Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:46 (GMT +7)
Đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Thứ 2, 13/12/2021 | 14:03:30 [GMT +7] A A
Để chủ động nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ người dân dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công Thương đã có nhiều giải pháp bảo đảm cung cầu, ổn định thị trường. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương (ảnh).
- Những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh sẽ rất sôi động. Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, nhiều người dân lo ngại hàng hoá sẽ khan hiếm hoặc bị đẩy giá lên cao. Bà đánh giá thế nào về điều này?
+ Đã bước sang tháng 12, nhưng tình hình thị trường cung - cầu, giá cả hàng hóa tại tỉnh vẫn chưa có nhiều biến động. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, thu nhập người dân giảm dẫn đến sức mua giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, dự kiến sang tháng 1/2022 là thời điểm áp Tết Nguyên đán, tình hình cung - cầu hàng hóa sẽ sôi động trở lại.
Để đảm bảo cung - cầu hàng hoá, ổn định thị trường, từ tháng 10/2021, Sở Công Thương đã ban hành văn bản đề nghị Sở NN&PTNT chủ động rà soát, chỉ đạo các đơn vị sản xuất các mặt hàng nông, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp để sẵn sàng nguồn cung phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân từ nay đến Tết Nguyên đán 2022.
Sở cũng đề nghị các địa phương trong tỉnh chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và đơn vị có chức năng trên địa bàn tăng cường vận động các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hoá phù hợp; ký cam kết đảm bảo hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong mọi tình huống. Sở chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hoá của đơn vị phù hợp với diễn biến thị trường; cam kết đảm bảo hàng hoá, không tăng giá bán trái quy định, nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
- Hiện các kênh phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh được phân bổ ra sao, có đủ đáp ứng cho nhu cầu mua bán của người dân không, thưa bà?
+ Các kênh phân phối hàng hoá trên địa bàn tỉnh hiện nay tập trung vào 11 siêu thị tổng hợp, gần 100 cửa hàng tiện lợi và 133 chợ. Đến nay, việc xây dựng, điều chỉnh phương án dự trữ, kinh doanh hàng hoá thiết yếu của các kênh phân phối đã được sẵn sàng, đảm bảo hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân những tháng cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022.
Để luôn chủ động nguồn hàng hóa, Sở Công Thương đã trực tiếp làm việc và đề nghị các kênh phân phối chủ động có các giải pháp về điều động hàng hoá nhanh nhất trong trường hợp trên địa bàn tỉnh có biến động về cung - cầu; linh hoạt lựa chọn đơn vị cung ứng hàng hoá thay thế, không để gián đoạn, đứt gãy, khan hiếm nguồn hàng hoá, dẫn đến tăng giá đột biến hoặc không đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh. Vừa qua, Sở đã gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước tỉnh đề nghị chỉ đạo các quỹ tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi cho các cá nhân, tổ chức tham gia chương trình bình ổn thị trường được dễ dàng tiếp cận và vay vốn, nhằm đảm bảo nguồn vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hoá phục vụ tiêu dùng của nhân dân trong mọi tình huống.
Hiện tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định, chưa phát hiện hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá không đúng quy định; số lượng hàng hoá dồi dào, phong phú. Các kênh phân phối hàng hóa lớn trong tỉnh đang dự trữ lượng hàng hóa trị giá trên 2.000 tỷ đồng.
- Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở Công Thương đã thực hiện các giải pháp gì để giúp cho người dân mua sắm hàng hóa an toàn, thưa bà?
+ Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi tập trung đông người nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Trong đó, thực hiện nghiêm xét nghiệm sàng lọc theo tầm soát, thiết lập mã QR và yêu cầu cán bộ, nhân viên, người lao động hằng ngày nghiêm túc chấp hành quét mã QR, khai báo y tế. Kể cả tại các vị trí kho, bãi tập kết hàng hoá của các đơn vị cũng phải thiết lập mã QR và thực hiện quét mã theo đúng quy định...
Sở phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về các hoạt động, hình thức mua sắm trực tuyến để người dân nắm được. Các đơn vị kinh doanh chủ động xây dựng và tăng cường các hoạt động bán qua website, zalo, facebook, điện thoại... nhằm phát triển thương mại điện tử, tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số; tích cực vận động người dân sử dụng thẻ ngân hàng hoặc thanh toán qua các công nghệ để hạn chế tập trung đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, Sở Công Thương cũng đề nghị người dân chung sức, đồng lòng với các cấp chính quyền thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn khi đến các điểm mua sắm hàng hóa, góp phần giữ địa bàn tỉnh an toàn.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()