Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:08 (GMT +7)
Uống nước lá đinh lăng thường xuyên có tốt cho sức khoẻ?
Thứ 7, 27/07/2024 | 19:40:00 [GMT +7] A A
Nhiều người vẫn thường hãm nước lá đinh lăng để uống hàng ngày, vậy uống nước lá đinh lăng hàng ngày có tốt không?
Đinh lăng là loài cây phổ biến ở nước ta. Từ xa xưa, cây đinh lăng được ví là "nhân sâm của người nghèo" vì có tác dụng đối với sức khoẻ.
Những tác dụng của lá đinh lăng với sức khoẻ
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân chỉ ra những tác dụng của cây đinh lăng như sau:
Y học cổ truyền xem lá đinh lăng tính mát, vị hơi đắng, tác dụng tốt với việc giải độc, chống dị ứng, chữa táo bón. Đối với Tây y thì lá đinh lăng có chứa những thành phần tốt cho sức khỏe như:
- Lá đinh lăng chứa nhiều thành phần hoạt chất tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa.
- Vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B1 rất tốt cho hệ tim mạch, thị lực và hệ thần kinh.
- Glucozit hỗ trợ tăng cường khả năng co bóp của tim và giảm thiểu lượng Na có trong tim.
- Alcaloid hỗ trợ giảm đau và gây tê hiệu quả.
- Flavonoid giúp ức chế chống lại các loại vi khuẩn có khả năng gây bệnh.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ lá đinh lăng
Đối với bệnh tiêu hóa
Khi hỏi về lá đinh lăng tác dụng gì đối với hệ tiêu hóa, ít ai biết rằng nó có khả năng chữa tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu rất tốt. Để thực hiện mục đích này, bạn hãy lấy một nắm lá đinh lăng tươi rửa sạch rồi ngâm với nước muối sau đó cho vào nồi, đổ nước xâm xấp và đun sôi lên, cuối cùng chắt lấy nước uống khi còn ấm. Cần duy trì cách làm này trong vài ngày liên tục để cải thiện các triệu chứng khó chịu đường tiêu hóa mà bạn đang gặp phải.
Với bệnh đau lưng do thời tiết
Không ít người mỗi khi thời tiết thay đổi là bị đau nhức xương khớp, nhất là cột sống. Lúc này hãy nấu nước lá đinh lăng uống vài ngày bạn sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều.
Cách chữa đau lưng bằng lá đinh lăng rất đơn giản: Chỉ cần lấy 30g lá và cành đinh lăng tươi rửa sạch, nấu cùng 15g mỗi loại sau: cúc tần, cam thảo dây, rễ cây xấu hổ và 800ml nước. Bạn đun hỗn hợp này cho sôi rồi để lửa nhỏ đến khi chỉ còn 30ml nước thì chắt lấy nước chia thành 3 lần uống trong ngày, thực hiện 5 ngày liên tiếp.
Đối với bệnh dị ứng da
Người bị dị ứng da có thể uống nước đinh lăng để cải thiện tình trạng nổi mề đay, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy. Bài thuốc để thực hiện mục đích này như sau: Lấy 150g lá đinh lăng tươi rửa sạch hãm với 200ml nước sôi trong 5 - 7 phút rồi chắt ra lấy nước, uống khi còn ấm, mỗi ngày 3 lần, duy trì 5 - 7 ngày hoặc cho đến khi hết các triệu chứng dị ứng.
Đối với chứng đau đầu, mất ngủ
Lá đinh lăng rất tốt với việc đả thông kinh lạc, cải thiện đề kháng. Vì thế, với những người bị đau đầu hay mất ngủ, việc dùng lá đinh lăng sẽ giúp an thần để ngủ ngon giấc hơn, giảm đau hiệu quả.
Muốn dùng lá đinh lăng để đạt được công dụng này bạn cần lấy mỗi loại 20g gồm: lá đinh lăng khô, rau má, tam điệp, cỏ mực, lá vông; 16g lá trinh nữ, 10g mỗi loại gồm: hoàng bá, hoàng liên và bạch linh. Tất cả dược liệu được chuẩn bị đem rửa sạch và sắc cùng 700ml nước cho đến khi còn 300ml thì chắt nước chia thành 2 lần uống trong ngày.
Uống nước lá đinh lăng hàng ngày có tốt không?
Lá đinh lăng tuy tốt cho sức khoẻ tuy nhiên không nên quá lạm dụng.
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BSNT. Đặng Hạnh - khoa Y học cổ truyền trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nước lá cây đinh lăng nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng nước lá cây đinh lăng hằng ngày thay cho nước lọc vì nó có thể gây ra các tác dụng không mong muốn cho cơ thể.
Trong lá cây đinh lăng có thành phần là saponin có thể gây mệt mỏi, nôn mửa và hoa mắt chóng mặt. Vì vậy, chỉ nên uống nước lá cây đinh lăng với lượng vừa phải, trong thời gian nhất định và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu dùng hằng ngày.
Ngoài ra, lá đinh lăng tươi khi mới hái còn nhiều nhựa, đặc biệt là lượng sapnopin trong lá tươi rất cao, nếu nạp vào một lượng lớn có thể gây ra tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa ở những người mắc hội chứng ruột kích thích.
Khi phơi khô, chất sapnopin sẽ giảm đi đáng kể, nhờ đó không đem lại một số tác dụng phụ như trên.
Ngoài ra, khi phơi khô để nấu nước, pha trà, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm, hương vị nhẹ nhàng. Vì vậy, uống lá đinh lăng khô sẽ rất phù hợp với ai không thích mùi hăng, nồng của lá tươi.
Theo vtcnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()