Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:17 (GMT +7)
"Bảo vệ môi trường đóng vai trò hữu ích cho phát triển du lịch"
Chủ nhật, 06/06/2021 | 07:02:06 [GMT +7] A A
Là người gắn bó với du lịch Quảng Ninh, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng đi thực tế nhiều di tích, danh thắng ở Quảng Ninh, tham gia nhiều chương trình dự án về du lịch, quan tâm về du lịch bền vững. Ông cũng từng có ý kiến tham vấn cho tỉnh về phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh vừa có cuộc phỏng vấn PGS.TS Phạm Hồng Long xung quanh vấn đề bảo vệ môi trường di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch.
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về giá trị, tiềm năng của những di tích, danh thắng ở Quảng Ninh?
+ Quảng Ninh, từ lâu vốn đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví như “Việt Nam thu nhỏ” có nhiều tài nguyên mà nhiều tỉnh khác không có. Có thể thấy, từ Đông Triều tới thành phố địa đầu Móng Cái có rất nhiều di tích, danh thắng có giá trị lớn. Đó là Khu di tích nhà Trần, Yên Tử, Bạch Đằng, đền Cửa Ông, các di tích ghi dấu quá trình dựng nước và giữ nước ở Móng Cái cũng như các thắng cảnh tuyệt đẹp có giá trị ngoại hạng toàn cầu như Vịnh Hạ Long. Hệ thống di tích, danh thắng nổi bật đó là nguồn "nguyên liệu” quý giá để du lịch Quảng Ninh phát triển.
Hiện nay, người ta bàn nhiều về phát triển du lịch bền vững. Môi trường là một trong 3 yếu tố chính của phát triển du lịch bền vững gồm: Môi trường, kinh tế và văn hoá xã hội. Việc phát triển quá "nóng" sẽ khiến môi trường bị suy thoái, gây nhiều vấn đề đặc biệt là rác thải, nước thải, sử dụng năng lượng, đồ nhựa. Nhìn rộng ra thế giới, môi trường là một trong 17 yếu tố phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Vì thế, có thể thấy đây là vấn đề quan trọng và ngày càng được quan tâm, đặc biệt là đối với các di tích, danh thắng.
- Ông có nhận xét gì về việc bảo vệ môi trường các danh thắng, di tích ở Quảng Ninh?
+ Đánh giá một cách khách quan thì bảo vệ môi trường ở các di tích, danh thắng ở Quảng Ninh thời gian qua thay đổi nhiều theo chiến lược phát triển du lịch, phát triển KT-XH của tỉnh. Trước đây, Quảng Ninh phát huy các giá trị tự nhiên, phát triển khai khoáng sau chuyển dần “từ nâu sang xanh”, chú trọng phát triển du lịch, nuôi trồng thuỷ sản... Nhờ đó, bộ mặt môi trường của Quảng Ninh đã thay đổi rất nhiều.
Xin đơn cử một câu chuyện vui thế này: Trước đây đi từ đầu tỉnh - Đông Triều tới Hạ Long, Cẩm Phả rồi Mông Dương… đường sá còn khá nhiều bụi than thì nay vấn đề đó đã được cải thiện rõ, môi trường cảnh quan cũng được quy hoạch bài bản hơn. Trong đó, nổi lên là các danh thắng Yên Tử, TP Hạ Long... đã được quy hoạch bài bản, tạo ấn tượng tốt cho du khách, đặc biệt những du khách lần đầu tới Hạ Long.
Tuy nhiên, như nhiều nơi, nhiều thời điểm hoặc sự kiện vẫn có những “hạt sạn”, vẫn có những vấn đề rác thải, sử dụng năng lượng… nhưng nhìn chung Quảng Ninh khá hài hoà trong vấn đề bảo vệ môi trường gắn với phát huy giá trị các di tích, danh thắng.
- Du lịch phát triển nhanh sẽ tác động tới môi trường di tích, danh thắng. Vậy theo ông phải làm gì để bảo vệ môi trường các di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch ở Quảng Ninh?
+ Trước khi bàn về vấn đề này, chúng ta nên đề cập và phân tích 2 luồng ý kiến khác nhau hiện đang phổ biến. Ý kiến đầu tiên cho rằng: Du lịch dù có phát triển tốt ra sao sẽ gây tổn hại cho môi trường. Đây là quan điểm không ít người nêu ra. Quan điểm khác lại cho rằng, việc bảo vệ môi trường di tích, danh thắng sẽ giúp ích lại cho việc phát triển du lịch.
Rõ ràng, đó là một mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ. Tựu chung lại phải nhìn nhận rằng, việc bảo vệ, phát huy tài nguyên, môi trường đóng vai trò hữu ích cho phát triển du lịch. Đối với Quảng Ninh, nhờ thay đổi chủ trương, chính sách của tỉnh gần đây dẫn tới thay đổi trong phát triển du lịch, bảo vệ môi trường.
Trên thực tế, việc phát triển kinh tế thường được đặt lên hàng đầu, nhưng việc đó phải quay lại phục vụ cho bảo vệ môi trường, phát triển văn hoá xã hội. Hài hoà trong bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế là một trong những vấn đề hàng đầu được đặt ra không chỉ riêng với tỉnh Quảng Ninh mà còn của nhiều địa phương khác trong cả nước. Vì thế, lợi ích, nguồn thu kinh tế phải quay lại phục vụ cho bảo vệ môi trường, phát triển văn hoá xã hội.
