Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 07:18 (GMT +7)
Vàng đen trong lòng tay thợ lò
Thứ 2, 05/12/2022 | 09:25:15 [GMT +7] A A
Thật hiếm có ngôi chùa nào đẹp như chùa Cái Bầu ở Vân Đồn, Quảng Ninh. Chùa có “Thiền viện Trúc Lâm Giác tâm” mặt hướng ra biển. Ở đó mỗi sớm tôi hay gặp những sư cô trẻ tuổi, họ đang tu tập, cầu nguyện, quét lá, cắm hoa. Mỗi người có một phận đời như một cây thông trên đỉnh núi, mỗi cây thông thường nhìn biển cuối ngày vỗ sóng lên bờ đá mà sắc sắc không không. Khác hẳn với bậc chân tu, ngày nghỉ cuối tuần nhiều thợ mỏ ở ven biển đã ra bãi biển mua sắm và ăn uống. Gần nhất là mỏ Mông Dương chỉ cách một sải bay chừng 2 cây số.
Ngày mới, những người thợ mỏ vào ca vừa náo nhiệt vừa tưng bừng, nó khác hẳn không gian tĩnh lặng ở Thiền viện Trúc Lâm. Đến Mông Dương bây giờ sầm uất hơn xưa, nhưng hàng hóa tiêu dùng hàng ngày cho vài ngàn người công nhân trên mỏ thì thấy còn khan hiếm nhiều thứ, mặt hàng tiêu dùng chưa phong phú cho đời sống thợ mỏ như trên thành phố lớn.
Thợ lò - Đó là một nghề chuyên biệt, đặc biệt, họ làm việc dưới độ sâu lòng đất dưới -300m so với mực nước biển. Đời thợ mỏ ngày nay đã khác xưa rất nhiều, không chỉ có người dân địa phương ở Đông Triều, Uông Bí hay Mông Dương, mà thợ hầm lò bây giờ ở các mỏ của ngành Than Việt Nam được chú trọng tuyển dụng với xa hơn tầm tay, đó là đội ngũ thợ trẻ các vùng núi cao, trung du, ví dụ như thợ lò là dân tộc Dao, Mông, Tày ở Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên đến học nghề để làm thợ mỏ. Và cũng không thiếu cái khó cho việc các công ty than khi tuyển dụng công nhân, có năm chăm lo đào tạo học nghề xong, thợ lò đi làm thấy khó, thấy cực, họ bỏ việc. Khoảng trống ấy ngành Than đã tìm mọi giải pháp tháo gỡ để giữ chân người thợ lò ở lại với nghề. Dù khó đến mấy thì công tác chăm lo đời sống vật chất cho công nhân đạt hiệu quả toàn diện trong bữa ăn, giấc ngủ, nhà ở và sinh hoạt.
Cứ mùa xuân, mùa lễ hội, các hoạt động văn nghệ, nhu cầu giao thoa văn hóa ở đất mỏ đa sắc hơn. Người ở miền núi cao múa sạp, nhảy sạp thổi khèn Mông, hòa ca với làn điệu dân ca đồng bằng của thợ lò Bắc Bộ. Tất nhiên, thợ lò vẫn có người từ Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh và các vùng lân cận Quảng Yên, Uông Bí đến mỏ Mông Dương, Vàng Danh, Hà Lầm làm việc. Đến đây, bạn sẽ được chứng kiến một cuộc đổi mới toàn diện trong đời sống thợ lò. Khi họ đi làm thợ không phải lo nhà ở nếu được tuyển dụng. Ở các mỏ than Vàng Danh, Mạo Khê, Mông Dương hay Hà Lầm, mọc lên hàng loạt các tòa nhà chung cư hiện đại, có thang máy, mỗi công nhân được công đoàn và lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chăm lo tới từng bữa ăn giấc ngủ. Phòng ở được trang bị điều hoà, tủ lạnh, máy giặt, ti vi, có bể bơi và sân bóng bàn, bóng đá, có bàn bi a. Ở mỏ Vàng Danh có hẳn phòng máy đặt ghế mát-xa cho công nhân khi cần nghỉ dưỡng. Đi đến mỏ thấy sự đổi mới từng ngày trong đời sống của thợ lò.
