Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:54 (GMT +7)
Ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhà giáo, học sinh, sinh viên
Thứ 3, 19/10/2021 | 09:32:24 [GMT +7] A A
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về tác động của dịch đối với các lĩnh vực giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.
Khoảng 4 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến ngành giáo dục. Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp. Nhiều giáo viên, trẻ em, học sinh bị nhiễm COVID-19. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch. Công tác dạy và học, phát triển đội ngũ, tài chính và bảo đảm chất lượng giáo dục cũng như tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh bị tác động lớn.
Theo Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, giáo dục mầm non bị gián đoạn trong thời gian dài, ảnh hưởng nhiều đến nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt theo độ tuổi của khoảng 4 triệu trẻ em, nhất là ở các khu đô thị, địa phương có khu công nghiệp.
Đối với trẻ 5 tuổi, việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng vào lớp 1 theo Chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi còn hạn chế, gây khó khăn khi học chương trình lớp 1 ở tiểu học của trẻ. Việc tổ chức hoạt động giáo dục mầm non theo hình thức trực tuyến rất khó thực hiện trong thực tế, chưa phù hợp và bảo đảm công bằng trong tiếp cận với trẻ em, nhất là trẻ em 5 tuổi, trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trẻ em ở gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thiếu kinh phí để chi trả cho giáo viên, nhân viên và duy trì hoạt động; một số cơ sở có nguy cơ bị đóng cửa. Nhiều giáo viên mầm non bị mất việc làm, gặp nhiều khó khăn. Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, dù nhiều học sinh đã khá thích ứng với việc học qua truyền hình, internet, tuy nhiên hình thức trực tuyến chủ yếu phù hợp với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi.
Đối với học sinh cấp tiểu học (nhất là lớp 1) và học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hình thức học trực tuyến còn gặp nhiều thách thức, khó triển khai hoặc triển khai không hiệu quả.
Trong khi đó, phương thức dạy học qua truyền hình phù hợp hơn với học sinh cấp tiểu học, chi phí thấp, không gây áp lực cho gia đình học sinh nhưng hạn chế về khả năng tương tác, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học.
Ở nhiều địa phương, việc dạy và học trên truyền hình, qua internet chưa thực sự hiệu quả. Hoạt của các cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng lớn. Một số cơ sở giáo dục tổ chức dạy trực tuyến nhưng nguồn thu từ học phí không đủ trang trải chi phí; nhiều trung tâm ngoại ngữ, tin học phải đóng cửa hoặc giải thể…
Các địa phương được chủ động lựa chọn phương thức xét tuyển hoặc thi tuyển vào trung học phổ thông tùy vào tình hình thực tế nhưng đa số còn lúng túng trong lựa chọn thi tuyển hoặc xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai phương thức. Chất lượng và công bằng của kỳ thi vào các lớp đầu cấp khó đạt yêu cầu…
Dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Công tác tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương và Chương trình đào tạo (đào tạo lại) giáo viên phổ thông bị chậm tiến độ… Ngoài ra, dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH. Đồng thời tác động đến tâm lý đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh.
Cả nước có 11.822 trẻ em là F0
Cũng theo báo cáo của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trên diện rộng và có diễn biến phức tạp, khó lường, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được bảo vệ. Đến nay, nước ta chưa có vaccine phòng COVID-19 được phê duyệt cho trẻ em và người dưới 18 tuổi.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/8/2021, 62/63 tỉnh, thành phố có người mắc COVID-19, trong đó có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334 có em. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số trẻ em F0 và trẻ em cách ly tập trung cao nhất cả nước và nhiều trẻ em nhiễm COVID-19 có chuyển biến nặng. Hà Nội có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 là trẻ em từ 5 tuổi trở xuống. Hầu hết trẻ mắc đều do lây nhiễm trong hộ gia đình.
Nhiều trẻ em đã trở thành trẻ mồ côi cha, mẹ, vô gia cư, không nơi nương tựa. Tại TP Hồ Chí Minh, đã có 1.517 em rơi vào cảnh mồ côi. Có nhiều trẻ sơ sinh phải can thiệp sinh sớm, đẻ non trong điều kiện bà mẹ mang thai bị mắc COVID-19 cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí tuệ và thể lực của trẻ em trong tương lai.
Trẻ em là F0 và trẻ em là F1 phải đi cách ly tập trung bị ảnh hưởng nặng nề nhất, phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây tổn hại. Trẻ em là F0, nhất là những trẻ mắc biến chủng mới Delta nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng không điển hình, nếu không được xét nghiệm để phát hiện và có biện pháp chữa trị kịp thời sẽ bị suy giảm thể lực, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng. Trẻ em phải đi cách ly tập trung không có cha mẹ đi cùng gây ra những gián đoạn trong sinh hoạt thường ngày, khiến các em bị căng thẳng tâm lý, mất cảm giác an toàn của gia đình, đồng thời cũng phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại và những áp lực khác ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý xã hội của trẻ…
Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ, viên chức, người lao động ngành giáo dục, sinh viên, học sinh để các em được đến trường sớm nhất có thể. Rà soát, đánh giá kỹ thực trạng, khó khăn, vướng mắc về triển khai dạy học trong bối cảnh dịch bệnh đối với từng địa bàn, từng cấp học, bậc học, loại hình cơ sở giáo dục; chủ động xây dựng phương án, kịch bản, giải pháp tổng thể về tổ chức dạy học, thi, đánh giá chất lượng giáo dục thích ứng với điều kiện cụ thể, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động dạy học và sự công bằng về điều kiện học tập, tiếp thu kiến thức của học sinh.
Nghiên cứu, tổng kết, đánh giá các mô hình, phương thức dạy học ứng phó với đại dịch COVID-19 để có định hướng phát triển phương thức dạy học trực tuyến trong những năm tới, từng bước đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đáp ứng xu hướng phát triển của cuộc cách mạng 4.0. Huy động các nguồn lực hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh, sinh viên có điều kiện khó khăn, bảo đảm bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo.
Triển khai hiệu quả Chương trình "Sóng và máy tính cho em"; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và kho học liệu số; bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Có giải pháp dạy, học phù hợp cho từng đối tượng học sinh yếu thế, nhất là ở vùng nông thôn, vùng núi, biên giới, hải đảo, khu vực đặc biệt khó khăn, khu vực có nhiều học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số; các em F0, F1 tại khu phong tỏa, khu cách ly; các em học sinh khuyết tật (bị khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ…) đang học tại các trường chuyên biệt.
Xây dựng chương trình hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tại nhà đảm bảo yêu cầu giáo dục an toàn. Có các giải pháp bảo đảm để hoàn thành kế hoạch năm học đúng tiến độ, đạt mục tiêu về chất lượng; đồng thời, có kế hoạch bổ sung, bồi đắp kiến thức cho học sinh ngay khi kiểm soát được dịch bệnh, hướng tới chất lượng cuối cùng cao nhất.
Xây dựng sớm phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và các năm tiếp theo, phù hợp với tình hình thực tiễn bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả. Rà soát quy định của pháp luật về điều kiện công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông trong điều kiện không thể tổ chức thi do tình hình dịch bệnh.
Nghiên cứu, tham mưu chính sách, quy định đào tạo “3 tại chỗ” cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài. Bổ sung gói chính sách hỗ trợ đối với các loại hình cơ sở giáo dục, đối với người dạy, người học chịu tác động của đại dịch để tiếp tục duy trì hoạt động dạy và học; đặc biệt là đối với các cơ sở giáo dục và giáo viên mầm non tư thục.
Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối người lao động trong ngành Giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()