Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 04:57 (GMT +7)
Để viết hay về đề tài người chiến sĩ công an nhân dân
Thứ 2, 05/06/2023 | 08:13:36 [GMT +7] A A
Trại sáng tác văn học năm 2023 vừa được Bộ Công an tổ chức trong vòng 15 ngày bên bờ Vịnh Hạ Long xinh đẹp, kỳ quan thiên nhiên thế giới với mục đích tạo ra môi trường văn chương đích thực để các nhà văn sáng tác nên các tác phẩm viết về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân.
Tham dự trại sáng tác có 35 nhà văn và tác giả trong và ngoài lực lượng công an nhân dân. Trại tập hợp những người viết trên phạm vi cả nước, đến từ nhiều vùng miền, làm nhiều ngành nghề khác nhau. Trại viên trẻ nhất 28 tuổi, cao tuổi nhất đã gần 80. Ban Tổ chức đã tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp các nhà văn tìm được nguồn cảm hứng sáng tác, tìm được những chất liệu lấy từ thực tế. Có thể nói, trại sáng tác là môi trường chuyên nghiệp để các nhà văn tự do sáng tạo tác phẩm. Thời gian 2 tuần là không quá dài nhưng cũng đủ để giúp các nhà văn có thêm những hiểu biết về địa lý, lịch sử và văn hóa của tỉnh Quảng Ninh; có những cái nhìn toàn diện về cuộc sống, công việc thường ngày của cán bộ, chiến sĩ một số đơn vị trong lực lượng công an nhân dân.
Cục Truyền thông Công an nhân dân, Nhà xuất bản Công an nhân dân là đơn vị được Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam giao là đơn vị thường trực, tổ chức và đồng hành cùng nhà văn trong các hoạt động sáng tác. Cục Truyền thông Công an nhân dân đã tổ chức để các nhà văn thâm nhập thực tế tại một số đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Quảng Ninh, Trại giam Quảng Ninh để tiếp xúc với những nhân chứng, người thật, việc thật. Trong chương trình hoạt động của Trại sáng tác, các nhà văn, nhà báo có buổi gặp mặt, trao đổi với lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Trại giam Quảng Ninh. Tại buổi gặp mặt, giám thị của trại đã thông tin tình hình công tác của Trại giam Quảng Ninh trong thời gian qua, thông tin một số nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ; đồng thời chia sẻ trong thời gian tới, đơn vị sẵn sàng cung cấp tư liệu, nhân vật giúp các nhà văn có cảm hứng và thực tế sáng tác. Các nhà văn cũng được tham quan các khu lao động của phạm nhân, chứng kiến công việc hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ Trại giam...
Đoàn nhà văn dự trại sáng tác đã đến Trà Cổ, mọi người có thể cảm nhận được sự thiêng liêng của miền đất biên giới, với cột mốc số 0, điểm bắt đầu chiều dài 3260km đường bờ biển Việt Nam "Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước". Cũng trong chương trình trại sáng tác, các nhà văn được đưa đến Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng tại Quảng Yên. Có thể nói, đây là điều kiện tốt để các nhà văn có thêm những cảm hứng sáng tác về đất và người Quảng Ninh.
Đại tá Trần Cao Kiều, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân, cho biết: Trại sáng tác đã tạo điều kiện thuận lợi để các nhà văn thu thập được những chất liệu phù hợp với cảm hứng sáng tác với nội dung chủ yếu tập trung vào hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân và yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự của lực lượng công an nhân dân. Để từ đó, tạo thành sức mạnh hun đúc nên những tác phẩm văn học có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, góp phần tuyên truyền sâu rộng để nhân dân thấu hiểu, tin tưởng, ủng hộ và đồng hành cùng lực lượng công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị để tiến hành công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là dịp để các nhà văn được tham quan thực tế tại các địa danh nổi tiếng, gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc và những giá trị văn hóa thiêng liêng của đất nước.
Cũng trong khuôn khổ trại sáng tác, Công an tỉnh Quảng Ninh và Cục Truyền thông Công an nhân dân tổ chức Toạ đàm trao đổi thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo các phòng Cảnh sát Hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thông tin tình hình an ninh trật tự và một số vụ án điển hình của Công an tỉnh đã gặp gỡ các nhà văn. Đây là dịp để các nhà văn, nhà báo hiểu hơn về công việc của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Ninh để làm thực tế sáng tác trong các tác phẩm.
Thượng tá Phạm Văn Phú, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh đã thông tin sơ bộ cho các nhà văn về tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn Quảng Ninh, về công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh, những thành tích, chiến công và một số vụ án trọng điểm của Công an tỉnh Quảng Ninh. Anh cũng chia sẻ về những khó khăn, gian khổ trong chiến đấu và cả trong cuộc sống đời thường của người chiến sĩ công tác trong lĩnh vực phòng, chống ma túy.
