Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 12:50 (GMT +7)
Văn hóa – Nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững
Chủ nhật, 02/02/2020 | 07:36:16 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là vùng đất có bề dày trầm tích văn hóa hàng nghìn năm lịch sử với nhiều nét riêng, đặc thù. Thấm nhuần và cụ thể hóa những chủ trương lớn của Đảng ta, tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển văn hóa, góp phần xây dựng nên thương hiệu về vùng đất và con người Quảng Ninh.
Quá trình phát triển cũng giống như thực trạng chung cả nước, có những giai đoạn việc xây dựng và phát triển văn hóa ở Quảng Ninh không được coi trọng, nhiều di sản bị tàn phá, mai một, quên lãng vì cả lý do chủ quan và khách quan... Cho tới hơn 30 năm trở lại đây, cùng với sự đổi mới về phát triển kinh tế cũng là giai đoạn Quảng Ninh đạt tới đỉnh cao về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử được tổ chức thường niên, tạo thành sản phẩm văn hóa hấp dẫn du khách. |
Giai đoạn này, nhiều di chỉ của người Việt cổ, di tích thời Lý, Trần... được khảo cổ với quy mô lớn, đóng góp vào quá trình bảo tồn văn hóa lịch sử của Việt Nam, đồng thời là cơ sở khoa học cho việc phục dựng, trùng tu, tôn tạo các di sản. Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 600 di sản văn hóa vật thể và 362 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 55 di tích cấp quốc gia, 83 di tích cấp tỉnh, còn lại di tích đã kiểm kê, phân loại; 6 di sản đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Không chỉ có số lượng lớn di sản mà quy mô, tầm vóc các di sản của Quảng Ninh cũng rất đáng nể so với các địa phương trong cả nước.
Khoảng chục năm trở lại đây là giai đoạn Quảng Ninh đầu tư lớn nhất để xây dựng các công trình văn hóa, từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Có thể kể ra các công trình văn hóa cổ tiêu biểu được trùng tu, tôn tạo cùng với cơ sở hạ tầng du lịch dịch vụ hiện đại đi kèm, như: Khu di tích (KDT) Yên Tử, KDT nhà Trần tại Đông Triều, KDT đền Cửa Ông, chùa Ba Vàng, chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm... Cùng với đó là hàng trăm di tích khác được tôn tạo ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh, đã thu hút hàng triệu lượt người tới tham quan hàng năm.
Các công trình văn hóa đương đại cũng được đầu tư xây dựng, trở thành những công trình văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Ở cấp tỉnh phải kể đến các công trình có quy mô hiện đại, hoành tráng, như: Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ, Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi, thu hút các sự kiện lớn mang tầm quốc tế và khu vực. Ở cấp huyện, các địa phương đã thành lập Trung tâm Truyền thông và Văn hóa, trong đó 12 địa phương được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất với tổng mức đầu tư hơn 484,5 tỷ đồng. Đặc biệt, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ tại TP Móng Cái mang biểu trưng văn hóa Việt Nam, đã trở thành công trình văn hóa lớn nhất trên biên giới đất liền của Việt Nam. Nhiều địa phương đã thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý kinh doanh các công trình văn hóa - thể thao có quy mô lớn, như: TX Đông Triều, Quảng Yên, TP Uông Bí... Ngành than đã đầu tư nhiều công trình văn hóa hiện đại, làm thay đổi diện mạo và đời sống văn hóa các địa phương trong tỉnh.
Để có hàng loạt công trình lớn như vậy, những năm qua, tỉnh đã dành nguồn lực thỏa đáng tương xứng với mức tăng thu ngân sách của tỉnh, cùng với nguồn lực rất lớn được huy động từ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Theo thống kê, tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách tỉnh bố trí cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực văn hóa thể thao trong 5 năm qua đạt gần 3.900 tỷ đồng, chiếm 6% trên tổng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Sau khi Nghị quyết số 11-NQ/TU của tỉnh về xây dựng văn hóa - con người Quảng Ninh được ban hành, tỉnh đã dành gần 900 tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư cho văn hóa. Cùng với đó, trong 5 năm qua, từ nguồn lực xã hội hóa, các di tích quốc gia đặc biệt đã được đầu tư tôn tạo với kinh phí cả chục nghìn tỷ đồng; 15,9% di tích cấp quốc gia, 22% di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp, xây mới với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng.
Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Quảng Ninh, một trong những công trình văn hóa được tỉnh đầu tư với quy mô lớn. |
Từ sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa, ngành công nghiệp văn hóa bắt đầu hình thành, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các sản phẩm văn hóa - du lịch, tiêu biểu như Sun Group, FLC... Các lễ hội văn hoá, lịch sử truyền thống được tổ chức hiệu quả tại các địa phương, trong đó có nhiều lễ hội mới trở thành sản phẩm văn hóa thường niên như: Lễ hội Carnaval, lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, hội hoa sở Bình Liêu, lễ hội trà hoa vàng... Đặc biệt, Vịnh Hạ Long ngày càng khẳng định danh tiếng và vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế, không chỉ từ các giá trị thiên nhiên mà còn từ sự đổi mới trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị bền vững di sản.
Quảng Ninh cũng là vùng đất của văn học nghệ thuật. Hiện nay, Quảng Ninh có 540 hội viên, trong đó có 135 hội viên các hội chuyên ngành VHNT trung ương, là một trong những địa phương có số văn nghệ sĩ đông nhất. Đến nay có 5 tác giả đoạt Giải thưởng Nhà nước về VHNT; 2 Nghệ sĩ Nhân dân và 15 Nghệ sĩ Ưu tú cùng hơn 400 nghệ sĩ được tỉnh công nhận là Nghệ sĩ Vùng mỏ.
Cùng với đó, Quảng Ninh đã quan tâm, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Theo đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thực hiện gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, toàn tỉnh có 313.376 hộ (chiếm 91,6%) đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 1.060 Làng, khu phố văn hóa (chiếm 67,5%), 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 56,7%), 717 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (tỷ lệ 52,4%). Việc xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội được các địa phương chú trọng triển khai thực hiện, người dân đồng tình ủng hộ, xóa bỏ những hủ tục và tiếp thu có chọn lọc luồng văn hóa mới phù hợp với bản sắc vùng, miền, địa phương. Thống kê trong 5 năm qua cho thấy, 7.313/7.548 (đạt 96,9%) đám cưới, 4.920/4.975 (đạt 98,9%) đám tang thực hiện nếp sống văn minh...
Như vậy, thành tựu trong xây dựng, phát triển văn hóa đã từng bước trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng trở lại phục vụ cho sự phát triển của tỉnh - một trung tâm văn hóa, du lịch, dịch vụ hàng đầu của đất nước. Đây cũng là cơ sở để Quảng Ninh tự tin tiên phong bước vào kiến thiết nền công nghiệp văn hóa trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()