Tôi đi ca ba, gặp nhân vật điển hình của mỏ than Vàng Danh đang xây dựng cá nhân anh trở thành Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, đó là thợ lò Phạm Đình Duẩn. Anh còn trẻ, 38 tuổi, có 17 năm làm thợ. Một thợ lò từng trải, với 17 năm, Phạm Đình Duẩn còn rất trẻ so với Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía ở mỏ Mạo Khê có 33 năm làm thợ lò. Nhưng đã thấy có một thế hệ thợ lò hôm nay đang tiếp nối những thế hệ thợ mỏ hôm qua đầy vinh quang và tự hào.
Tôi biết hàng ngày với nhịp sống của người thợ mỏ hôm nay là cứ đi xe từ nhà đến cửa lò mất đúng một tiếng, vào nhà ga than chờ đi tàu vào gương than mất thêm một giờ nữa, tan ca, tắm giặt, ăn đêm mất một giờ. Cộng lại một ngày tiêu mất khoảng thời gian là từ 12-13 tiếng đồng hồ. Còn lại phải ngủ, lấy sức và dành thời gian cho gia đình, vợ con. Duẩn tâm sự rằng, bạn thợ của Duẩn những năm vừa mới vào làm mỏ, có bạn từng bị vợ bỏ, vợ chê chồng nghèo. Cảnh gà trống nuôi con một mình trong 7-8 năm, đơn chiếc, khiến Duẩn thương xót bạn vô cùng. Lại có năm thợ lò bị ngạt khí, bạn mất đúng vào dịp tết, mà vợ còn rất trẻ, con còn bé tý. Công ty đã tìm cách nhận vợ thợ lò vào mỏ, làm ở bếp ăn hay nhà đèn, tạo việc làm tình nghĩa cho đời sống hậu phương của mỗi người thợ mỏ.
Những mùa xuân ấy đối với Duẩn là những hy vọng cho tương lai ở bến đợi sân ga than. Duẩn đã đóng góp rất nhiều sáng kiến cho việc khai thác lò. Ở Việt Nam, máy khoan thủ công chưa phát triển, công nghệ máy đào lò, máy khấu than chưa đuổi kịp công nghệ cao như ở hầm Nhật Bản. Sau mỗi chuyến đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia… Duẩn nhìn xa rộng hơn, anh hiểu thợ lò Nhật Bản đời sống cao hơn ở Việt Nam, họ được trang bị cả máy móc công nghệ cao, đỡ tốn sức hơn thợ lò Việt Nam. Duẩn chịu khó mày mò học hỏi, vừa làm vừa học xong thạc sĩ, dù anh vẫn làm thợ lò để tìm cách đóng góp nhiều sáng kiến cải tiến trong lao động sản xuất, nắm bắt thực tiễn trong hầm lò ở Vàng Danh, phải gắng làm sao cho hiệu quả khai thác than công suất cao mỗi tháng mỗi năm.
