Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:45 (GMT +7)
Kỷ niệm 58 Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2021) Vững bước trên chặng đường phát triển
Thứ 7, 30/10/2021 | 07:10:13 [GMT +7] A A
Với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, Quảng Ninh đã làm nên nhiều chiến công hiển hách, ghi dấu trong trang sử hào hùng của dân tộc. Trong thời kỳ xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.
Truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm"
Ngày 30/10/1963, tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng. Trải qua 58 năm xây dựng, trưởng thành, quân và dân các dân tộc Quảng Ninh đã không ngừng thi đua lao động, sáng tạo; thực hiện nghiêm túc mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước; từng bước vượt khó đi lên...
Từ một tỉnh kém phát triển, nay Quảng Ninh đã bứt phá vươn lên và trở thành địa bàn động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Đặc biệt, những năm gần đây tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. 5 năm qua, Quảng Ninh luôn nằm trong số ít địa phương nộp ngân sách đứng đầu cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế trong suốt 2 thập kỷ qua duy trì trên 10%/năm. Riêng năm 2019, tăng trưởng của tỉnh đạt 12,01%, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. 9 tháng năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, song GRDP của tỉnh vẫn tăng 8,6% (cao hơn so với cùng kỳ năm 2020)...
Cùng với thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác an sinh xã hội. Các chương trình, đề án hỗ trợ tạo sinh kế để cải thiện điều kiện sống cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, Chương trình 135, Đề án 196, Chương trình xây dựng NTM... được tỉnh triển khai sâu rộng, tạo sức bật mạnh mẽ trong phát triển KT-XH của toàn tỉnh.
Trong bất kỳ thời điểm nào, tinh thần đoàn kết, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” luôn được cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh dương cao, càng trong gian khó tinh thần ấy càng thêm khẳng định. Từ năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế cả thế giới, nhưng Quảng Ninh đã nêu cao tinh thần, ý chí và nguồn lực, đoàn kết, đồng lòng trong chiến đấu và kiểm soát tốt dịch bệnh. Bên cạnh hàng loạt các kịch bản ứng phó với mọi cấp độ của dịch, tỉnh đã quan tâm chăm lo, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tính đến hết tháng 9/2021, toàn tỉnh có 214.434 người lao động được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh. Tỉnh đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm định kỳ; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu tuyển dụng lao động, việc làm cho doanh nghiệp và người lao động; giải quyết chính sách, chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 5.537 lao động...
Công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được nâng cao. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các đơn vị thực hiện nghiêm việc phân luồng, phân loại bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn, triển khai các giải pháp giãn cách và hạn chế tối đa người đến cơ sở khám, chữa bệnh, không để lây nhiễm chéo dịch bệnh trong các cơ sở y tế. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện đề án "Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị; chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Cùng với đó, công tác GD&ĐT tiếp tục được duy trì hiệu quả. Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất cho việc dạy và học, các địa phương, đơn vị cũng cụ thể hoá các chương trình, kế hoạch, sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19, với phương châm dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt...
Phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và mở rộng hội nhập quốc tế, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người tiếp tục được tỉnh quan tâm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Theo đó, tỉnh có nhiều chủ trương, định hướng trong khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng miền; khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có giá trị cao, đồ lưu niệm mang thông điệp văn hóa thể hiện đặc trưng riêng có, phục vụ phát triển ngành kinh tế dịch vụ, du lịch của tỉnh...
Đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo nên giá trị tinh thần to lớn trong người dân ở mỗi vùng miền. Điển hình là huyện Bình Liêu có nhiều lễ hội đặc sắc, như: Lễ hội đình Lục Nà, hội soóng cọ, ngày kiêng gió... Hay như TX Quảng Yên hiện lưu giữ hơn 200 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có Di tích lịch sử Bạch Đằng là Di tích đặc biệt quốc gia, 38 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh. Trong các di tích đình, chùa, đền, miếu có hơn 10.000 hiện vật có giá trị văn hóa, cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể mang đặc trưng văn hóa Vùng đồng bằng Bắc Bộ...
Với thế mạnh và bản sắc văn hoá vùng miền, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể, phi vật thể nói riêng; giữ gìn và phát huy đặc trưng tốt đẹp của các dân tộc thiểu số cùng giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân Vùng mỏ... Chú trọng bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, danh thắng; bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống... tạo tính kết nối liên thông theo hướng khai thác, phát huy tối đa giá trị bản sắc văn hóa, nhất là ở các xã vùng cao vào phát triển du lịch, nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, từng bước giảm nghèo bền vững.
Ở các địa phương, đến nay, 98% thiết chế văn hóa, thể thao được xây mới và cải tạo nâng cấp... Ở cấp tỉnh, nhiều công trình được đầu tư với nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng, mang tầm quốc gia và khu vực, như: Bảo tàng - Thư viện tỉnh; Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm; Trung tâm Thể thao tỉnh; Trung tâm Văn hóa - Thể thao vùng Đông Bắc... thể hiện được nét đặc sắc kiến trúc riêng, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của Quảng Ninh.
Tỉnh cũng tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ công sở, gia đình đến cộng đồng. Nhiều phong trào, chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ ý thức đến hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, như: Bộ quy tắc ứng xử; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại...
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đã và đang góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa và các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với những đặc trưng “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện”.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()