn Thọ Chân được phân công tham gia Tỉnh uỷ Gia Định, làm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh Gia Định. Đến tháng 3/1946, đồng chí được cử về Sài Gòn khôi phục tổ chức, lập lại Thành uỷ và làm Bí thư Thành uỷ Sài Gòn. Tháng 4/1951, cụ Nguyễn Thọ Chân bị quân Pháp bắt trong một trận càn quét nhưng chúng không hề biết rằng đây là một cán bộ cộng sản cốt cán đang là ủy viên Thường vụ Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, người phụ trách hoạt động ở nội thành. Lý do là cụ Chân che giấu thân phận của mình dưới nhiều vỏ bọc và đồng đội, đồng chí đã ra sức bảo vệ, cưu mang cụ.
Đến năm 1954, thực dân Pháp tưởng cụ là một du kích hay một cán bộ bình thường nên đã trao trả tù chính trị theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Năm 1956, đồng chí Nguyễn Thọ Chân được phân công công tác tại Bộ Lao động (nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), giữ chức Vụ trưởng, Tổng Thanh tra Lao động. Đến năm 1959, đồng chí được cử về làm Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội.
Bí thư Tỉnh ủy mẫn cán
Năm 1961, đồng chí Nguyễn Thọ Chân đang làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thì được điều về làm Bí thư Khu ủy Hồng Quảng. Lúc đó, đồng chí Nguyễn Thọ Chân sống giản dị ở trong một căn nhà cũ gần bến phà Bãi Cháy phía Hồng Gai, vừa là nơi ở, vừa làm cơ quan và là nơi tiếp khách.
Đồng chí Nguyễn Thọ Chân được điều về Hồng Quảng vì nhiệm vụ, mục tiêu phát triển ngành Than ở Vùng mỏ.
"Hồng Quảng lúc đó quan trọng lắm. Hồng Quảng được coi là “thủ đô than” của Việt Nam. Nước ta lại đang thiếu dầu, thiếu điện nên than vẫn là năng lượng chủ yếu. Nhiệm vụ của Vùng mỏ là sản xuất nhiều than cho Tổ quốc, cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiếp sức để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, sau năm 1955, người Pháp rút đi, Vùng mỏ rất thiếu thốn trang thiết bị, máy móc để khai thác than. Lúc tôi về Vùng mỏ, mặc dù có cả chuyên gia hỗ trợ, rồi anh em đi học ở Liên Xô về nhưng mỗi năm chỉ khai thác được vài ba triệu tấn, năm nào cao nhất mới được 5 triệu tấn" - cụ Nguyễn Thọ Chân nhớ lại.
Về Hồng Quảng, đồng chí Nguyễn Thọ Chân là người có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc kiến thiết Vùng mỏ, xây dựng ngành Than sau thời kỳ tiếp quản. Cụ Vũ Cẩm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá: "Ông Nguyễn Thọ Chân là người trung thực, thẳng thắn, sống với đồng đội, đồng chí rất nghĩa tình. Nhưng ông ấy cũng là người quyết đoán, phê bình ai là phê bình đến nơi, đến chốn để cho họ thấy được khuyết điểm mà sửa chữa".
Năm 1963, khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh hợp nhất, đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Bí thư Khu ủy Hồng Quảng, được chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh.
Sau khi Quốc hội có Nghị quyết nhất trí thông qua đề nghị của Hội đồng Chính phủ, hai địa phương đã khẩn trương tiến hành các bước hợp nhất. Sau gần hai tháng, mọi việc hoàn tất. Ngày 1/1/1964 là buổi làm việc đầu tiên của các cơ quan tỉnh Quảng Ninh. Các con dấu cũ của Hồng Quảng và Hải Ninh đã được thu hồi và các con dấu mới mang tên Quảng Ninh chính thức có hiệu lực.
Những năm tháng đầu tiên khi tỉnh nhà vừa được sáp nhập, dấu chân của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thọ Chân in khắp các nhà máy, núi đồi, ruộng đồng, hầm mỏ ở Quảng Ninh lúc đó.
