Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:04 (GMT +7)
Vì một tương lai xanh
Thứ 5, 10/06/2021 | 06:36:14 [GMT +7] A A
Với sự kiên trì, quyết liệt và linh hoạt trong thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế, đến hết năm 2020, cơ bản các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường của tỉnh đều hoàn thành và vượt; tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn. Song về lâu dài, để phát triển bền vững, Quảng Ninh vẫn còn nhiều việc phải làm, mà quan trọng hơn hết chính là việc giải bài toán về trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay vì một môi trường xanh, tương lai xanh.
Hiệu quả từ các mô hình xử lý rác
Trước kia, hầu hết chất thải từ chăn nuôi và rác sinh hoạt trong gia đình đều được bà con thôn 4, xã Hải Đông (TP Móng Cái), đổ ra bãi tập kết rác của thôn, gây ô nhiễm không nhỏ cho môi trường sống. Thế nhưng, những năm gần đây, bà con nơi đây đã dần hình thành nên một thói quen mới. Rác thay vì đổ vô tư ra môi trường nay đã có những điểm đến mới, đó chính là những hố rác xây bằng gạch có nắp đậy hoặc thùng phuy nhựa, hố đào ở vườn có lót và phủ bằng bạt, được xây dựng tại nhiều hộ dân.
Bà Đinh Thị Ngần, thôn 4, xã Hải Đông, cho biết: Việc ủ rác từ phân trâu, gốc rau với trấu đã tạo thành phân bón. Với loại phân bón này, chúng tôi có thể dùng ngược trở lại để bón cho cây trồng, mà tác dụng lên cây còn tốt hơn nhiều so với phân vô cơ thông thường.
Việc ủ rác hữu cơ đã trở thành một thói quen mới của người dân nơi đây. Cũng nhờ đó, những con đường trở nên sạch sẽ, không còn những hình ảnh phản cảm, cũng không còn thấy mùi xú uế từ chất thải chăn nuôi hay rác thải trước đây vốn gây ô nhiễm. Làng quê nhờ đó cũng trở nên văn minh hơn.
Chị Nguyễn Thị Đông, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Đông, cho biết: Trước kia, mỗi ngày cả thôn phải thu gom đến 3 xe rác đầy, thì nay cũng vẫn là 3 xe nhưng lượng rác đã vơi đi nhiều. Nhân viên thu gom cũng được giảm bớt sự khó nhọc khi vừa thu gom, vừa phải phân loại và xử lý rác.
Không chỉ giải bài toán về rác hữu cơ, để có thể ủ rác thành phân, từ mỗi gia đình phải làm tốt việc phân loại rác tại nguồn. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần giải quyết bài toán kinh tế cho người nông dân.
“Lúc đầu cũng ngại làm, nhưng dần dần có thể tự tay ủ phân từ chính những loại rác bỏ đi trong gia đình, chúng tôi cũng có thể tiết kiệm một khoản chi phí mua phân bón cho cây, vì thế mà ai cũng hào hứng, tích cực” - bà Phạm Thị Mộc, thôn 9, xã Hải Đông, chia sẻ.
Đây có thể coi là một mô hình khá hiệu quả trong việc xử lý rác ở khu vực nông thôn hoặc vùng ngoại ô các đô thị lớn, nơi mà người dân vẫn còn trồng trọt, chăn nuôi. Vì thế, tại TP Móng Cái, mô hình này đã được nhân rộng đến hầu hết các xã, phường, thậm chí cả tại xã đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực và đang triển khai đến các xã biên giới, vùng dân tộc.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện nhiều mô hình hạn chế rác thải của các hội viên phụ nữ và của Đoàn thanh niên, điển hình là mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình và biến rác thải thành tiền, mô hình “Hãy cho cá xin rác thải nhựa” được Đoàn Khối các cơ quan tỉnh phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Cái Chiên (Hải Hà) triển khai thực hiện, mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt…
Nhiều mô hình đã nhận được sự phản hồi tích cực của người dân và du khách; tác động tích cực đến ý thức, trách nhiệm xã hội của người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
Tăng cường xử lý vi phạm
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, do sự thiếu ý thức, thiếu tôn trọng pháp luật của một số đơn vị, tổ chức, cá nhân. Thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tăng cường hiệu quả công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh.
Theo Thượng tá Nguyễn Duy Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại tình trạng một số đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; đổ thải không đúng quy hoạch; vận chuyển vật liệu không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn tình trạng khai thác, tận thu đất, cát trái phép, khai thác ngoài ranh giới được cấp phép; kinh doanh, vận chuyển thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo tiêu chuẩn, nhất là trong các dịp lễ, tết.
Mới đây nhất, ngày 13/5, một đơn vị chuyên sản xuất gốm sứ quy mô lớn trên địa bàn tỉnh vừa bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) bắt quả tang xả thải gây ô nhiễm môi trường. Theo phản ánh của người dân, nhiều năm nay đơn vị thường xuyên xả thải ra hệ thống thoát nước chung của khu dân cư. Trong quá trình hoạt động sản xuất, lực lượng Công an phát hiện công ty này xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp vào môi trường và không tiến hành thu gom chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật.
Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã tham mưu Công an tỉnh ra quyết định xử phạt 80 triệu đồng và yêu cầu công ty phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường.
Trước đó, trong tháng 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cũng ra quyết định xử phạt hành chính 100 triệu đồng đối với một công ty xây dựng về hành vi xả thải tại khu vực không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài xử phạt các đơn vị vi phạm, Công an tỉnh Quảng Ninh còn yêu cầu các doanh nghiệp phải khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường.
Thống kê của Công an tỉnh cho thấy, từ năm 2015 đến nay, Công an tỉnh trực tiếp phát hiện 1.678 vụ đối với 130 tổ chức và 1.578 cá nhân; khởi tố điều tra 23 vụ đối với 1 tổ chức và 48 cá nhân do vi phạm pháp luật về môi trường; với tổng tiền phạt là trên 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã xử phạt 109 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền trên 8,6 tỷ đồng.
Chính việc quyết liệt hơn trong xử lý những vi phạm về môi trường của lực lượng chức năng đã góp phần tích cực giảm thiểu, kiềm chế ô nhiễm môi trường, tạo tính răn đe và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và các tầng lớp nhân dân.
Những nỗ lực được đền đáp
Là một tỉnh có nhiều yếu tố nguy cơ ô nhiễm môi trường, trên thực tế đã từng phải hứng chịu ô nhiễm môi trường ở giai đoạn trước, thế nhưng cho đến nay, với sự quyết liệt, đúng hướng, Quảng Ninh đã đạt nhiều hiệu quả tích cực từ công tác bảo vệ môi trường.
Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 12/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2018-2022 được coi là một trong những kim chỉ nam để soi chiếu trong quá trình thực hiện. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng cường tập trung nguồn lực cho bảo vệ môi trường. Ngân sách nhà nước được bố trí tăng hàng năm, không dưới 3% tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp môi trường, cao hơn mức quy định của Trung ương là không dưới 1% tổng chi ngân sách địa phương.
Cho đến nay, các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường theo Nghị quyết đã được tỉnh thực hiện đạt và vượt, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đáng nói nhất là vào năm 2019 và năm 2020 vừa qua, Chỉ số Quản trị môi trường của tỉnh Quảng Ninh (bao gồm 3 chỉ số thành phần: Nghiêm túc trong bảo vệ môi trường, Chất lượng không khí và Chất lượng nước) đứng thứ 2/63 tỉnh thành phố và là một trong 8 chỉ số góp phần vào thứ hạng của Bộ chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh - PAPI của tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 3 năm 2019 và thứ 1 năm 2020 trên 63 tỉnh thành phố trong cả nước.
Với nhiều cách làm, mô hình sáng tạo huy động sự vào cuộc của người dân và sự quyết liệt bảo vệ môi trường, hiện tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại Quảng Ninh đã được thu gom và xử lý hợp vệ sinh là 950,5 tấn/ngày, đạt 96,2%. Lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đạt 70,7%, với phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh và đốt. Toàn tỉnh hiện có 6 nhà máy/khu xử lý chất thải rắn tập trung với công nghệ xử lý bằng phương pháp đốt (20 lò đốt) và 5 địa phương đang xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp.
Chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang giảm dần những năm gần đây với xu thế tái sử dụng, giảm thiểu chất phát thải. Hiện 91% tổng số lượng chất thải nguy hại phát sinh đã được các chủ nguồn thải hợp đồng với các đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xử lý theo quy định; còn lại 9% lượng chất thải nguy hại do mới phát sinh với khối lượng ít đều được lưu giữ tại kho chất thải nguy hại của đơn vị đó.
Tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp và cách làm cụ thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường và quyết liệt thực hiện. Tiêu biểu phải kể đến việc dừng hoạt động Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng từ ngày 1/1/2019, đã hoàn thành di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, các lò vôi thủ công gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch (89/89 lò vôi thủ công, 77/77 lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh); tỷ lệ các khu công nghiệp tập trung có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%.
Bên cạnh đó, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả nước thải từ 1.000m3/ngày đêm trở lên, các khu công nghiệp đi vào hoạt động đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường…
Để thực hiện được lộ trình và mục tiêu đưa Quảng Ninh thành “đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu” đòi hỏi tỉnh còn nhiều việc phải thực hiện trong thời gian tới. Tỉnh Quảng Ninh đã và sẽ tiếp tục kiên định thực hiện lộ trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” một cách bài bản, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Tỉnh cũng cần tiếp tục quản lý chặt chẽ môi trường, đa dạng sinh học; xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, doanh nghiệp, người dân có các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ xử lý nước thải, chất thải; quan trắc môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; duy trì và cải thiện chất lượng môi trường cũng cần được quan tâm. Quan trọng hơn cả, đó chính là việc nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và khơi dậy vai trò trách nhiệm, sự chung tay của cộng đồng chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, vì một tương lai xanh và an toàn.
Khánh Đan
Liên kết website
Ý kiến ()