Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 12:28 (GMT +7)
Từ vụ việc nam sinh lớp 10 tự vẫn - Khi nhà trường và gia đình còn khoảng cách(?)
Thứ 6, 06/10/2017 | 10:17:34 [GMT +7] A A
Sự việc một nam sinh lớp 10, Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long) nhảy từ tầng 5 xuống sân trường dẫn đến tử vong là chuyện gây chú ý của dư luận xã hội những ngày qua. Điều đáng nói là sự việc này xảy ra ngoài giờ lên lớp và tại trường học. Chính vì thế, dư luận đang rất băn khoăn về việc quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp đã được các nhà trường và phụ huynh phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hay chưa?
Nhìn từ vụ việc nam sinh tự vẫn
Đến giờ, khi nhắc lại câu chuyện về nam sinh lớp 10, Trường THPT Hòn Gai bị mất cách đây vài ngày, chúng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng. Theo tìm hiểu từ Sở GD&ĐT, chúng tôi được biết: Khoảng 18h15' ngày 30/9, nghe tiếng động tại sân trường khu nhà B, Trường THPT Hòn Gai, nhiều giáo viên của trường chạy ra thì đã phát hiện một học sinh nam nằm bất tỉnh, máu chảy rất nhiều. Các thầy, cô giáo trong nhà trường ngay sau đó đã đưa em học sinh này đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng khi đến bệnh viện học sinh này đã tử vong. Qua kết quả điều tra của Công an TP Hạ Long, nam sinh này tử vong là do tự vẫn. Tại hiện trường, cơ quan công an đã thu giữ được dụng cụ phá khoá, cặp sách và điện thoại, trong đó có bức thư tuyệt mệnh của nam sinh trên.
Trường THPT Hòn Gai nơi xảy ra vụ việc. |
Theo chia sẻ của nhiều thầy, cô giáo, thì học sinh này có học lực khá, ngoan ngoãn, hòa đồng với bạn bè trong lớp. Trước khi xảy ra vụ việc thương tâm trên, em không hề có biểu hiện gì khác thường. Khoan hãy nói đến nguyên nhân sâu xa của sự việc này, nhưng chuyện xảy ra khiến nhiều phụ huynh thực sự giật mình bởi cách quản lý con em của mình ngoài giờ lên lớp. Chị Phạm Thu Hương, có con học lớp 6, Trường THCS Trọng Điểm TP Hạ Long, chia sẻ: “Việc quản lý học sinh sau giờ học trên lớp giữa nhà trường, gia đình hiện nay cần phải được phối hợp chặt chẽ hơn. Việc hoàn thiện nhân cách để học sinh phát triển toàn diện không phải là trách nhiệm của riêng ai và cũng không nên phó thác hết trách nhiệm cho nhà trường hoặc phụ huynh”. Theo bà Đàm Thị Thanh Thủy, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT thì nhà trường không chỉ giáo dục các kiến thức trong sách vở mà còn giáo dục cả về đạo đức, lối sống, kỹ năng sống ở các hoạt động ngoài giờ lên lớp, như: Chào cờ, văn hóa - nghệ thuật, thông qua chương trình lồng ghép các môn học chính khóa có liên quan. Nhưng thực tế, việc quản lý học sinh ngoài giờ học rất khó khăn. Bởi đây là thời gian các em tiếp xúc với môi trường bên ngoài, để thỏa mãn sự tò mò của bản thân, không bị kiểm soát của cả cha mẹ và thầy, cô giáo.
Quản lý như thế nào?
Từ vụ việc đáng tiếc trên, có thể thấy, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong công tác quản lý học sinh là vô cùng quan trọng, cần sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ hơn. Thực tế, ở lứa tuổi học sinh, độ tuổi mà các em suy nghĩ chưa được chín chắn, dễ bị tác động bởi những vấn đề không tốt ngoài xã hội, dễ bị kích động. Việc cần phải trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để có thể tự giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống là rất quan trọng.
Theo đó, năm học này, để tăng cường công tác quản lý nền nếp, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, Sở GD&ĐT đã yêu cầu phòng GD&ĐT các địa phương, cơ sở giáo dục trực thuộc trên địa bàn tỉnh phải có trách nhiệm phổ biến, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh; thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh kịp thời các hành vi thiếu văn hóa, không lành mạnh của học sinh; hạn chế thấp nhất những rủi ro trong và ngoài nhà trường…
Các học sinh tham gia khóa đào tạo “Trại hè kỹ năng sống” tại Trung tâm Đào tạo kỹ năng Awaken (TP Hạ Long), năm 2016. Ảnh do Trung tâm Đào tạo kỹ năng Awaken cung cấp |
Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường và bộ phận tư vấn tâm lý học đường trong công tác giáo dục học sinh cũng được ngành coi trọng. Từ đó, nhiều trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nắm bắt diễn biến tâm lý học sinh để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vướng mắc và giải quyết triệt để các mâu thuẫn của học sinh, để không ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, sức khỏe và tính mạng của học sinh.
Thiết nghĩ, việc quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp không chỉ là trách nhiệm của riêng nhà trường. Phụ huynh học sinh cũng cần gần gũi với con cái hơn, từ đó, quản lý chặt chẽ con em mình ngoài giờ lên lớp. Quan trọng hơn cả, việc giáo dục nhân cách, lối sống, đạo đức, tư tưởng cho học sinh phải được coi trọng hơn nữa. Có như vậy, công tác quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp mới hiệu quả, tránh được những sự việc đáng tiếc.
Vân Anh - Lan Anh
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()