Cụ Nguyễn Thọ Chân xúc động kể: "Lúc đó, tỉnh còn rất nhiều khó khăn nhưng lúc nào chúng tôi cũng tin tưởng một ngày nào đó Vùng mỏ sẽ giàu mạnh. Tôi nhớ có phái đoàn Liên Xô sang thăm Việt Nam, xuống Hồng Quảng. Tôi dẫn các đồng chí đi mỏ, họ kêu ca bụi bặm ghê gớm lắm. Tôi bảo đây là vùng than rất quý. Có lẽ cả thế giới chưa có chỗ nào được ưu ái than không khói antraxit như của chúng tôi. Chúng tôi còn có biển, có Vịnh Hạ Long phong cảnh tuyệt vời không nơi nào có được. Vùng mỏ còn có núi rừng rất đẹp, núi đá vôi làm xi măng rất tốt. Tỉnh tôi giờ còn nghèo nhưng rồi sẽ giàu có. Tôi tin thế".
Những năm ở Quảng Ninh, Bí thư Nguyễn Thọ Chân luôn là người lãnh đạo mẫu mực, mẫn cán với công việc, sâu sát với cơ sở, được đồng đội, đồng chí và nhân dân tin yêu. Cụ Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nhớ lại: "Trong công việc, ông Nguyễn Thọ Chân là người điều hành, quán xuyến làm đến nơi, đến chốn. Tôi luôn xác định mình là học trò của ông ấy, đi theo ông ấy để học hỏi".
Người suốt đời học Bác
Cụ Nguyễn Thọ Chân là người vinh dự được nhiều lần gặp Bác Hồ khi Người xuống thăm Vùng mỏ. Cụ luôn tự nhận rằng, bản thân sống được đến ngày hôm nay là nhờ suốt đời học tập Bác, trong đó có những bài học mà Người đã căn dặn khi về thăm Quảng Ninh. Cụ Nguyễn Thọ Chân luôn học Bác ở tinh thần học tập không ngừng, vượt khó vươn lên.
“Bác Hồ dạy tôi ra mỏ phải học địa chất, khai khoáng mới có thể lãnh đạo được cả khu mỏ. Tôi đi tìm các chuyên gia Liên Xô để học. Tôi thường xuyên theo chuyên gia đi kiểm tra mỏ. Chúng tôi thường xuyên lên mỏ Đèo Nai, lên kiểm tra công trường cùng chuyên gia Liên Xô, chui xuống hầm lò xem công nhân khai thác than ra làm sao” - nguyên Bí thư Tỉnh ủy kể.
Cụ Nguyễn Thọ Chân nhớ lại: "Tôi nhớ nhất Tết Ất Tỵ năm 1965, Bác về thăm Vùng mỏ. Trước khi về, Bác yêu cầu giữ bí mật chuyến đi, không được ăn gì của người dân Quảng Ninh mà phải mang thức ăn của mình đi. Bác Hồ đã quán triệt tôi và các đồng chí lãnh đạo địa phương là cấm không được dùng tiền tỉnh để chiêu đãi Bác. Bác chỉ vui Tết với nhân dân và cán bộ trong tỉnh thôi, còn đồ ăn thức uống thì Người mang theo để đỡ phiền tỉnh".
Chiều 30 Tết, tôi đi đón Bác Hồ. Bác có một chiếc xe nhỏ thôi. Trên xe có anh Vũ Kỳ, có công an bảo vệ Bác. Bác Hồ trùm khăn bịt kín khiến dân chẳng ai biết là trên xe có Cụ Hồ. Tôi được Bác mời lên xe ngồi cùng. Suốt dọc đường, Bác hỏi tôi tình hình của tỉnh.
Tối 30 Tết, Bác cùng đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn làm việc và mời cơm Thường vụ Tỉnh ủy. Bữa cơm đơn giản mà ấm áp. Cơm nước xong, tôi đưa Bác về phòng nghỉ rồi xin phép ra về để xem đồng bào chuẩn bị Tết thế nào. Đến chừng 11 giờ đêm, tôi nhận được điện bảo Bác ngồi một mình, sang nói chuyện cho Bác vui. Tôi sang, thấy Bác Hồ đang đọc Báo Quảng Ninh. Bác ân cần hỏi han gia đình, vợ, con thế nào.
