Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:44 (GMT +7)
Tự hào Quảng Ninh 60 năm
Thứ 2, 30/10/2023 | 08:57:21 [GMT +7] A A
60 năm xây dựng và phát triển, trải qua bao thăng trầm, vượt qua bao khó khăn, thử thách, nhưng với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt hành động vì lợi ích chung, đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc thực sự khoa học, dân chủ, sâu sát, cụ thể, gần dân, trọng dân, vì dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, ý chí tự lực, tự cường, Quảng Ninh đã không ngừng phát triển trở thành một trong những địa phương đi đầu của khu vực phía Bắc cũng như cả nước.
Ngược dòng lịch sử, đầu tháng 7/1963, xét thấy việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính có nhiều điểm thuận lợi về kinh tế, quốc phòng, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Ninh tổ chức Hội nghị liên tịch bàn và nhất trí đề nghị Trung ương hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính. Ngày 4/10/1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Công văn gửi Ban Tổ chức Trung ương, Đảng Đoàn Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Tỉnh ủy Hải Ninh về việc “Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thống nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một tỉnh” để nghiên cứu kế hoạch thi hành.
Ngày 7/10/1963, Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Ninh họp Hội nghị liên tịch và ra Nghị quyết về việc hợp nhất. Theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, ngày 30/10/1963, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá II đã ra Nghị quyết, Quyết nghị phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh.
Về sự kiện này, Bác Hồ đã gợi ý gọi là Quảng Ninh, do ghép chữ Quảng (của khu Hồng Quảng) và chữ Ninh (của tỉnh Hải Ninh) mà thành. Với tên gọi này vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ, lại có nhiều ý nghĩa. “Quảng” là rộng lớn. “Ninh” là yên bình, bền vững. Quảng Ninh ghép vào với nghĩa là một vùng rộng lớn, yên bình, bền vững.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với tên gọi Quảng Ninh, tỉnh đã có 60 năm xây dựng và phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, sự vào cuộc của các cấp chính quyền cùng sự đồng thuận của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, Quảng Ninh thay đổi, phát triển từng ngày, thay da đổi thịt, khoác lên mình một chiếc áo mới, diện mạo mới.
Một trong những thành quả nổi bật nhất của Quảng Ninh là ngoài phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, tỉnh đã tập trung nguồn lực, quyết tâm chính trị cao hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, qua đó tạo động lực cho kinh tế phát triển.
Từ một địa phương được ví như một ốc đảo, giao thông giữa các địa phương, vùng miền trong tỉnh cũng như với các địa phương khác bị chia cắt, đã chuyển mình mạnh mẽ với hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông tổng thể. Với sứ mệnh “đi trước mở đường”, giao thông đã tạo bước đột phá, góp phần quan trọng khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân Quảng Ninh trong 60 năm qua.
Quảng Ninh đã thực hiện tốt từ việc bảo đảm thông suốt, nâng cấp, cải tạo 4 tuyến quốc lộ gồm 18A, 4B, 279, 10 đến hoàn thành xây dựng cầu Bãi Cháy, hiện thực hóa ước mơ ngàn đời của nhân dân trên địa bàn, đồng thời đánh dấu mốc lịch sử quan trọng kết thúc sứ mệnh lịch sử hệ thống bến phà nội tỉnh… Cùng với cầu Bãi Cháy thì việc cải tạo quốc lộ 18 đoạn Mông Dương - Móng Cái, đường 18C lên các cửa khẩu Hoàng Mô, huyện Bình Liêu, 18B lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà cũng được đầu tư.
Dấu ấn đậm nét nhất có lẽ phải kể đến Quảng Ninh đầu tư hệ thống đường cao tốc chạy dọc tỉnh từ Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái với hơn 176km, đưa Quảng Ninh là tỉnh có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước. Qua đó, kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, góp phần giảm cự ly và rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương.
Cùng với cao tốc, hệ thống cảng cũng được đầu tư mạnh mẽ với việc khánh thành đưa vào sử dụng Cảng Cái Lân, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, trong niềm hân hoan của toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh…
Những con đường mới, những cây cầu mới kết nối nội vùng, liên vùng cũng được Quảng Ninh quan tâm đầu tư như cầu Tình Yêu, Cửa Lục 3, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn qua địa phận huyện Ba Chẽ, cầu Triều, cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân, đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều…
Cùng với phát triển hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông, Quảng Ninh quan tâm đặc biệt đến tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay Quảng Ninh đã trở thành trung tâm đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, khu vực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc với 7 năm liên tục (2016-2022) đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số.
Điển hình năm 2020, mặc dù chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, nhưng tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 49.300 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ), trong đó thu xuất nhập khẩu ước đạt 12.300 tỷ đồng, thu nội địa 37.000 tỷ đồng. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh đạt 10,12%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 52.467 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh đạt 10,28%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 54.831 tỷ đồng, bằng 104% dự toán. Trong đó, thu xuất nhập khẩu đạt 16.363 tỷ đồng; thu nội địa thực hiện 38.468 tỷ đồng. Quảng Ninh tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu ngân sách.
Riêng với năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu và quyết tâm cao với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số, số thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt trên 54 nghìn tỷ đồng, trong đó thu xuất nhập khẩu đạt trên 12 nghìn tỷ đồng. Qua 9 tháng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh ước tăng 9,94%. Trong đó: Khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 9,08%, cao hơn 0,48 điểm % so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ ước tăng 12,76%. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 14,15% so với cùng kỳ. Thuế sản phẩm ước tăng 8,46%, cao hơn 0,7 điểm % so với cùng kỳ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,19%... Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tính hết 9 tháng đạt 41.256 tỷ đồng, bằng 76% dự toán tỉnh giao, tăng 5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 28.678 tỷ đồng, bằng 68% dự toán tỉnh giao, tăng 3% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 12.777 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.
Quảng Ninh hiện là địa phương duy nhất trong cả nước lần thứ hai giữ vị trí đứng đầu cả 4 chỉ số quan trọng: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); 10 năm liền (2013 - 2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, trong đó, 6 năm liên tiếp (từ 2017 - 2022) giữ vị trí Quán quân chỉ số PCI. Đây là sự đánh giá khách quan, niềm tin, sự ghi nhận, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực cải cách, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ của tỉnh và chính quyền địa phương.
Quảng Ninh giờ đây đang thay đổi từng ngày, vươn mình trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn đổi mới, sáng tạo, đi đầu trong nhiều lĩnh vực, trở thành cực tăng trưởng khu vực phía Bắc. Đây là thành quả của sức mạnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng quyết tâm xây dựng Quảng Ninh ngày một giàu đẹp, hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và luôn vì hạnh phúc nhân dân.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()