Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 15:34 (GMT +7)
Văn hóa thưởng trà của người Việt
Thứ 5, 31/03/2022 | 07:44:29 [GMT +7] A A
Trà Việt đã có từ lâu đời. Theo thời gian, thức uống này dần trở thành nét văn hóa riêng biệt được bao đời gìn giữ.
Người Việt sử dụng trà như một thức uống thân quen trong đời sống. Một tách trà được ví như khởi đầu cho những câu chuyện hàn huyên, giao lưu bạn hữu. Cứ thế, trà gắn liền với con người và cả nền văn hóa phương Đông.
Một số tác giả là nhà nghiên cứu, nghệ nhân đã chỉ ra vẻ đẹp của thức uống bình dị mà tao nhã này qua những cuốn sách, từ đó nói lên phong thái người Việt và cảnh quan của nhiều vùng, miền trên cả nước.
Trà trong đời sống gia đình
Thưởng trà dưới mái hiên nhà là cuốn sách được viết bởi đôi vợ chồng Nguyễn Việt Bắc và Lê Ngọc Linh. Sự kết hợp đó đến từ người chồng có hơn 10 năm kinh nghiệm gắn bó với trà và người vợ - một cây viết.
Những đoạn chia sẻ kiến thức về trà, mùi hương, ấm chén được tác giả Nguyễn Việt Bắc mở đầu bằng chữ “chồng”. Còn những trang sách bắt đầu bằng chữ “vợ” gồm nhiều câu chuyện nhỏ to, nhẹ nhàng từ tác giả Lê Ngọc Linh. Đó là trải nghiệm của cô trong quá trình tìm hiểu về trà cùng chồng.
Với cách trình bày và lối viết thú vị, hơn 200 trang sách sẽ khiến bạn đọc bị lôi cuốn vào những đồi chè bất tận và dư vị khó quên của từng tách trà.
Đan xen những câu chuyện của đôi vợ chồng này là kiến thức về tác dụng của trà trong đời sống gia đình, cách thức chọn ấm chén cho bàn trà tại gia và vẻ đẹp văn hóa thưởng trà của người Việt.
Bên cạnh đó, hai tác giả còn hướng dẫn cách tạo ra mùi hương cho trà từ những loài hoa quen thuộc như sen, cúc, nhài…
Hai giọng văn đến từ hai con người có chung một niềm đam mê với trà khiến tác phẩm trở nên nhẹ nhàng, thú vị như một ấm trà ngon giữa nhịp sống hối hả ngày thường.
Thú vui thưởng trà
Nguyễn Ngọc Tuấn được biết đến là nghệ nhân trà truyền thống. Ông có 3 cuốn sách viết về trà: Trà thượng ty - 54 giai thoại trà; Phác thảo danh trà Việt Nam và Thưởng trà: Thật đẹp, thật vui.
Cuốn sách thứ ba mới lên kệ gần đây là câu chuyện xoay quanh 6 yếu tố: Nước, trà, pha trà, chọn ấm chén, âm nhạc, không gian. Theo tác giả, đó là những điều kiện cần và đủ để có một ấm trà thơm ngon đúng điệu, như ông cha ta từng có câu: “Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm”.
Không chỉ bàn về nghệ thuật thưởng trà, cuốn sách còn cho độc giả thấy được đan xen trong đó là niềm tự hào của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn về văn hóa trà Việt thông qua những chi tiết kể về lịch sử của thứ đồ uống này.
Trong lời giới thiệu sách, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn chia sẻ: “Đất Việt vốn là một trong những cái nôi sinh trưởng cây chè trên thế giới. Nhờ đó người Việt đã biết sử dụng lá chè nấu với nước làm thức uống, làm dược liệu từ xa xưa. Dần dần qua việc giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực châu Á chúng ta học được cách chế biến lá chè, búp chè tươi thành các loại trà khô, trà bánh, trà bột để giao thương sản phẩm ẩm thực này”.
Trước đó, tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn từng thể hiện niềm đam mê với trà qua cuốn Phác thảo danh trà Việt Nam. Cuốn sách là sự tổng hợp đầy chi tiết về tên gọi, đặc điểm, sự phân bố và lịch sử của các loại trà Việt.
Hay trong cuốn Trà thượng ty - 54 giai thoại trà, ông cũng trình bày những giai thoại thú vị về trà, từ câu chuyện tuổi thơ của tác giả đến trải nghiệm của những người trong nghề.
Thông qua cả 3 tác phẩm, tác giả muốn gửi gắm tình yêu và niềm trân quý trước thức uống dân dã mà thanh tao này của người Việt.
Khám phá trà Việt
Ngang dọc đường trà là cuốn sách của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng. Theo ông, trà không chỉ là kết tinh của tạo vật, sự thanh khiết, hương thơm; mà còn là thức uống có khả năng đưa con người tìm về với sự an yên trong tâm hồn.
Sách gồm 4 phần chính. Ở phần đầu tiên, bạn đọc sẽ được theo chân tác giả dọc ngang 3 miền, đi đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó, ta vừa bất ngờ trước những đồi chè, vừa cảm nhận được non nước tươi đẹp, thanh bình của Tổ quốc.
Sau khi giới thiệu những nơi trồng trà ngon, tác giả làm rõ vai trò của trà trong cuộc sống cũng như phong tục của người Việt.
Cách trồng, canh lửa, quan sát nhiệt độ khi đun nước, pha trà là những chi tiết tỉ mẩn được miêu tả trong phần hai.
Còn ở phần thứ ba, độc giả sẽ thực sự được mở mang tầm mắt trước nghệ thuật thưởng trà. Tiếp đến, tác giả bàn về cách sử dụng trà như một vị thuốc.
Cuốn sách ghi lại hành trình 10 năm của Đỗ Quang Tuấn Hoàng khi ngao du, thưởng ngoạn cảnh đẹp. Nhiều lần trong số những chuyến đi ấy, ông theo chân thương nhân khám phá các địa danh trồng chè quý hiếm.
Do đó, mỗi trang viết của ông có đặc điểm của thể loại du ký. Câu chuyện về trà hiện lên vừa phóng khoáng, chân thật; lại vừa chứa đựng niềm đam mê bất tận của một lữ khách đối với thứ đồ uống có lịch sử lâu đời này.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()