Đặc biệt hàng ngày, sau những chuyến thực tế sáng tác đều có những “sa-lông” văn chương diễn ra ở Trại sáng tác. Các nhà văn hẹn gặp nhau đều sôi nổi trao đổi nghề nghiệp. Những đối thoại văn chương vì thế cứ được mở ra, là môi trường văn chương mà trại sáng tác ở Quảng Ninh hứa hẹn mang đến cho nhà văn, cơ hội để các nhà văn chia sẻ thực tế sáng tác của mình, học hỏi thêm kinh nghiệm của bạn viết... Kết quả là trong trại sáng tác tại Quảng Ninh vừa qua đã có 35 nhà văn trong cả nước đến thực tế sáng tác có người đã nộp đề cương, có người nộp vài chương bản thảo. Cá biệt có nhà văn đã hoàn thành tiểu thuyết sau 15 ngày dự trại.
Sau trại này cũng có thêm hàng chục nhà văn đăng ký đề tài và gửi đề cương tham gia cuộc thi. Các nhà văn người Quảng Ninh như: Dương Hướng, Uông Triều, Đinh Phương hay Đặng Thị Thúy, dù không có tên trong danh sách nhưng cũng đã tham gia trại sáng tác. Nhà văn Trần Ngọc Dương đã tham dự cuộc thi với tác phẩm "Đường chân trời" viết về cuộc sống, chiến đấu, những khó khăn, vất vả và những chiến công của lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy ở một tỉnh vùng Đông Bắc. Nhà văn Vũ Thảo Ngọc tham dự trại với tiểu thuyết "Miền cửa sóng" viết về làng quê trong sự biến đổi tư duy tập tục sinh hoạt làng xã, văn hóa tín ngưỡng, an ninh trật tự ở địa bàn khi làng biến thành phố.
Bên cạnh những tác phẩm với đề tài phản ánh công tác đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng lực lượng công an nhân dân, trong đó phản ánh đậm nét về cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng công an nhân dân, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc cuộc thi lần này còn khuyến khích các tác giả viết về những vấn đề mới đặt ra trong tình hình hiện nay. Đó là những vấn đề nóng liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh phi truyền thống: Vấn đề an ninh môi trường, an ninh con người, an ninh mạng, an ninh lương thực, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm khủng bố.
Theo đánh giá, những cuộc vận động sáng tác văn học như thế này không chỉ làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền chính trị sâu rộng về cuộc sống chiến đấu và những gian khổ hy sinh của người chiến sĩ công an nhân dân mà còn định hình và phát triển vững chắc một mảng đề tài văn học liên quan đến lực lượng công an nhân dân, đồng thời cũng tạo được hấp lực đối với các nhà văn, các cây viết tham gia sáng tác các tác phẩm thuộc mảng đề tài này ra đời rất thu hút sự chú ý của độc giả. Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn, cho rằng, trại sáng tác tổ chức thành công thì cuộc thi sẽ thành công và đây là một cuộc thi mà những ai thiện lành, yêu văn học đều kỳ vọng vào. Theo ông, văn học Việt Nam trong vài chục năm gần đây phát triển hết sức rầm rộ, nhiều khuynh hướng, đề tài, hệ thẩm mỹ, quan niệm khác nhau, đạt đến độ cởi mở gần như tuyệt đối. Nhưng có một vấn đề Hội Nhà văn Việt Nam nhận thấy cần phải lưu ý là dường như hiện nay nhân vật người tốt thuần túy đang vắng bóng hoặc thưa thớt dần trong các tác phẩm văn học.
Cũng theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, các vấn đề trung tâm đặt ra trong trại sáng tác rất “nóng” hiện nay. Khi đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì vấn đề bảo đảm an ninh càng khó khăn, phức tạp. “Người chiến sĩ công an luôn bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân nhưng họ không phải là siêu nhân, không phải là cái máy để duy trì pháp luật. Họ cũng là con người bình thường, có yêu ghét, mưu cầu, nhu cầu hạnh phúc cá nhân cho riêng mình, có quan hệ cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái. Do tính chất nghề nghiệp, đôi khi họ phải hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình phục vụ cho hạnh phúc của cộng đồng, phải đánh đổi sự an toàn của mình cho cộng đồng. Ở bình diện công việc, đó là trách nhiệm nhưng khi trách nhiệm được thực thi một cách triệt để, thành tâm đến mức dùng cả tính mạng của mình thì trách nhiệm đã chuyển hóa thành lương tri và đạo đức. Khi nghĩa vụ, trách nhiệm của họ biến thành đạo đức thì đó là người tốt hoàn hảo. Văn học cần phải soi sáng người chiến sĩ công an nhân dân ở góc độ này”, nhà văn Nguyễn Bình Phương đề nghị.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()