Ngày 25/5, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), thông tin sau khi chó cắn, bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, bị trầy xước vùng lưng và cánh tay bên phải. 5 ngày sau, con chó cắn đứt xích và chạy sang nhà hàng xóm, có biểu hiện hung dữ, bị người dân đánh chết.
Hai ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có biểu hiện sợ nước, gió, hốt hoảng, kích thích khi có âm thanh tiếng động. Chị đến bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị một ngày, song tình trạng không cải thiện và được chuyển Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Kết quả khám lâm sàng và xét nghiệm bệnh nhân mắc bệnh dại, nguy cơ tử vong cao, vì vậy gia đình xin đưa về và người phụ nữ chết tại nhà.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại lên vùng da tổn thương. Bệnh trên người có thể dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%.
Biểu hiện của bệnh trên người là sợ nước, gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.
Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, có khi hàng năm, như bệnh nhân này phát dại sau ba tháng. Khi đó, vết thương do chó cắn đã liền sẹo, thậm chí nhiều người quên từng bị cắn.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp Cứu, khuyến cáo khi người dân bị chó cắn, việc đầu tiên là đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tư vấn, tiêm phòng, tuyệt đối không dùng thuốc nam, tự chữa tại nhà. Khi bị chó cắn (nếu là chó nhà) nên nhốt con vật lại theo dõi.
Để phòng ngừa, người dân cần thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi như tiêm vaccine phòng bệnh dại đầy đủ và đúng lịch, không thả rông chó, mèo. Nếu cho chó, mèo ra đường phải được đeo rọ mõm theo quy định.
Ý kiến ()