Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:57 (GMT +7)
Ưu tiên các nguồn lực triển khai Đề án 06
Thứ 5, 25/05/2023 | 06:54:08 [GMT +7] A A
Việc triển khai Đề án 06 là nền tảng quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số, hướng đến xây dựng thành công chính phủ số, xã hội số, nền kinh tế số, công dân số. Ngay sau khi có quyết định phê duyệt Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước chủ động báo cáo, đề xuất Chính phủ được lựa chọn “làm điểm” triển khai thực hiện đề án. Trên cơ sở đó, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp, với quyết tâm hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đề án 06 của Chính phủ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một nội dung quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ phát triển KT-XH. Xác định tầm quan trọng đó, trong tất cả các cuộc họp triển khai, cũng như đánh giá việc thực hiện Đề án 06, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều nhấn mạnh: Đây là việc khó, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp, cùng người dân là yếu tố quyết định, bảo đảm sự thành công của đề án.
Cụ thể, Đề án 06 có ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, tạo điều kiện giúp người dân thuận tiện nhất khi thực hiện thủ tục thông qua môi trường số, chuyển từ thói quen dùng giấy tờ đến trụ sở cơ quan nhà nước sang làm thủ tục tại bất kỳ nơi nào qua môi trường mạng. Do đó, khi thực hiện đề án, công tác an toàn, an ninh thông tin luôn được chú trọng hàng đầu. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình đề án được triển khai bước đầu đạt được kết quả tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; nhận thức và hành động về chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến, có sự lan tỏa ở các cấp, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, trong số 18 nhiệm vụ thuộc Đề án 06 năm 2023, Quảng Ninh đã hoàn thành 7/8 nhiệm vụ có thời hạn; duy trì đôn đốc, triển khai quyết liệt 10/10 nhiệm vụ thường xuyên. Trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, toàn tỉnh có hơn 1,4 triệu nhân khẩu thường trú và hơn 51.000 nhân khẩu tạm trú, đến nay tỉnh đã cơ bản thực hiện cấp CCCD gắn chip điện tử cho các nhân khẩu thường trú và nhân khẩu tạm trú. Đồng thời đã triển khai số hóa 100% thủ tục hành chính tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 13/13 trung tâm cấp huyện; thí điểm bóc tách dữ liệu đối với 5 lĩnh vực (GD&ĐT, LĐ-TB&XH, TT&TT, Tư pháp, Y tế).
Đặc biệt, trong số 25 dịch vụ công thiết yếu được lực lượng công an triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, có 21 dịch vụ đã phát sinh hồ sơ, trong đó có một số dịch vụ công đạt tỷ lệ cao như thông báo lưu trú (99,1%), cấp xác nhận số chứng minh nhân dân (78,4%); đăng ký khai sinh (85,95%), đăng ký kết hôn (88,45%)… Có 211/223 cơ sở triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip điện tử; tỷ lệ thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và cấp huyện đạt trên 72%...
Nhờ việc triển khai Đề án 06, đến nay người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều tiện ích trong các giao dịch về thủ tục hành chính, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử để khám, chữa bệnh mang lại sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Bà Đỗ Hải Yến (tổ 3A, khu 7A, phường Hồng Hải, TP Hạ Long), cho biết: Sau khi tải ứng dụng VNeID và kích hoạt sẵn tài khoản định danh điện tử mức độ 1 trên điện thoại, tôi đã đến thực hiện tích hợp giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ BHYT vào tài khoản định danh điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tại đây tôi được cán bộ Công an tỉnh hướng dẫn chi tiết mọi thủ tục cần thiết rất nhanh chóng, không phải đợi chờ lâu. Giờ đây tôi hoàn toàn có thể sử dụng ứng dụng VNeID thay thế các loại giấy tờ này khi đi giao dịch vì đã đồng bộ vào tài khoản định danh.
Để việc triển khai Đề án 06 tiếp tục đạt hiệu quả cao, ngày 9/3 vừa qua, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã ký Văn bản số 36/TCT-XD6 gửi Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ; Bộ Công an; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đề xuất triển khai một số tiện ích mới của Đề án 06 tại Quảng Ninh. Trong đó đề nghị Ngân hàng BIDV nghiên cứu, bố trí lắp đặt máy giao dịch tự động đa năng tại Quảng Ninh để người dân trải nghiệm tiện ích nộp và rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chip điện tử. Cuối tháng 4 vừa qua, Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Ninh đã đưa vào vận hành máy ATM này, khắc phục hoàn toàn các nhược điểm (chậm, dễ lỗi) của máy cũ. Với máy ATM đa năng, thay vì phải mang theo nhiều loại giấy tờ, hay thực hiện các thủ tục phức tạp tại quầy giao dịch, người dân chỉ cần thực hiện rút, nộp tiền, chuyển khoản bằng thẻ CCCD gắn chip. Việc có thêm cơ chế xác thực bằng khuôn mặt, vân tay khi dùng CCCD gắn chip để thực hiện các giao dịch tài chính tại ATM cũng giúp mức độ bảo mật tăng lên nhiều lần
Quảng Ninh cũng khẳng định, với tinh thần tiên phong, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, mong muốn có thêm nhiều tiện ích để người dân trải nghiệm tham gia, nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ hướng tới xây dựng công dân số trong tương lai, tỉnh luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai, thí điểm các tiện ích mới của Đề án 06 trên địa bàn. Đồng thời, tạo mọi điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị và hành lang pháp lý trên cơ sở các quy định của pháp luật để triển khai thực hiện.
Mới đây, tại cuộc họp đánh giá kết quả triển khai Đề án 06 (ngày 23/5), Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy đã nhấn mạnh: Thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, có lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài, cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án 06, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từng việc cụ thể, từng nhiệm vụ được giao.
Đồng chí yêu cầu Sở TT&TT tập trung phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan khắc phục nhanh chóng yêu cầu bảo mật, đảm bảo duy trì, vận hành thông suốt hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công. Ngành công an chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương tập trung thực hiện hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của Đề án 06. Đặc biệt, lưu ý người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chuyển đổi số. Yêu cầu các sở, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ cụ thể cung ứng cho nhân dân, doanh nghiệp những dịch vụ công tốt nhất để thúc đẩy chuyển đổi số của Quảng Ninh.
Những kết quả bước đầu về triển khai Đề án 06 trên địa bàn Quảng Ninh là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án theo lộ trình, nhằm đạt được mục tiêu xác thực, kết nối dữ liệu dân cư, khai thác, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ KT-XH, góp phần vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()