Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:28 (GMT +7)
"Vân Đồn có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng đặc khu kinh tế"
Thứ 4, 19/03/2014 | 19:05:44 [GMT +7] A A
Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế sẽ đem lại nhiều kinh nghiệm và cơ hội để Quảng Ninh xây dựng thành công khu kinh tế đặc biệt. Tham dự hội thảo, có nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu về khu kinh tế trong và ngoài nước. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sỹ Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc thuộc Trường Đại học Thâm Quyến (Trung Quốc) về những kinh nghiệm phát triển đặc khu kinh tế, cơ hội đối với Vân Đồn.
Giáo sư, Tiến sỹ Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc. |
+ Thâm Quyến là một trong những đặc khu kinh tế tiêu biểu của Trung Quốc, với nhiều năm kinh nghiệm, nghiên cứu, bà có thể chia sẻ về mô hình đặc khu kinh tế này?
- Sau hơn 30 năm xây dựng, từ một làng chài nhỏ, Thâm Quyến đã phát triển thành công đặc khu kinh tế có tổng thu nhập GDP đứng trong tốp đầu của Trung Quốc.
Thâm Quyến có thể phát triển thành một đặc khu hiện đại như ngày nay chủ yếu phụ thuộc vào các nhân tố như: Thứ nhất, có một bộ máy chính quyền sáng suốt. Trong giai đoạn đầu, Thâm Quyến đi lên từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, xây dựng xã hội chủ nghĩa, vai trò của chính quyền nhân dân vô cùng quan trọng. Cụ thể, chính quyền trung ương đã dành cho Thâm Quyến những quyền lực đặc thù, có quyền tự quyết về những chính sách.
Thứ hai, quan niệm phải luôn thay đổi, dám nghĩ, dám làm, dám đi trước làm những cái người khác chưa từng làm, chính vì thế, Thâm Quyến mới có được những kỳ tích như ngày nay. Chính phủ Trung Quốc thực hiện phân cấp, phân quyền, trao cho chính quyền Thâm Quyến quyền tự chủ, tự quyết.
Thứ ba, với định hướng phát triển đúng đắn, trong giai đoạn đầu xây dựng đặc khu kinh tế, Thâm Quyến có số lượng lao động từ nông thôn rất đông. Đây là hình thức phát triển không phù hợp đối với một đặc khu kinh tế. Bởi bỏ một đồng ra thì chỉ thu được một đồng mốt, vì còn chia sẻ với nhân công, với người lao động. Lợi nhuận như vậy về lâu dài sẽ phát sinh những mâu thuẫn xã hội, giữa người giàu và người nghèo, chính vì thế Thâm Quyến đã phải đưa đông đảo lực lượng sản xuất là nông dân phát triển thành đội ngũ công nhân khoa học kỹ thuật, dịch vụ tài chính có tay nghề cao, chuyên môn giỏi.
Một yếu tố nữa khiến Thâm Quyến thành công trong quá trình xây dựng đặc khu kinh tế đó là dựa vào lợi thế gần Hồng Kông. Thâm Quyến đã phát triển các ngành khoa học, kỹ thuật, tài chính, dịch vụ, logistic thành những ngành kinh tế chủ lực.
+ Bà đánh giá như thế nào về tác động của đặc khu hành chính kinh tế đối với sự phát triển của khu vực và quốc gia?
- Có 2 hướng xây dựng đặc khu kinh tế, đó là: Chọn từ những địa phương có nền kinh tế phát triển còn thấp và hướng chọn từ địa phương có nền kinh tế phát triển cao với nhiều tiềm năng, lợi thế để xây dựng thành những đặc khu kinh tế. Xây dựng thành công đặc khu kinh tế sẽ kéo theo cả khu vực, quốc gia cùng phát triển. Thâm Quyến phát triển từ nền kinh tế kế hoạch sang thị trường, chính vì thế có nhiều thứ phải tìm tòi, học hỏi làm rồi mới tổng kết kinh nghiệm. Việc xây dựng Đặc khu kinh tế Thâm Quyến có tác dụng thí điểm cho đường lối phát triển, cải cách mở cửa của đất nước Trung Quốc.
+ Bà từng tham quan Khu kinh tế Vân Đồn, từ kinh nghiệm của mình, bà đánh giá thế nào về tiềm năng, lợi thế của khu kinh tế này?
- Vân Đồn là địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển thành đặc khu kinh tế, bởi trước đây đã từng là thương cảng sầm uất, nơi có điều kiện phát triển thủy sản, du lịch...
Nhưng để phát huy được những tiềm năng đó thì còn có nhiều việc phải làm. Cụ thể: Đó là kết cấu hạ tầng cần được đầu tư nhiều hơn, hệ thống giao thông phải thuận lợi. Ví dụ có thể so sánh, từ Hồng Kông đến Hà Nội tôi chỉ mất có 1 giờ đồng hồ, thế nhưng từ Hà Nội đến Quảng Ninh lại mất đến 4 giờ. Điều này thể hiện tính bất cập ở hạ tầng giao thông hiện nay.
Để phát triển ngành du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở Vân Đồn thì phải liên kết với Vịnh Hạ Long và các điểm du lịch khác trong tỉnh. Quảng Ninh cần phải định vị được trong quan hệ với các khu kinh tế đặc biệt khác trong nước và quốc tế, tìm ra ngành nghề phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương.
Theo đánh giá của tôi, Vân Đồn hiện có những điều kiện thuận lợi hơn Thâm Quyến ngày trước rất nhiều: Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh, nằm trong tam giác kinh tế phía Bắc, có những điều kiện thuận lợi về thiên thời, địa lợi và ưu thế đi sau, hiện chỉ còn thiếu nhân hòa.
Để có được điều này, theo tôi Chính phủ Việt Nam phải giao cho Quảng Ninh những cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó, kinh nghiệm cho rằng muốn thay đổi hoàn cảnh thì trước hết phải thay đổi con người, chính vì thế phải xây dựng đội ngũ nhân tài có tinh thần sáng tạo, có quan niệm hiện đại, dám làm thì mới thay đổi được môi trường, hoàn cảnh. Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam phải hỗ trợ chính quyền địa phương, không nên chỉ trông cậy vào ngân sách mà cần phải mở rộng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Một yếu tố cần thiết nữa đối với Vân Đồn, đó là: Phải định vị rõ ràng phát triển thành đặc khu kinh tế như thế nào? Lấy ngành gì là ngành phát triển chủ đạo?
Được biết, Quảng Ninh đề ra định hướng phát triển từ “nâu" sang "xanh”, phát triển du lịch và khoa học công nghệ, vậy thì cũng phải có định hướng phát triển rõ ràng cho Vân Đồn. Nếu Vân Đồn phát triển hệ thống sân bay, tôi kiến nghị nên lấy tên là sân bay Vịnh Hạ Long chẳng hạn, không nhất thiết là sân bay Vân Đồn để nâng tầm địa vị của nó lên.
+ Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Đỗ Phương – Minh Tiến
Liên kết website
Ý kiến ()