Theo lời kể của cụ Nguyễn Thọ Chân, lúc đó công việc của người thợ mỏ rất nặng nề nhưng đời sống vô cùng thiếu thốn, toàn cơm rau mắm, không có thức ăn. "Chúng tôi lo cho anh em công nhân nhưng chưa tìm được giải pháp. Có lần, Bác Hồ gọi tôi lên hỏi: “Này chú, Bác có một chuyện muốn nói với chú. Không biết chú có chịu làm hay không?”. Tôi thưa rằng, Bác cứ chỉ thị, dù khó khăn đến mấy tôi cũng về bàn với anh em Thường vụ làm cho bằng được. Bác bảo rằng anh em công nhân mỏ khổ lắm, ăn uống kham khổ như thế thì lấy sức đâu mà đào than. Các chú phải lo cho họ được bữa ăn có cá. Mỗi tháng, mỗi nhà phải có được 5 cân cá. Tôi thưa xin phép làm từ từ, đầu tiên là 3 cân đã. Được một thời gian, Bác lại gọi tôi kiểm tra. Tôi báo cáo đã được 3 cân rồi. Bác động viên: "Vậy tốt rồi. Các chú tiếp tục cố gắng", cụ Nguyễn Thọ Chân nhớ lại.
"3 cân cá đó chia ra cho cả tháng thì một ngày cả nhà chỉ có lạng cá thôi, chả ăn thua gì nhưng thời đó thế đã là quý giá lắm rồi. Còn tại sao có được cá ư? Hồi đó Vịnh Hạ Long có cá nhưng chúng ta toàn đánh bắt thủ công, đánh gần bờ chẳng có tàu lớn mà đi khơi. Chúng tôi đã nhờ giúp đỡ xin được 1 đôi tàu, mỗi chiếc 300 mã lực để đánh cá. Nhưng có tàu rồi lại sợ nhất là ra ngoài khơi gặp tàu của Mỹ đành quay vào đánh gần bờ hay trong lộng thì toàn cá tạp, cá bé. Tất nhiên, dù là cá bé thời điểm đó cũng quý rồi" - cụ Nguyễn Thọ Chân kể.
"Bác dạy chúng tôi rằng khi hoạt động cách mạng chỉ là vận động quần chúng trong bí mật, giờ chính quyền đã về ta thì người lãnh đạo phải biết nhiều thứ, biết thương nghiệp, xây dựng, công nghiệp, y tế, trị an, nhất là lĩnh vực kinh tế, tổ chức sản xuất. Bác bảo rằng quan trọng phải biết học quy hoạch, quản lý quy hoạch, không biết làm quy hoạch sẽ xây dựng lung tung, rất xấu. Làm lãnh đạo phải tìm thầy mà học, tìm những nhà chuyên môn để người ta dạy cho. Mình chỉ nghe cấp dưới báo cáo thôi nhưng mình nghe mình phải hiểu, khi hiểu rồi thì mình lắc đầu cũng có lý mà gật đầu cũng có lý. Nghe lời Bác dạy, tôi đến Đại học Bách khoa theo học 6 tháng về xây dựng".
Bác còn bảo tôi ra mỏ phải học địa chất, khai khoáng mới có thể lãnh đạo được cả khu mỏ. Tôi thường xuyên lên mỏ Đèo Nai kiểm tra công trường. Chuyên gia Liên Xô đã chỉ cho tôi những kiến thức về mỏ, đúng chỗ nào, sai chỗ nào.
Bác còn dạy chúng tôi bài học tiết kiệm. Bác bảo đất nước còn nghèo phải tiết kiệm là trước hết. Bác hỏi sản xuất ra 1kWh điện mất bao nhiêu than, rồi Người dạy nếu 1kWh mà tiết kiệm được đôi ba gam than thì hàng triệu kWh tiết kiệm được nhiều lắm. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, việc cụ thể, đừng đưa ra cái lớn lao, to tát quá rồi không làm được" - cụ Nguyễn Thọ Chân xúc động nhớ lại.
"Nhìn lại cuộc đời mình, tôi tự thấy tôi là người hạnh phúc khi được Bác Hồ tin tưởng, mỗi khi giao việc cho tôi, Người đều có những sự chỉ dẫn, dặn dò cụ thể. Tôi làm Bí thư Hà Đông lúc mới 21 tuổi, về làm Bí thư khu Hồng Quảng khi chưa đầy 40 tuổi. Ở tuổi đó mà so với Ông cụ thì rõ ràng là mình còn trẻ con lắm" - cụ Nguyễn Thọ Chân tự hào về những năm tháng ở Quảng Ninh.
