Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 17:36 (GMT +7)
Ưu tiên quan tâm, hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng do mưa lũ cả về đời sống và sản xuất
Thứ 2, 21/08/2017 | 13:38:20 [GMT +7] A A
Ngày 21/8, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh nghe báo cáo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ vào trung tuần tháng 8 vừa qua, tại một số địa phương. Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Cùng dự có các đồng chí trong Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan; các địa phương dự họp trực tuyến.
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. |
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 13/8 đến 15/8, toàn tỉnh có 1 người chết do bị nước cuốn trôi, 3 nhà bị sập đổ, 57 nhà bị ảnh hưởng ngập lụt. Mưa lũ còn làm 4 công trình giao thông bị nước lũ cuốn trôi, gây sạt lở 124 điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường giao thông nông thôn; làm gẫy, đổ 13 cột điện hạ thế, hư hỏng 20 công trình thủy lợi, gần 80 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng; một số khu vực dân cư bị ngập lụt cục bộ... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 43,21 tỷ đồng.
Để kịp thời chỉ đạo khắc phục, đối phó với thời tiết cực đoan, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp có mặt tại nhiều địa phương để động viên nhân dân, yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. UBND tỉnh đã trích kinh phí từ ngân sách dự phòng hỗ trợ 2 tỷ đồng cho nhân dân huyện Ba Chẽ và Hoành Bồ, là 2 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau đợt mưa lũ.
Tại cuộc họp, các địa phương đã báo cáo khái quát công tác triển khai khắc phục hậu quả. Cụ thể, chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng cấp bổ sung ngân sách cho các xã bị thiệt hại, khẩn trương khắc phục hư hỏng của hệ thống giao thông, khơi thông dòng chảy tại các tuyến cống, điều phối nước sạch đảm bảo cung cấp đủ cho các khu vực mất nước do sự cố đường ống, hướng dẫn bà con khôi phục sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, bố trí chỗ ở tạm, đảm bảo cung ứng lương thực cho 3 gia đình có nhà sập đổ, tìm vị trí và trích một phần kinh phí hỗ trợ người dân xây dựng lại nhà mới...
Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí thực hiện cải tạo một số công trình hạ tầng, công trình giao thông hư hỏng sau đợt mưa lũ theo hướng kiên cố hóa, khắc phục những tồn tại ngập lụt, sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho nhân dân đi lại ngay cả khi có mưa lũ sau này.
Các địa phương báo cáo trực truyến công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. |
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long yêu cầu các địa phương lập báo cáo rõ, đầy đủ, chi tiết hơn. Đặc biệt, công tác hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng, cần ưu tiên hỗ trợ, quan tâm đặc biệt đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Đồng chí nhấn mạnh: Qua kiểm tra thực tế, Ba Chẽ là địa phương bị thiệt hại nặng nhất, tập trung tại 2 xã Lương Mông và Minh Cầm. Vì thế, Ba Chẽ cần nhanh chóng khắc phục hậu quả, rà soát lại hiện trạng các công trình hạ tầng trên địa bàn, thiệt hại của các hộ gia đình, thiệt hại nông nghiệp và cụ thể hóa các phương án hỗ trợ. Song song với đó, xây dựng phương án đối phó với mưa lũ.
Huyện Hoành Bồ, liên hệ với Công ty viễn thông Viettel, lắp dựng trạm thu, tiếp sóng di động tại một số vị trí còn chưa phủ sóng, trong đó có thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, để nắm bắt thông tin, hỗ trợ kịp thời khi bị chia cắt như trận mưa lũ vừa qua.
Đối với TP Hạ Long, cần quan tâm hỗ trợ nhân dân vận chuyển đất sạt lở sau nhà của các hộ dân, đặc biệt là các hộ dân tại tổ 6, khu 10, phường Bãi Cháy. TP Hạ Long cần rà soát, triển khai khắc phục ngay hệ thống thoát nước tại khu vực Cái Lân, phường Giếng Đáy; tiến hành xử lý các vị trí cống thoát nước có nắp cống bị vỡ trong quá trình sử dụng, làm lan can tại các tuyến mương hở.
Đối với các ngành liên quan, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GT-VT lập phương án xử lý các công trình cấp bách như: cải tạo, nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 330, khắc phục các điểm trũng thấp, các đường tràn. Đặc biệt, khảo sát xây dựng mới cầu Cổ Ngựa, cầu Khe Giấy tại xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ thay thế cho đường tràn đã bị lũ cuốn trôi trước đó đảm bảo đi lại an toàn cho nhân dân.
Các Sở Tài chính, KH&ĐT, tham mưu cho tỉnh bố trí nguồn ngân sách dự phòng, giao cho các địa phương triển khai khắc phục thiệt hại đợt mưa lũ. Trực tiếp Chủ tịch UBND các huyện, thành phố được cấp hỗ trợ ngân sách khắc phục hậu quả mưa lũ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các phương án hỗ trợ.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()