Đơn cử nguồn thu phí tham quan Vịnh Hạ Long được trích lại tái đầu tư, trong đó cần chú trọng lưu tâm đầu tư cho bảo tồn, tôn tạo cảnh quan, phục vụ duy trì môi trường bền vững nhiều hơn. Và có lẽ làm như vậy thì mới hài hoà cho 3 yếu tố: Kinh tế, xã hội và môi trường đã nêu.
-Là người rất quan tâm tới du lịch bền vững, ông có thể chia sẻ một số bài học và kinh nghiệm của các địa phương trong nước và các quốc gia khác mà ông từng được tham quan, tìm hiểu?
+ Ở một số danh thắng, di tích tại Việt Nam và trên thế giới có cách làm dù nhỏ nhưng rất hay để bảo vệ môi trường. Đơn cử, như Cù Lao Chàm chọn cách làm hay với khẩu hiệu: “Trash in and trash out” (cái gì mang đến thì hãy mang về) và việc giới hạn lượng khách nhằm giảm tải cho điểm đến.
Nhìn rộng ra, ở các nước trong khối ASEAN có điều kiện phát triển tương tự như Việt Nam. Khi chúng tôi đến Madalay (Myanmar) ngay trước khi vào thành phố tham quan, nước sở tại đã thu một khoản phí môi trường, nhỏ thôi, chỉ tương đương 1-2 đô la. Tìm hiểu được biết, khoản phí này tách bạch với các khoản phí khác và được tái đầu tư cho bảo vệ môi trường. Với các nước châu Âu, phí này được tích hợp luôn trong chi phí lưu trú hoặc dịch vụ bạn sử dụng khi tới tham quan điểm đến đó.
Nhiều nơi còn có chế tài rất nghiêm ngặt. Khi tham quan Vườn Quốc gia của Kenya, chúng tôi luôn phải di chuyển bằng xe jeep vì quãng đường dài. Rác mang vào sẽ được kiểm đếm và phải được mang ra đúng điểm đến ban đầu hoặc thùng rác gần điểm ra nhất. Nếu vi phạm không chỉ du khách, những hướng dẫn viên, tài xế cũng bị xử phạt, quy trách nhiệm. Ở Buhtan, ngoài xử phạt, đều có sự tuyên truyền, giáo dục, lý giải ở các khẩu hiệu, bảng biển. Cụ thể, ở phần lớn các danh thắng, di tích đều có rất nhiều khẩu hiệu, biển hiệu ở mọi nơi, đôi khi còn gắn trên các thùng rác sinh thái. Bởi du khách khi tới vùng đất mới, đa phần đều có tâm lý tuân thủ quy định, “nhập gia tuỳ tục” thế nên giải pháp này nhiều khi đạt hiệu quả cao.
- Vậy làm sao hài hoà hai mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển du lịch trong bối cảnh phát triển du lịch đang đối mặt với nhiều áp lực?
“Du lịch phát triển nóng như ngọn lửa, nó có thể giúp nấu chín bữa ăn nhưng cũng có thể đốt cháy những ngôi nhà” là vấn đề mà nhiều người đang đề cập tới. Điều này có nghĩa, phát triển du lịch có thể mang lại những lợi ích về mặt kinh tế, nhưng nếu phát triển du lịch quá nhanh và "nóng", chú trọng nhiều về số lượng mà không chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và trách nhiệm trong việc tổ chức du lịch, thì du lịch sẽ đem đến những tác động tiêu cực khôn lường về văn hóa xã hội và môi trường. Những tác động tiêu cực này đôi khi còn lớn hơn nhiều những lợi ích kinh tế mà du lịch đem lại.
Thực tế, tại nhiều địa phương du lịch phát triển quá nóng, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường văn hóa xã hội và tự nhiên như Sa Pa (thiếu nước ngọt, biến đổi văn hóa...) hay Phú Quốc (rác thải, nước thải)... Phát triển du lịch Quảng Ninh nên đảm bảo hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hoá xã hội. Nói một cách khác cần ưu tiên phát triển du lịch “xanh”, du lịch có trách nhiệm. Yêu cầu này đồng nghĩa với việc bên cạnh việc tuân thủ các quy định của nhà nước đối với hoạt động phát triển du lịch, cần phải có được cơ chế để tạo nguồn lực từ chính du lịch cho hoạt động bảo tồn các giá trị di sản mà du lịch khai thác để phát triển.
Như vậy, rất cần quan tâm tới các lưu ý sau để phát triển du lịch bền vững, đó là: Có cơ chế phối hợp và đảm bảo trách nhiệm giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch bền vững; khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu địa phương, ứng dụng công nghệ sạch; xử lý nghiêm các hành vi làm ô nhiễm; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; khuyến khích, hỗ trợ thực hiện chương trình giám sát môi trường tại các khu, tuyến, điểm và cơ sở dịch vụ du lịch; khuyến khích, hỗ trợ các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm xã hội và môi trường.
-Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()