Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:49 (GMT +7)
Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù
Thứ 3, 12/04/2022 | 14:03:48 [GMT +7] A A
Thời gian qua, Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn.
Theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, 6 nhóm đối tượng đặc thù gồm: Người dân ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo.
Để tuyên truyền PBGDPL cho các đối tượng này, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều chương trình, đề án, kế hoạch về PBGDPL có liên quan đến các đối tượng như: Hội nghị PBGDPL về phòng, chống tội phạm, đặc biệt là phòng, chống các hành vi lừa đảo trên mạng xã hội tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái; Hội nghị PBGDPL về phòng, chống xâm hại trẻ em tại huyện Bình Liêu; Hội nghị PBGDPL về bình đẳng giới tại huyện Đầm Hà; triển khai Đề án "Tăng cường, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023...
Các cơ quan, lực lượng chức năng khác cũng tích cực vào cuộc trong công tác tuyên truyền PBGDPL cho đối tượng đặc thù phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị. Cụ thể như Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Công an tỉnh tập trung tuyên truyền PBGDPL cho người dân vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Công an tỉnh tổ chức PBGDPL cho các phạm nhân đang chấp hành hình phạt hoặc giáo dục tái hòa nhập cộng đồng. Về phía Liên đoàn Lao động tỉnh quan tâm đến người lao động trong các doanh nghiệp. Sở LĐ-TB&XH tập trung các đợt cao điểm tuyên truyền PBGDPL đến nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật.
Sở GD&ĐT tập trung tuyên truyền tại các trường học; thực hiện nghiêm túc việc dạy học tích hợp pháp luật trong các môn học và hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên. Trong năm 2021, Sở đã phối hợp với Ban Dân tộc tổ chức diễn đàn “Học sinh DTTS nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại 4 trường phổ thông trên địa bàn huyện Ba Chẽ.
Hình thức tuyên truyền, PBGDPL cũng được các ngành, đoàn thể, lực lượng thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, từ tổ chức hội nghị quán triệt, tập huấn, tuyên truyền trực tiếp... cho đến phát tài liệu, tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Riêng năm 2021, các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng của tỉnh đã tổ chức hơn 1.200 hội nghị tuyên truyền PBGDPL cho khoảng 100.000 lượt người là đối tượng đặc thù trên địa bàn; tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành 23.000 tài liệu, gần 10.200 áp phích phục vụ tuyên truyền; phát hành hàng chục nghìn lượt phát thanh trên hệ thống loa, đài địa phương, thôn, bản.
Nội dung PBGDPL tập trung mạnh vào chủ quyền biên giới; Luật Tín ngưỡng tôn giáo; Luật Giao thông đường bộ; Luật Đất đai; Luật An ninh mạng và phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng; các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống tham nhũng; phòng, chống dịch bệnh Covid-19; phòng, chống ma túy; Bộ luật Hình sự; các lĩnh vực pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm, an toàn vệ sinh lao động; pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống bạo lực trẻ em, bạo lực học đường...
Về phía các địa phương cũng tích cực vào cuộc, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền PBGDPL cho người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ... Đồng thời phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín vùng đồng bào DTTS trong việc tăng cường PBGDPL, vận động bà con dân tộc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Các hoạt động PBGDPL được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng đã giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ cho người dân vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật... Điều này góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống nhanh chóng, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với công tác tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn. Hết năm 2021, trong số 177 xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thì có 176 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Cầm Khuê
- Phát huy vai trò của Hội đồng PBGDPL
- Phổ biến giáo dục pháp luật ở Hải Hà: Linh hoạt theo nhóm đối tượng
- Móng Cái: Nhiều mô hình giáo dục pháp luật hiệu quả
- Đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
- Đổi mới tuyên truyền, giáo dục pháp luật vùng dân tộc thiểu số
Liên kết website
Ý kiến ()