Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:36 (GMT +7)
Ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước
Thứ 2, 08/07/2024 | 08:34:37 [GMT +7] A A
Sáu tháng đầu năm 2024, hoạt động dịch vụ tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, một số ngành dịch vụ như vận tải kho bãi, lưu trú và ăn uống tăng trưởng tốt hơn so với thời kỳ trước dịch Covid-19 do được hỗ trợ từ nhu cầu di chuyển tăng mạnh trong những tháng du lịch cao điểm hè.
Theo Tổng cục Thống kê, sáu tháng đầu năm, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng 6,64%, đóng góp 3,28 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung 6,42% của nền kinh tế.
Cần giải pháp đồng bộ
Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6% so với cùng kỳ (tăng 5,7% sau khi loại trừ yếu tố giá), trong đó, đóng góp chủ yếu là nhờ doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và lữ hành khi thu hút lượng khách quốc tế tăng mạnh.
Sáu tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 58,4% so với cùng kỳ; khách du lịch trong nước cũng có sự tăng trưởng tốt; số người Việt Nam xuất cảnh tăng 11,4%; tiêu dùng cuối cùng có mức tăng trưởng khá, nhất là hộ dân cư tăng 6,17%, cho thấy người tiêu dùng đã có nhu cầu chi tiêu cho hoạt động tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng nhiều hơn.
Chi tiêu cơ bản và chi tiêu cho các sở thích cá nhân cũng cởi mở hơn sau một thời gian dài chịu áp lực từ đại dịch Covid-19, dẫn tới thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng.
Tuy nhiên, cầu tiêu dùng trong nước chưa phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm tăng thấp hơn 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ và cũng là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước đại dịch.
Kết quả khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành thương mại và dịch vụ trong quý II/2024 cũng cho thấy, có 56,4% số doanh nghiệp nhận định nhu cầu thị trường trong nước thấp. Những ngành có mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ và tăng thấp hơn kỳ vọng là hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; nghệ thuật, vui chơi giải trí; hoạt động dịch vụ khác.
Để tăng sức mua trong dịp cao điểm hè, ngành hàng không và du lịch đã hợp tác triển khai các chương trình kích cầu du lịch, trong đó có việc tổ chức khai thác các chuyến bay đêm với giá vé máy bay tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, khách du lịch trong nước chưa mặn mà với chương trình này do còn một số điểm chưa hợp lý.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, nguyên nhân là do thời gian nhận phòng khách sạn và khung giờ bay đêm của các hãng hàng không đang lệch pha. Các khách sạn có chính sách nhận phòng lúc 14 giờ, trả phòng lúc 11 giờ, khách nhận phòng sớm hoặc trả phòng muộn đều phải trả thêm phí.
Trong khi đó, khung giờ bay đêm áp dụng từ 21 giờ đến trước 5 giờ sáng hôm sau, chưa kể đến những yếu tố không thuận lợi khác như di chuyển hai đầu sân bay, điểm ăn uống cho khách bay đêm..., đều làm phát sinh thêm chi phí. Vì vậy, cần có sự bắt tay của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan để có hành trình phù hợp cho du khách, tận dụng được giá vé thấp trong khung giờ bay đêm, có như vậy mới kích thích mạnh mẽ nhu cầu của khách du lịch trong nước.
Tiếp tục tăng tổng cầu tiêu dùng
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt tình trạng thiếu đơn hàng, các chuyên gia kinh tế kiến nghị việc ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước phải được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2024, nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như giảm giá hàng tiêu dùng; điều chỉnh tăng lương; giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng; đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, với lợi thế quy mô dân số hơn 100 triệu dân, tiêu dùng trong nước vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc tiếp tục kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đến cuối năm 2024 và chính sách tăng lương cơ sở từ ngày 1/7 có thể đem lại hiệu ứng tích cực. Theo ước tính của Bộ Tài chính, giảm thuế VAT sẽ làm giảm thu ngân sách năm 2024 khoảng 47 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù, việc giảm thuế khiến ngân sách giảm thu trong ngắn hạn nhưng có tính chất nuôi dưỡng nguồn thu vì chính sách giảm thuế trực tiếp trên hóa đơn mua sắm sẽ kích thích người dân tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống, từ đó góp phần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng.
"Thực tế cho thấy chính sách giảm thuế VAT thời gian qua đã phát huy tác dụng thiết thực, tác động đa chiều đến nền kinh tế khi giá hàng hóa giảm, tiêu dùng tăng, giúp doanh nghiệp tăng sản xuất, khôi phục đơn hàng, giảm chi phí đầu vào. Nếu để hàng tồn kho, giá cả tăng, áp lực lạm phát sẽ không thể kích thích cầu tiêu dùng, kéo theo rất nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong nước gặp khó khăn", Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế và Chính sách phân tích.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tổng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước chiếm hơn 70% GDP của nền kinh tế. Để thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, tạo cơ sở tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước thời gian tới, Chính phủ cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội; giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch trong nước và thu hút du lịch nước ngoài; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, tạo sự an tâm về chỗ ở, khuyến khích tinh thần làm việc, nâng cao mức sống.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()