Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:13 (GMT +7)
Văn hoá ứng xử nơi lễ hội: Ý thức là ở mỗi người
Chủ nhật, 20/02/2022 | 16:07:59 [GMT +7] A A
Năm nào cũng thế, cứ mỗi dịp đầu năm - mùa khai hội là các cơ quan chức năng, từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lại phải có các văn bản nhắc nhở, vận động mọi người hãy ứng xử văn hoá, văn minh tại các lễ hội. “Biết rồi, khổ lắm nói mãi!”. Biết là thế nhưng việc tuyên truyền, vận động cũng là không thừa.
Như một thông lệ, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa ban hành văn bản gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2022. Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân nhằm thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế; thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Các đơn vị cần giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.
Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều di tích, nhiều hội đình, chùa, hội làng, lễ hội văn hoá diễn ra dịp đầu xuân như lễ hội miếu Tiên Công, hội xuân Yên Tử, hội đền Cửa Ông, hội đình Lục Nà... Theo thống kê của Sở Du lịch, từ ngày 1/2-15/2, Quảng Ninh đã đón trên 837.000 lượt khách, trong đó đa số là khách đi du lịch tâm linh. Các điểm thu hút đông du khách là Khu di tích và danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (180.000 lượt), đền Cửa Ông (90.000 lượt), chùa Cái Bầu (55.000 lượt), vịnh Hạ Long (9.100 lượt)... Lượng khách lưu trú đạt khoảng 40.000 lượt. Mặc dù một số điểm du lịch tâm linh không tổ chức khai hội thường niên nhưng lượng du khách đổ về vẫn rất đông.
Nhờ làm tốt công tác tổ chức, quản lý, việc chấp hành các quy định về ứng xử văn hoá, văn minh trong lễ hội tại các điểm di tích, du lịch tâm linh ngày càng tốt hơn. Ban tổ chức lễ hội, ban quản lý các di tích thường xuyên tuyên truyền, vận động du khách ứng xử có văn hóa trong lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục; không nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội. Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường. Để phòng chống dịch Covid -19, tại các điểm có mở hội, các nghi lễ được tổ chức hạn chế số lượng người tham gia, thực hiện theo quy mô nhỏ, bảo đảm trang nghiêm, thành kính, tuân thủ đầy đủ yêu cầu về phòng, chống dịch.
Tại Yên Tử, đền Cửa Ông - những điểm du lịch tâm linh thu hút đông du khách nhất dịp này, công tác tổ chức, quản lý lễ hội được thực hiện chặt chẽ. Tình trạng chèo kéo du khách mua măng, mua gậy, ăn xin, bói toán, xả rác bừa bãi... đã trở thành dĩ vãng. Cũng từ được tuyên truyền, người dân cũng như du khách đi lễ hội đã chấp hành nghiêm quy định của ban tổ chức, trật tự xếp hàng vào ga cáp treo, ăn mặc lịch sự, giữ gìn vệ sinh môi trường. Rõ ràng, có được điều này có yếu tố quan trọng là ý thức của mỗi người.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()