Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 15:29 (GMT +7)
Ưu tiên nguồn lực phát triển vùng khó
Thứ 2, 18/03/2024 | 15:19:51 [GMT +7] A A
Trên quan điểm mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hàng chục chính sách riêng có về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền.
Với mục tiêu kéo gần khoảng cách giữa các vùng miền trong tỉnh, thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của BCH Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 2021-2023 tỉnh đã bố trí ngân sách tỉnh trên 2.430 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn, ngân sách huyện bố trí gần 1.800 tỷ đồng để đầu tư các dự án, công trình hạ tầng kinh tế - xã hội vùng khó của tỉnh. Những công trình này được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, kéo gần miền núi, vùng cao, hải đảo với miền xuôi, khu vực thành thị.
Điển hình phải kể đến như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh - giai đoạn 2; Trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu); nhà văn hóa xã Đại Dực, gắn với Trung tâm văn hóa dân tộc Sán Chỉ huyện Tiên Yên; xây dựng đập dâng nước Khe San và hệ thống đường ống, bể chứa, bể lọc cấp nước sinh hoạt xã Phong Dụ, đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên); hệ thống trạm xử lý nước sạch hồ chứa nước Khe Mười phục vụ nước sinh hoạt các xã Đồn Đạc và CCN Nam Sơn (huyện Ba Chẽ); cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ; nâng cấp chống ngập lụt tuyến đường từ ĐT330 - ĐT342 - Đồng Dằm (xã Đạp Thanh) - Khe Nà (xã Thanh Sơn) - Lang Cang (xã Đồn Đạc), huyện Ba Chẽ; đường giao thông thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô)…
Anh Nình A Vày, thôn Khe Lặc, xã Đại Dực, cho biết: Công trình đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ được xây dựng đã giúp người dân trong xã đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. Trước đây, cung đường này nhiều cua, dốc cao nguy hiểm, dài chừng 20km. Nhưng với tuyến đường mới, chúng tôi chỉ đi mất 7km thôi. Có đường mới, chúng tôi có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, lưu thông an toàn. Những sản vật địa phương có thể thuận tiện để thông thương, buôn bán nên người dân có cơ hội để giảm nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình.
Ngoài đầu tư, nâng cấp các công trình dân sinh, để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-UBND (ngày 7/3/2023) phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; ban hành kế hoạch về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025. Chủ trương này góp phần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới của tỉnh; tạo điều kiện, động lực để vùng khó có điều kiện phát huy thế mạnh, phát triển kinh tế. Đặc biệt năm 2023, hội thảo khoa học “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững” do Tỉnh ủy phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức là cơ sở quan trọng để các sở, ngành, địa phương nhận diện, phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đưa văn hóa của đồng bào các DTTS thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, độc đáo của tỉnh trong thời gian tới.
Với nhiều chính sách thiết thực đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống nhân dân, thu nhập bình quân người dân vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo đạt 73 triệu đồng/năm; văn hóa xã hội và môi trường có nhiều tiến bộ; dân chủ cơ sở được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Năm 2023, toàn tỉnh có 165 hộ thoát nghèo và giảm 1.145 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt trên 73 triệu đồng/người/năm (tăng trên 27 triệu đồng/người/năm so với năm 2020, tăng trên 18 triệu đồng/người/năm so với năm 2022).
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()