Mỏ than vẫn còn nhiều máy khoan thủ công chưa phát triển như công nghệ khoan ở hầm lò Nhật Bản hay Hàn Quốc. Máy khấu than ở các nước đều đi trước ta một bước, họ có công nghệ tiên tiến nhằm giải phóng sức lao động chân tay cho con người. Giấc mơ sáng kiến nhân rộng sáng kiến sau khi đi hầm lò ở Kushiro (Nhật bản) Duẩn đi thực tế 3 tháng, anh quan sát và khát vọng cháy bỏng nhiều hơn, để nỗ lực đóng góp sức mình cho mỏ. Thực tế nhìn đời sống thợ lò ở Nhật, ở Trung Quốc, hay Hàn Quốc cho anh câu hỏi: “Vì sao cách khai thác ở mỗi nơi trong lòng đất lại khác nhau và giống nhau?” để tìm ra những vỉa quặng mới, khai quật loại vàng đen mới trong hầm sâu, giải pháp cho người lao động sao cho năng suất hiệu quả… Nhưng sự khác nữa, đó chính là đời sống của công nhân mỏ Nhật Bản hưởng thụ rất cao và họ nhàn hơn so với công nhân Việt Nam một phần nhờ máy móc công nghệ hiện đại. Duẩn mơ ước Việt Nam cũng sẽ tiến tới khoa học công nghệ cao phục vụ cho ngành khai thác mỏ giống như Nhật Bản.
Và ở nhà thể chất của mỏ Vàng Danh, tôi gặp thợ điện Phạm Quang Thiều mới 30 tuổi, trực bơm ở trạm phân phối điện 6 kilo vôn, cho toàn bộ hầm lò, em cho hay: “Bọn em đi làm rồi về phòng đọc sách, hôm nào mệt quá không bơi lội, thì đi nằm ghế mát-xa. Chúng em cũng cố gắng học thêm, đứa chơi ghi ta, học thêm ngoại ngữ nữa, chỉ có điều thợ mỏ toàn con trai, hơi hiếm bạn gái. Tuổi 30 đến 35, chúng em đều chưa có người yêu”.
Nếu làm phép tính trừ đi những thợ lò có vợ ở quê, còn trai tráng thợ lò thì hiếm gặp gỡ được bạn gái ở đường xuống mỏ. Khác với các thợ lò dân tộc Kinh, ở mỏ Mông Dương, thợ lò Hoàng A Phềnh ở huyện Đại Yên, tỉnh Sơn La, đi làm thợ được 6 năm rồi. Anh cho hay, cùng bạn thợ với anh có bạn Mùa A Dua và Chả A Qua cũng làm thợ lò của mỏ. Hồi trước ở làng cũng có người đi làm thuê bên Đông Hưng (Trung Quốc), đi đóng hải sản thuê, khổ lắm mà thu nhập không có bao nhiêu. Được đi làm thợ mỏ, học hỏi, làm được 26 công một tháng có thu nhập 24 triệu đồng/tháng nên vui lắm. Một năm gửi về nhà cho vợ được 70 triệu đồng, em vừa xây xong nhà, có máng nước, có bể nước tiện nghi.
“Được làm chủ đời mình trên đất nước mình sướng hơn đi làm thuê cho nước ngoài. Dù có đi làm ở Campuchia hay Malaysia, Đài Loan đều không đâu bằng ở nhà mình” - Phềnh khẳng định thế. Chỉ mới 6 năm làm thợ lò, con của vợ chồng Phềnh được đi học không lo thiếu chữ, con của Dua cũng vậy. Nhà của Qua còn nghèo nhưng cũng lợp xong mái, mua được hai con trâu để nhân giống cấy cày.
Đời thợ mỏ được lo từ chỗ ngủ đến bữa ăn trưa, ăn sáng, về nhà chỉ lo một bữa thôi, công ty còn lo trang bị thêm đủ thứ, túi xách, ba lô về quê. Không chỉ ở Vàng Danh, Mông Dương, Hà Lầm, Mạo Khê, các mỏ than đã được giám đốc, công đoàn chăm sóc thấu đáo đến đời sống vật chất và tinh thần thợ mỏ. Giấc mơ mua đất, mua nhà riêng của thợ mỏ đang dần dần tiến tới sự an cư lập nghiệp, cho cuộc đời thợ lò làm ra vàng đen, cầm nắm vàng đen trong lòng tay.
Vùng mỏ Quảng Ninh, tháng 11/2022
Ghi chép của Hoàng Việt Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()