Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:43 (GMT +7)
Văn hóa dân gian vùng làng đảo Hà Nam
Chủ nhật, 19/03/2023 | 07:55:12 [GMT +7] A A
Vùng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) hiện nay gồm có 8 xã, phường với trên 6 vạn dân, khởi nguồn từ một bãi triều lớn ở cửa sông Bạch Đằng. Đây là một vùng đất có mật độ di sản văn hóa dân gian đặc sắc mang đậm yếu tố sông nước.
Cư dân vùng làng đảo Hà Nam có gốc gác từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng đến đây định cư. Vì vậy, theo quy luật trung tâm và ngoại diên càng xa cội nguồn càng được lưu giữ nên nơi đây còn bảo tồn khá nguyên vẹn văn hóa dân gian truyền thống của người Việt ở vùng châu thổ sông Hồng về các mặt tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán dân gian, hội hè đình đám, những tri thức dân gian.
Đây là vùng đất có nhiều lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc. Nhân dân vùng đảo Hà Nam tưởng nhớ công lao của 19 vị Tiên công nên cho dựng miếu thờ ở trung tâm đảo Hà Nam nay thuộc địa phận xã Cẩm La gọi là miếu thờ Thập cửu Tiên Công. Hằng năm, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội Tiên Công từ ngày 5 đến 7 tháng Giêng với nghi lễ rước cụ thượng và các trò chơi dân gian vùng sông nước. Năm 2017, Lễ hội Tiên Công đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài miếu ở Cẩm La thì nhân dân thôn Trung Bản, xã Liên Hòa cũng lập miếu riêng để thờ nhị vị Tiên Công là cụ Hoàng Nông và Hoàng Nênh.
Bên cạnh lễ hội Tiên Công còn nhiều hội làng. Mỗi làng ở đảo Hà Nam xưa đều có một ngôi đình cổ kính gắn bó với một ngôi đền hoặc miếu thờ thành hoàng. Năm nào các làng cũng mở hội ở đình làng. Hiện nay, một số ngôi đình còn giữ được nhiều thần tích, thần sắc, văn bia, câu đối, đại tự, đồ thờ tự có giá trị và đã được kiểm kê xếp hạng là đình Cốc, đình Lưu Khê, đình Trung Bản, đình Hải Yến, đình Hưng Học.
Lễ hội xuống đồng ở Hà Nam vào đầu vụ mùa cũng là lễ hội độc đáo mang tính chất nông lịch. Đồng thời, lễ hội xuống đồng với nhiều hoạt động phong phú cũng mang tính văn hóa thể thao truyền thống có ý nghĩa giáo dục sức mạnh của tinh thần cố kết cộng đồng, chống lại thiên tai ở vùng cửa sông nhiều mưa bão. Lễ hội truyền thống này có từ lâu nhưng mai một dần đến năm 2007 thì được phục dựng trở lại.
Về phong tục tập quán, vùng làng đảo Hà Nam có tục thờ thành hoàng làng, tục thờ mẫu, thờ sơn thần, thần biển, thần sông và một số nhân thần khác. Các vị thần được thờ ở đình, ở đền, ở miếu đa số là các nhân thần như: Đức thánh Trần Hưng Đạo, Đức thánh Niệm Phạm Tử Nghi, Quốc sư Huyền Quang, các vị Tiên Công. Các vị thiên thần được thờ là Mẫu Liễu Hạnh, Tam tòa Thánh Mẫu, thần núi, thần biển. Bên cạnh đó, còn có tục thờ những người con của quê hương có công bảo vệ đê điều, giúp dân sản xuất, chiến đấu bảo vệ quê hương. Vùng Hà Nam đã thần thánh hóa một chiến sĩ cách mạng tiền khởi nghĩa để lập đền thờ gọi là nữ thần Minh Hà. Các tập tục thờ cúng tổ tiên dưới hình thức gia tiên hay thờ tại từ đường, tập tục tang ma, cưới xin, hội hè, đình đám tại làng đảo Hà Nam cơ bản được bảo lưu nguyên vẹn từ văn hóa dân gian truyền thống của người Việt ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Bên cạnh các lễ hội dân gian truyền thống, hội làng, lễ tại các từ đường dòng họ thì đảo Hà Nam còn có di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc là hát đúm. Hát đúm là loại hình dân ca gắn với quá trình quai đê lấn biển lập làng của cư dân bên sông Bạch Đằng. Hát đúm sinh thành từ đời sống lao động của nhân dân, được nhân dân lưu giữ. Lời hát đúm chứa đựng hàm lượng tri thức cao về lao động sản xuất, ứng xử trong mối quan hệ với tự nhiên, với gia đình, xóm làng, xã hội. Bởi vậy, thông qua hát đúm có thể giáo dục nguồn cội, nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ.
Phạm Học
- Lễ hội đền Bà Triệu nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Thêm 14 di sản ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
- Festival “Về miền Quan họ -2023”- Kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể
- Đề xuất Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho phép sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa
Liên kết website
Ý kiến ()