Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 10:44 (GMT +7)
Văn hoá giao thông - "dạy con từ thuở còn thơ"
Chủ nhật, 27/09/2015 | 05:15:49 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây người ta thường hay nói đến việc tuyên truyền, giáo dục văn hoá giao thông như là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hiện nay. Điều này là hoàn toàn có cơ sở thực tế, bởi trong điều kiện đường sá còn nhiều mặt hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu và mật độ người, phương tiện tham gia giao thông đang ngày một tăng nhanh thì ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông phải được đặt lên hàng đầu. Hay nói cách khác, việc tuyên truyền, giáo dục để mọi người dân có hành vi ứng xử một cách văn hoá khi tham gia giao thông là điều vô cùng cần thiết hiện nay.
Với trẻ em, việc giáo dục văn hoá giao thông lại càng quan trọng hơn. Bởi xét cho cùng, cũng như những chuẩn mực đạo đức khác, văn hoá giao thông chỉ có thể trở thành một thói quen ứng xử đẹp khi nó được tạo dựng từ lúc còn bé. Các cụ ta xưa vẫn thường nói: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Một đứa trẻ mà từ bé đã được dạy dỗ, nhắc nhở những việc nên hay không nên làm điều này, điều nọ v.v.. chắc chắn sẽ có cách ứng xử khác với những đứa trẻ mà người lớn không quan tâm đến điều đó. Một đứa trẻ được sống trong một môi trường có văn hoá, hàng ngày chứng kiến những hành vi đẹp, trong đó có nét đẹp khi tham gia giao thông, của người lớn, chắc chắn sẽ có thói quen tốt khi tham gia giao thông. Điều này thì ai cũng biết, nhưng tiếc thay, ngay cả những người biết thì đôi khi vẫn “bỏ qua”… Có lần đi qua cổng một trường tiểu học, nhìn cảnh ô tô, xe máy đưa đón học sinh đỗ la liệt cả ra lòng đường bất chấp quy định về an toàn giao thông, người viết bài này tự hỏi: Những đứa trẻ được đưa đón ấy sẽ nghĩ thế nào về văn hoá giao thông khi chính bố hay mẹ chúng cũng coi thường điều đó? Chắc chắn, trong số các bậc phụ huynh ấy có không ít người là cán bộ, công chức; vậy thì liệu những đứa trẻ sẽ học được gì khi chứng kiến hành vi của những người được coi là “có văn hoá” này? - Điều ấy thiết nghĩ chẳng cần nói thì ai cũng hiểu...
Đó chỉ là một trong rất nhiều hiện tượng người lớn đã nêu “gương xấu” cho trẻ em khi tham gia giao thông. Và từ chuyện này lại nhớ chỉ cách đây mấy ngày, Báo Quảng Ninh đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Sở GD-ĐT tỉnh, phát động cuộc thi viết, vẽ, chụp ảnh về ATGT trong học sinh. Chợt nghĩ, liệu có em học sinh nào đó lại lấy chính “tấm gương” của bố mẹ hay người thân làm đề tài cho tác phẩm dự thi của mình thì sao nhỉ?
Trung Luận[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()