Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 02:23 (GMT +7)
Vì sao bệnh nhân dùng corticoid cần trì hoãn tiêm vaccine COVID-19?
Thứ 4, 19/05/2021 | 10:21:50 [GMT +7] A A
Corticoid là thuốc được chỉ định cho rất nhiều bệnh và thực tế lâm sàng cũng đang có nhiều bệnh nhân phải sử dụng thuốc này. Vậy vì sao những người đang dùng các thuốc này cần trì hoãn tiêm vaccin COVID-19?
Corticoid được điều trị những bệnh nào?
Nhóm corticoid là thuốc có tác dụng chống viêm dị ứng, đồng thời ức chế miễn dịch, theo đó nhóm thuốc này được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau: Bệnh vảy nến, chàm và các bệnh viêm da dị ứng, sốc phản vệ hay mề đay...; hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD); hội chứng thận hư nguyên phát; viêm đa khớp và thấp khớp. Nhóm thuốc này còn có tác dụng điều trị một số bệnh lý về tiêu hóa, mắt, huyết học. Thuốc cũng được sử dụng cho một số bệnh tự miễn bao gồm viêm khớp dạng thấp, lupus, thấp tim; sử dụng diều trị thay thế hormone tuyến thượng thận trong trường hợp cơ thể không đủ khả năng tự sản xuất các loại hormone này. Bên cạnh đó, corticoid còn được sử dụng hiệu quả trong phẫu thuật cấy ghép tạng; điều trị phối hợp bệnh lý nhiễm trùng hoặc ung thư…
Vì sao bệnh nhân điều trị bằng corticorid cần trì hoãn tiêm vaccine?
Ngày 18/3/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1624/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Theo đó, hướng dẫn này quy định các đối tượng đủ điều kiện tiêm và không nên tiêm.
Theo đó, các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người từ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vaccine. Ngoài ra, có 9 đối tượng trì hoãn tiêm chủng, gồm: Người đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; người trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh COVID-19; tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước; người đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; người trên 65 tuổi; người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.
Về vấn đề bệnh nhân đang điều trị corticoid cần trì hoãn tiêm vaccine, TS.BS.Nguyễn Hữu Trường - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Khi tiêm phòng bất kỳ loại vaccine nào, hai vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu là hiệu quả bảo vệ và tính an toàn của vaccine. Việc sử dụng corticoid liều cao, kéo dài hoặc dùng các thuốc ức chế miễn dịch đều là các phương pháp điều trị có tác dụng gây ức chế hoạt động của các tế bào miễn dịch và làm suy giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân từ bên ngoài. Điều này sẽ tác động vào chính cơ chế tác dụng của vaccine, làm vaccine bị giảm khả năng kích thích hệ miễn dịch sinh kháng thể bảo vệ cơ thể. Đã có những bằng chứng cho thấy, việc sử dụng corticoid liều cao (≥ 2mg/kg cân nặng) hoặc dùng kéo dài với liều tương đương prednisone 20mg/ngày có thể làm giảm đáp ứng sinh kháng thể và giảm hiệu quả bảo vệ đối với nhiều loại vaccine như vaccine phế cầu, viêm gan B… Điều này cũng có thể xảy ra với các vaccine phòng COVID-19 do có cùng cơ chế hoạt động với các loại vaccine khác.
Tình trạng suy giảm miễn dịch liên quan đến điều trị corticoid không chỉ làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine mà còn có thể dẫn đến nguy cơ lây bệnh từ chính các loại vaccine có nguồn gốc là các mầm bệnh sống giảm độc lực. Tuy nhiên, cần lưu ý là phần lớn các vaccine phòng COVID-19 được cấp phép hiện nay không thuộc nhóm vaccine sống giảm độc lực.
Khi nào thì có thể được tiêm vaccine?
TS.Trường cho hay: Đối với những người bệnh chỉ sử dụng corticoid một liều duy nhất (ví dụ tiêm corticoid điều trị bệnh lý khớp) hoặc dùng một đợt ngắn ngày thì có thể chờ ít nhất 14 ngày sau thời điểm dùng liều corticoid cuối cùng để tiêm vaccine phòng COVID-19.
Với những trường hợp phải sử dụng corticoid đường toàn thân kéo dài để điều trị các bệnh mạn tính như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, bệnh xơ cứng rải rác… thì hiện không có khuyến cáo về việc ngưng thuốc để tiêm phòng vaccine vì nguy cơ từ việc bệnh bị tiến triển nặng lớn hơn so với lợi ích thu được từ tiêm vaccine.
Chính vì sự an toàn cho người tiêm vaccin mà Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng nhà nước và tư nhân trên cả nước.
Theo đó, trước khi tiêm, cán bộ tiêm chủng phải hỏi kỹ tiền sử bệnh. Cụ thể là tình trạng sức khỏe hiện tại, những thuốc đang sử dụng… để phát hiện các bệnh cấp tính mà người tiêm đang mắc, trong đó đặc biệt lưu ý với người đang sử dụng kháng sinh, thuốc kháng nấm, thuốc điều trị HIV bằng thuốc ARV…
Cùng với đó, trong quá trình khám sàng lọc, nhân viên y tế cần hỏi về tiền sử của người bệnh: Về bệnh tật và quá trình dùng thuốc. Ví dụ: Tiền sử tiêm vaccine khác trong 14 ngày qua; tiền sử bệnh nền; có đang dùng các thuốc corticoid hoặc bất kể thuốc nào khác không; tiền sử rối loạn đông máu, cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông hoặc người đang mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ…
Do đó, đối với những người chưa đủ điều kiện hoặc đang cần trì hoãn tiêm vaccine COVID-19, để phòng tránh nhiễm bệnh, cần tuân thủ hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế với biện pháp 5K (Khẩu trang - Khử Khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) và hạn chế ra ngoài khi không có việc cần thiết.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()