Năm 1967, tạm xa Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Thọ Chân về công tác ở Bộ Ngoại giao, được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên Xô cũ, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Chính phủ và Phó Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, Bộ trưởng Bộ Lao động (nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Trưởng Ban Thi đua Trung ương và Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua toàn quốc.
Đến năm 1989, cụ Nguyễn Thọ Chân nghỉ hưu về TP Hồ Chí Minh sinh sống, là người sáng lập và làm Chủ tịch đầu tiên của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam. Học lối sống giản dị của Bác Hồ, đến tận bây giờ, cụ Thọ Chân vẫn tích cực rèn luyện thân thể và trí óc bằng cách đọc sách, báo hay viết lách, làm thơ. Mấy chục năm qua cụ vẫn chăm chỉ tập thể dục, đi bơi, tự xoa bóp, cử động tay chân theo những bài tập dưỡng sinh.
Là người vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần, cụ Nguyễn Thọ Chân luôn tâm đắc và thường xuyên răn dạy, nhắc nhở con cháu rằng: “Cái giản dị của Bác, chúng ta phải học cả một đời!”. Cụ Nguyễn Thọ Chân luôn tự nhận rằng, bản thân sống được đến ngày hôm nay, trong không khí hòa bình là nhờ vào công ơn của Đảng và biết suốt đời học tập Bác.
Dù trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau và cho đến tận bây giờ, đồng chí Nguyễn Thọ Chân vẫn luôn dõi theo mỗi bước đi và sự phát triển từng ngày của tỉnh Quảng Ninh. Cụ Nguyễn Thọ Chân tự hào: "Dù luôn dõi theo các sự kiện của tỉnh nhưng tôi vẫn thấy ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng về nhiều mặt của Quảng Ninh. Từ đầu tỉnh cho đến tuyến đảo, đâu đâu cũng thấy có sự đổi mới. Đời sống nhân dân, không chỉ ở thành thị, không chỉ trong cán bộ và công nhân, mà người dân ở vùng nông thôn, ở tuyến đảo cũng rất khá. Nhiều công trình lớn được đầu tư đã làm thay đổi diện mạo của tỉnh rất nhiều".
Cụ Nguyễn Thọ Chân kết thúc câu chuyện với tôi mà như nhắn nhủ về Quảng Ninh: "Sinh thời, Bác Hồ mong muốn xây dựng ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu, Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp. Sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ đã chỉ ra, chúng ta còn phải thực hiện dài lâu. Tôi cho rằng, Quảng Ninh không những phải làm sao để không còn người nghèo, mà cần phải phấn đấu nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm để trở thành một tỉnh giàu mạnh".
Đồng chí Nguyễn Thọ Chân sinh năm 1922 tại Hà Nội, trong một gia đình nhà nho nghèo giàu lòng yêu nước. Khi chỉ mới 14 tuổi đồng chí đã quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu về chính trị và tham gia tổ chức thanh niên cách mạng. Năm 1939, đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng vinh quang và đáng tự hào của mình, đồng chí Nguyễn Thọ Chân đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách như: Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Khu ủy Hồng Quảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Thường vụ Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Ủy viên Trung ương Đảng khóa III, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên Xô, tại Vương quốc Thụy Điển, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Trưởng ban Thi đua Trung ương. Với hơn 85 năm đi theo cách mạng, đồng chí Nguyễn Thọ Chân luôn giữ vững khí tiết, một lòng sắt son với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong cả quá trình công tác, dù có lúc gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng đồng chí vẫn kiên gan, bền chí, cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đến khi nghỉ hưu, đồng chí vẫn không ngừng cống hiến, đóng góp công sức cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh và địa phương. Nguồn: hcmcpv.org.vn |
Phạm Học
- Phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng 60 năm thành lập tỉnh và Đại hội công đoàn các cấp
- TP Hạ Long phát động thi đua cao điểm chào mừng thành lập tỉnh và ngày Bác Hồ về thăm đảo Tuần Châu
- TX Quảng Yên phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh
- Đầm Hà: Phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh
- Phát động thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh
- Giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm 58 năm thành lập tỉnh
- Vững bước trên chặng đường phát triển
Liên kết website
Ý kiến ()